6. Bố cục luận văn
2.1.2. Nhà nước non trẻ khó khăn chồng chất khó khăn
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. Qua những trang hồi kí của tướng Giáp, đất nước hiện lên thật đẹp đẽ trong tương quan so sánh giữa xưa và nay: “Mấy ngày trước đây, Hà Nội còn giữ nguyên vẹn bộ mặt của một sản phẩm của chế độ thực dân thối nát thời chiến. Cả thành phố chìm đắm trong những hoạt động chợ đen. Cuộc sống tính từng ngày. Những chiếc xe chở rác không đủ để đưa xác những người chết đói ra ngoại ô, đổ xuống những hố chung. Trong khi đó, ở các cửa ô, người đói khắp làng quê vẫn ùn ùn kéo vào. Họ đi vật vờ như những chiếc lá khô buổi chiều đông. Nhiều khi chỉ một cái gạt tay của viên cảnh sát, cũng đủ làm họ ngã xuống không bao giờ trở dậy” [28, tr.148]. Cách mạng tới, sự hồi sinh thật kì diệu: “Sức hồi sinh của cách mạng thật lạ thường. Hôm trước, cả thành phố còn tê liệt vì nạn đói, vì bệnh dịch, vì sự khủng bố. Hôm sau, tất cả những đường to, ngõ hẻm đã sôi lên. Hàng vạn, hàng vạn con người ầm ầm kéo đi với sức mạnh như những dòng thác” [28, tr.148]. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa được thành lập đã đem đến một nguồn sinh khí mới cho toàn dân tộc. Chính quyền nhân dân cách mạng mới hình thành, phần nhiều những người dân không rõ ai sẽ là người đại diện cho chính quyền mới nhưng không khí nô nức, sự phấn khởi chính là động lực khiến mọi người tự động tạo nên một trật tự mới, mọi thứ đi vào những nề nếp, nạn trộm cắp hầu như không xảy ra. Cùng với những thuận lợi của một đất nước sau nhiều năm dưới ách thống trị kìm kẹp của thực dân Pháp giờ đây được tự do, là những khó khăn chất chồng của một chính quyền cách mạng còn non trẻ với sự thiếu thốn trăm bề và nhiều mối đe dọa, nguy hại từ bên ngoài. Cuốn hồi kí Những năm tháng không thể nào quên là cuốn hồi kí thứ hai do Hữu Mai ghi tái hiện những sự kiện trọng yếu, những biến cố có tính bước ngoặt của Việt Nam xuất phát từ điểm nhìn hiện tại là bối cảnh đất nước năm 1970 – đó là thời điểm cả nước đang dồn tâm, dồn sức cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ. Đây là thời điểm mà tương quan lực lượng, vị thế đất nước khác xa thời điểm năm 1945. Tác giả đã đứng từ điểm nhìn của một dân tộc đã có thể đứng vững hiên ngang, bất khuất trong bao nhiêu cuộc đấu tranh
trường kì gian khổ nhưng không chịu khuất phục trước kẻ thù để tái hiện lại những giờ phút quan trọng của đất nước.
“Thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc đã qua” nhưng lúc đó “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới sinh, nằm giữa bốn bề hùm sói, phải tự dốc sức mình đấu tranh dũng cảm, mưu trí, phải tìm mọi cách để sống còn” [28, tr.179]. Những cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng đã qua thời kì ẩn náu, lẩn tránh nhưng mọi hoạt động của Đảng vẫn được tiến hành theo phương thức bí mật. Chính quyền cách mạng vẫn chưa được nước nào công nhận. Tình hình kinh tế hết sức khó khăn: “Phần lớn ruộng đất ở Bắc Bộ bỏ hoang. Hết nạn lụt, đến nạn hạn hán kéo dài. Một số nhà máy Nhật trao trả chưa thể cho chạy được. Việc buôn bán với người nước ngoài đình trệ. Nạn khan hiếm hàng hóa nghiêm trọng […].Ta chưa phát hành được tiền Việt Nam. Kho bạc giành được từ tay chính quyền cũ, chỉ có một triệu bạc rách” [28, tr.180]. Cùng với những khó khăn về kinh tế, là những hệ quả khôn lường mà bọn thống trị đã để lại: 95 % nhân dân mù chữ. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều nguy hiểm nhất. Khó khăn lớn nhất lúc này chính là quân đội nước ngoài từ bốn phương cùng dồn dập kéo tới. Thù trong, giặc ngoài, nước Việt Nam còn non trẻ phải đối mặt với khó khăn tứ phía. Nhưng “Nước Việt Nam đã tái sinh. Những đám mây mù nặng trĩu của chế độ thực dân đã bị xua tan. Trời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xanh ngắt. Thủ đô Hà Nội bội phần đẹp hơn Thăng Long, Đông Đô xưa, tưng bừng khí thế cách mạng, sẵn sàng đương đầu với sóng gió” [28, tr.183-184]. Trước tình hình đất nước dầu sôi lửa bỏng, Đảng, Nhà nước đã kịp thời đưa ra nhưng quyết sách đúng đắn, sáng suốt. Vấn đề cấp bách, quan trọng nhất là cần củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng. Chính phủ quyết định mở tổng tuyển cử trong cả nước. Cũng qua những cuộc bầu cử này, chính quyền nhân dân được củng cố vững chắc ở cơ sở, cùng với đó là mở rộng khối đoàn kết toàn dân, thực hiện công nông chuyên chính. Đồng thời Chính phủ cũng công bố dự thảo Hiến pháp cho toàn dân góp ý kiến. Việc tăng cường học chữ được chú trọng để từng bước giải quyết nạn dốt. Nhiều thứ thuế vô lí được bãi bỏ, vấn đề tài chính của đất nước cũng được chú trọng nâng cao. Với sự chỉ đạo sâu sát của Đảng và Chính phủ đã làm cho “nội lực” của nước Việt Nam nhanh chóng được củng cố, những khó khăn đang từng bước được vượt qua.
Ở Hà Nội, Quân Tưởng vẫn ráo riết tìm mọi cách để ngăn cản, để chống phá tổng tuyển cử: “Bọn phản động lại tăng thêm những vụ bắt cóc, ám sát. Chúng nhằm những người sắp ra ứng cử, những Đảng viên cộng sản, cán bộ Việt Minh, những người thuộc tổ chức của chúng nhưng lại tỏ ra cảm tình với ta, hoặc đã tách khỏi bọn chúng, đi theo cách mạng” [28, tr.196]. Tình hình ở miền Nam và Nam Trung Bộ, giặc Pháp vẫn chiếm giữ. Tương quan lực lượng giữa ta và địch vô cùng chênh lệch: “Một bên là đội quân nhà nghề của một tên đế quốc già đời, do một trong những viên tướng có tiếng tăm của nước Pháp chỉ huy. Chúng có đủ vũ khí hiện đại: máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, đại bác, liên thanh. […]. Một bên, là những người dân chỉ có vũ khí thô sơ và một quyết tâm chiến đấu đến cùng, để bảo vệ đất nước” [28, tr.202-203]. Thế nhưng có lẽ điều chúng không ngờ nhất là trong tương quan lực lượng chênh lệch như vậy, kháng chiến của ta không những không bị dập tắt mà ngày càng bùng lên mãnh liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác cộng với những kinh nghiệm lâu dài trong những năm kháng chiến trường kì, nhân dân ta nhanh chóng tìm ra cách đánh của mình. Chiến tranh du kích đã diễn ra ở khắp mọi nơi.
Trước những khó khăn chung của đất nước Việt Nam sau khi vừa giành được chính quyền, Đảng và nhân dân ta vẫn luôn kiên định với những mục tiêu đã lựa chọn. Khó khăn không làm ta chùn bước, thời kì trước khi hoạt động còn phải lẩn tránh, bí mật, khi ta chưa giành được chính quyền, đồng bào chiến sĩ cũng không nề hà nguy hiểm, khó khăn. Thế thì khó khăn ngày nay đâu thể làm ta nản chí. Với những quyết sách đúng đắn của Đảng, của Nhà nước, ta từng bước củng cố tình hình trong nước, hòa hoãn, đối phó với kẻ thù bên ngoài. Công tác khôi phục kinh tế, xóa nạn mù chữ và đối phó với giặc xâm lược đã thu được những kết quả đáng mừng: “Diện tích trồng lúa mở rộng gấp rưỡi. Diện tích trồng khoai tăng gấp ba, số khoai thu hoạch tăng gấp năm, giá gạo tại Bắc Bộ từ bảy trăm đồng trước đây, đã hạ xuống hai trăm đồng một tạ. Cách mạng đã chiến thắng nạn đói […]. Về giáo dục, cuộc chiến chống giặc dốt đã đạt được một kết quả chưa từng thấy. Tám vạn giáo viên nam nữ không lấy tiền lương, phụ trách sáu vạn lớp học, đã giúp cho một triệu rưỡi người thoát khỏi nạn mù chữ […]. Cuộc đấu tranh chống giặc ngoài thù trong đã được tiến hành một cách rất quyết liệt và giành được những thắng lợi to lớn” [28, tr.315].
Ngày kỉ niệm một năm thành lập nước Cộng hòa Dân chủ, đất nước như được thay da đổi thịt, khó khăn dù vẫn còn ở phía trước nhưng niềm vui mừng, phấn khởi, hào khí toát lên ở từng con đường, từng mái nhà: “Trời tối, cả thành phố bừng lên một màu hồng với hàng vạn chiếc đèn lồng treo trước mỗi hiên nhà. Một đoàn thanh niên của Thủ đô giương cao cây đuốc tượng trưng cho ngọn lửa cách mạng, chạy quanh Hồ Gươm giữa những tiếng hò reo hoan hô. Đồng bào bày tiệc liên hoan ngay trên hè phố” [28, tr.316].
Như vậy, mặc dù Nhà nước Việt Nam mới thành lập đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thế nhưng trước tình hình căng thẳng với nhiều những vấn đề cần giải quyết, những “trụ cột” của đất nước vẫn kiên định với mục tiêu, sáng suốt trong quyết sách và khó khăn đã dần được đẩy lùi. Giờ đây, những gian khổ vẫn còn ở phía trước nhưng chúng ta có quyền tự hào về những điều chúng ta đã làm được.