Khiêm nhường, bình dị, giàu lòng nhân ái

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 104 - 107)

6. Bố cục luận văn

2.3.3.3. Khiêm nhường, bình dị, giàu lòng nhân ái

Từ những ngày đầu tiên được Bác giao nhiệm vụ thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân đến tận sau này đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các chiến dịch và bộ máy Nhà nước, Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện rõ một đặc điểm trong con người mình đó là sự khiêm nhường, bình dị. Trong tổng tập hồi kí, ông hầu như không nói nhiều về mình mà chủ yếu kể về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, của Bác Hồ, về nhân dân, về những cán bộ, chiến sĩ. Võ Nguyên Giáp trong một lần trò chuyện với các nhà báo phương Tây, trước những lời ca ngợi của họ về vai trò của mình, ông đã trả lời: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mĩ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”. Một dịp khác khi được hỏi “Ai là vị tướng Việt Nam giỏi nhất?”, ông đã không ngần ngại mà trả lời: “Nhân dân Việt Nam”. Những sự thể hiện trên phần nào nói lên được nhân cách sáng ngời của Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã học tập triệt để ở Hồ Chí Minh những phẩm chất cao cả. Con người ấy cống hiến hết mình cho sự nghiệp của đất nước nhưng luôn nói về mình với một thái độ khiêm tốn, ông không màng đến danh vọng cá nhân và đặc biệt không bao giờ tuyệt đối hóa vai trò của bản thân.

Là vị Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Võ Nguyên Giáp đã đóng góp công sức rất lớn trong việc làm nên chiến thắng. Thế nhưng ông chưa bao giờ nói nhiều về những gì mình đã làm, cũng không tuyệt đối hóa vai trò của bản thân. Trong hồi kí ông thể hiện rõ sự ghi nhận những chiến công có được là sự hợp sức của toàn thể dân tộc “Trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc, mỗi người có góp phần của mình, đều cảm thấy tự hào. Riêng trong chiến dịch này, nếu thiếu tấm lòng thương yêu rộng lớn của nhân dân, chẳng quản gian lao, không sợ hiểm nghèo, chăm lo từng viên đạn, hạt gạo thì bộ đội ở nơi tiền tuyến xa xôi này không thể nào chiến thắng quân giặc” [28, tr.1098].

Là một danh tướng đạt được nhiều thắng lợi trên chiến trường nhưng ông không bao giờ chủ quan, khinh địch, trước một chiến dịch, mỗi trận đánh ông luôn đau đáu một điều là làm thế nào để quân ta tổn thất ít nhất. Với mỗi phương án đề ra ông luôn nghiên cứu kĩ càng để đảm đảo mục tiêu của chiến dịch. Chính từ sự thôi thúc cần phải

làm tốt hơn, tốt hơn nữa nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, ông đã quyết tâm bày tỏ rõ quan điểm và đề nghị chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “tiến chắc thắng chắc”.

Trong cách đối xử với chiến sĩ, bộ đội, Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm, săn sóc: “Thấy anh cứ mặc nguyên bộ quần áo ướt, tôi hỏi tại sao không thay, mặc như vậy ngấm nước mưa không tốt. Anh nói, những quần áo khác cũng đều ướt cả. Tôi lấy bộ quần áo chàm đem theo trong túi dết, đưa anh mặc tạm, rồi ngồi hỏi thăm tình hình gia đình, nói chuyện làm ăn” [28, tr.58]. Sự quan tâm còn được thể hiện trong những cái siết tay thân tình, trong những lá thứ thăm hỏi động viên kịp thời, thường xuyên đối với những gian khổ và cả những thành tích mà các chiến sĩ làm được.

Có nhiều lần nghe tin những chiến sĩ bộ đội anh dũng hi sinh, tướng Giáp không giấu nổi những giọt nước mắt buồn thương. Với ông, trong chiến tranh sự hi sinh là điều không thể tránh khỏi nhưng trong những giờ phút nghe những tin tức chẳng lành, lòng cũng không khỏi đau đớn, xót xa. Trong hồi kí, Võ Nguyên Giáp kể về đồng chí Vũ Phương, một chiến sĩ mà ông được biết trong một tối lửa trại ở tiểu đoàn 18: “Anh bộ đội nhỏ nhắn, xinh xắn, xuất hiện với điệu múa Mèo làm rộ lên tiếng cười. […]. Người cán bộ vui nhộn ấy, đã chiến đấu với quân địch ở bến Bình Ca, đã chỉ huy bộ đội đánh thắng trận Non Nước, và lần này trận Pú Chạng” [28, tr.829]. Nhận được tin tức hi sinh của đồng chí, Võ Nguyên Giáp “lặng đi một lát với ý nghĩ rồi đây sẽ có nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú tiếp tục phải hi sinh” [28, tr.829].

Trong giao tiếp, ứng xử với mọi người, Đại tướng luôn thể hiện sự chân tình, cởi mở. Dù là bất kì ai khi gặp ông đều cảm thấy được sự gần gũi, tế nhị. Ông không phân biệt kẻ cao, người thấp và kể cả những người bên này chiến tuyến hay bên kia chiến tuyến, trong đối thoại ông luôn giữ thái độ bình tĩnh và ý thức rõ về sự bình đẳng giữa con người với nhau.

Giờ đây những năm tháng chiến tranh ác liệt đã đi qua, đất nước được hưởng nền độc lập tự do nhưng sự hi sinh của những người đi trước vẫn luôn luôn là điều mà các thế hệ sau khắc ghi. Cuối tập hồi kí Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Võ Nguyên Giáp bày tỏ những cảm xúc của mình, qua đó người đọc hiểu được sâu sắc tấm lòng của ông dành cho những cán bộ, chiến sĩ bên cạnh mình: “Mỗi lần trở lại Điện Biên

Phủ, tôi tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội đã nằm lại đây. Đứng trước rất nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những người đồng đội chưa kịp biết là đang ở đơn vị nào” [28, tr.1134].

Đối xử nhân ái, yêu thương đồng bào chiến sĩ mình đó là một điều đáng trân quý. Nhưng không chỉ vậy, lòng nhân ái ấy còn có xuất phát điểm từ tình yêu thương con người nói chung. Thế nên đối với những tù binh địch bị thương, tướng Giáp cũng dặn dò cán bộ, chiến sĩ đối xử chu đáo. Với thất bại thảm bại ở trận Điện Biên Phủ lịch sử: “Hơn một ngàn binh lính và sĩ quan bị thương nặng ở đầu, ở bụng, què cụt bị lèn chặt ních trong những căn hầm đầy bùn nhão hôi thối, lúc nhúc ròi bọ. Thương binh địch rên xiết, kêu khóc, đòi cứu chữa, đòi ăn, đòi uống. Nhân viên y tế của Pháp tỏ ra hoàn toàn bất lực. […] Hơn hai chục bác sĩ và mấy chục nhân viên quân y của Pháp cũng bị đói, thân hình gày guộc, mệt mỏi, phờ phạc” [28, tr.1099]. Trước tình hình đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói điều ngay đến một đội điều trị cùng với nhân viên y tế Pháp đề cứu chữa thương binh, đối với những thương binh nặng ta đồng ý cho phía Pháp xuống lấy như đã làm ở Thất Khê trong chiến dịch Biên giới. Với tư cách là Tổng chỉ huy chiến dịch, Võ Nguyên Giáp luôn thực hiện chính sách nhân đạo đúng như chủ trương của Đảng và Bác. Trên chiến trường, thực dân Pháp là kẻ thù xâm lược mà chúng ta phải tiêu diệt để dành lại hòa bình, độc lập nhưng khi trận chiến kết thúc, những thương binh, những người nằm xuống được đối xử như những con người.

Như vậy, với tài năng và những cống hiến vĩ đại cho dân tộc cùng nhân cách, lối sống đẹp, Đại tướng đã trở thành một huyền thoại sống mãi trong lòng dân tộc.

*** Hồi kí Võ Nguyên Giáp với sáu tác phẩm chứa đựng nhiều vấn đề mang ý nghĩa lớn lao. Trong đó một nội dung quan trọng chính là thời đại và con người. Với cái nhìn của một người trực tiếp trong cuộc, Võ Nguyên Giáp đã tái hiện thành công không khí hào hùng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến. Và chắc hẳn không thể thiếu trong bức tranh ấy những con người làm nên lịch sử. Từ nhân dân mà ra, những con người vĩ đại được nuôi dưỡng, che chở và đóng góp vào sự nghiệp chung giải phóng dân tộc. Và để bức tranh hiện thực ấy được tiếp nhận chân thực, ấn tướng nhất, hồi kí được vận dụng linh hoạt nhiều nghệ thuật tạo nên sức lôi cuốn và hấp dẫn.

Chương 3. HỒI KÍ VÕ NGUYÊN GIÁP NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

Hồi kí của Võ Nguyên Giáp có thể coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thể hồi kí cách mạng mà tác giả là những tướng lĩnh, chiến sĩ. Tác phẩm ghi lại những hồi ức mà bản thân Võ Nguyên Giáp đã trải qua, đã chứng kiến hoặc nghe kể lại, gắn liền với một thời kì dài của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chính vậy trong cách thể hiện nó cũng mang những đặc trưng nghệ thuật riêng, trong đó có một số điểm đặc sắc như: tư liệu phong phú, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, ngôn ngữ sống động, đa dạng.

3.1. Nghệ thuật khai thác và trình bày tư liệu

Với thể loại hồi kí, nhất là những hồi kí về đề tài chiến tranh, ngoài việc huy động trí nhớ của bản thân người kể thì việc khai thác tư liệu và lựa chọn cách sắp xếp, trình bày sao cho vừa đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt của thể loại, vừa tạo nên tính sinh động, hấp dẫn là một điều cần thiết. Trong hồi kí của mình, Võ Nguyên Giáp đã tận dụng tối đa nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Đồng thời chính sự tinh tế, khéo léo trong cách lựa chọn, sắp xếp đã tạo nên những hiệu quả thông tin, thẫm mĩ cao cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 104 - 107)