Mô hình nuôi trồng thủy sản

Một phần của tài liệu Địa lí nông nghiệp tỉnh an giang (Trang 98 - 103)

Hiện nay, tỉnh đã thực hiện áp dụng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản dựa trên các thế mạnh sẵn có và hiệu quả kinh tế mang lại. Các hình thức nuôi lồng bè với sự hỗ trợ của công nghiệp chế biến ngày càng phổ biến và làm tăng GTSX nuôi trồng. Ngoài ra, phương thức nuôi tôm cá kết hợp trên ruộng lúa phát triển mạnh ở nhiều địa phương góp phần làm tăng diện tích sản xuất thủy sản, qua đó góp phần tăng GTSX trên một đơn vị diện tích canh tác.

- Nuôi cá bè: Năm 2000, số lượng bè cá là 3066 với sản lượng cá nuôi bè là 41.695 tấn. Tuy nhiên, do hiệu quả sản xuất thấp, đến năm 2010, số lượng bè cá giảm xuống còn 2101 bè (giảm gần 1000 bè so với năm 2000), kéo theo sản lượng cá nuôi bè cũng giảm mạnh (giảm gần 31 nghìn tấn so với năm 2000 và 42 nghìn tấn năm 2005). Loại cá nuôi bè chủ yếu là cá tra, cá ba sa. Tuy nhiên, trong những năm qua, do sự biến động của thị trường cá tra, cá ba sa cũng như giá trị kinh tế cao của một số loại cá khác, nông dân đã nuôi thêm các loại cá lóc bông, cá bống tượng, cá he, cá hú, cá mè dinh.

- Nuôi tôm càng xanh: Bên cạnh cá, phong trào nuôi tôm càng xanh ngày càng phát triển, đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh đi đầu của ĐBSCL trong phong trào nuôi tôm càng xanh luân canh 1 lúa - 1 tôm. Diện tích nuôi tôm tăng liên tục qua các năm (tăng 89 lần so với 2000). Năng suất nuôi từ 0,7 tấn/ha đến nay là 1,2 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất 1,8 tấn/ha.

89

Sự tăng nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng cùng với sự tăng lên của giá cả các mặt hàng thủy sản tất yếu đưa đến sự tăng trưởng cao về GTSX ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh An Giang trong những năm gần đây (GTSX tăng từ 840.939 triệu đồng năm 2000 lên 5.562.872 triệu đồng năm 2010).

GTSX/ha đất nuôi trồng thủy sản tăng và đạt giá trị cao. Vào năm 2000, giá trị trên đạt 1751,7 triệu đồng/ha và 1693,6 triệu đồng/ha năm 2010, cao hơn 17,9 lần so với ngành nông nghiệp và 133,3 lần lâm nghiệp. Điều này khẳng định lợi thế vượt trội của ngành thủy sản trong quá trình phát triển.

Sự gia tăng của các chỉ số trong nuôi trồng thủy sản là thành quả của việc không ngừng vận dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào việc sản xuất, trong đó phải đề cập đến vấn đề giống và cơ sở vật chất. Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất giống và ươm nuôi một số đối tượng nuôi chủ lực như cá tra/basa của tỉnh đã thúc đẩy số lượng các cơ sở ương nuôi và sản xuất giống cá tra trong tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2010 toàn tỉnh có 1.041 cơ sở, với trên 3.100 lao động, tăng gấp 42 lần về số lượng cơ sở và gấp 40 lần về số lượng lao động năm 2000. Công tác kiểm dịch, kiểm tra và kiểm soát môi trường được quan tâm song song. Hệ thống các trạm kiểm dịch thú y thủy sản với việc ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại đã được hình thành. Công tác tập huấn, khuyến nông, phổ cập các thông tin sản xuất, nhân rộng các mô hình ngày càng được đẩy mạnh. Trong sự phân bố không gian, việc quy hoạch các vùng chuyên canh có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong nuôi trồng thủy sản. Nắm bắt ý nghĩa mang tính chiến lược đó, An Giang đã xây dựng một số vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản với mức độ đầu tư hiện đại về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị công nghệ. Điển hình là vùng nuôi cá tra, cá ba sa Châu Đốc, Thoại Sơn, vùng nuôi tôm ở Chợ Mới…

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn. Chất lượng con giống không đảm bảo, bệnh dịch lan rộng, quy trình sản xuất còn mang tính tự phát, chưa đảm bảo yêu cầu thương phẩm xuất khẩu, giá cả một số loại thủy sản giảm mạnh, thị trường biến động… đã lí giải sự suy

90

giảm của sản lượng thủy sản nuôi trồng trong những năm gần đây [Bảng 3.23]. Tuy nhiên, trong những năm qua, tỉnh đã không ngừng tái cơ cấu xây dựng phát triển lồng bè trên cơ sở đảm bảo sự ổn định của các yếu tố đầu ra, đầu vào như vốn, thị trường… nhằm phát huy hơn nữa lợi thế của ngành thủy sản trong giai đoạn mới.

b. Khai thác thủy sản

So với nuôi trồng, ngành khai thác thủy sản có ít lợi thế hơn. Trong cơ cấu thủy sản, ngành khai thác thủy sản chiếm tỉ trọng nhỏ và có xu hướng giảm dần do sự phát triển mạnh của ngành nuôi trồng. Trong giai đoạn 2000 - 2010, tỉ trọng của ngành khai thác đã giảm từ 28,6% năm 2000 xuống chỉ còn 11,7% năm 2010. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển bền vững nhằm bảo tồn và phát triển các nguồn lợi thủy sản đang ngày càng giảm sút của tỉnh.

Việc đánh bắt chủ yếu tập trung nhiều vào mùa nước nổi kéo dài từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Với lợi thế là vùng đầu nguồn sông Cửu Long, lợi dụng được nguồn cá phong phú từ Biển Hồ đưa xuống, nên nguồn lợi thủy sản tương đối đa dạng, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá linh, cá hô, cá sặc... Tuy nhiên, nguồn lợi này đang có xu hướng suy giảm nhanh chóng, một số loài đã trở nên cạn kiệt do việc khai thác quá mức theo phương thức hủy diệt (đánh bắt cá non, dùng xung điện…) cũng như sự tác động của ô nhiễm môi trường nước ngày càng trầm trọng. Chính vì vậy, sản lượng thủy sản đánh bắt ngày càng giảm mạnh trong giai đoạn 2000 – 2010 (giảm 54,059 nghìn tấn). Tuy nhiên, nhờ giá thành sản phẩm cao, cộng với việc điều tiết yếu tố thị trường, GTSX của ngành khai thác thủy sản đã tăng 2,26 lần trong giai đoạn 2000 – 2010, từ 352.963 triệu đồng lên 798.486 triệu đồng (giá thực tế).

c. Chế biến thủy sản

Chế biến thủy sản có vai trò quan trọng trong việc nâng cao GTSX của ngành thủy sản trong cơ cấu nông - lâm - thủy toàn tỉnh. Hiện nay, cùng với việc tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngành chế biến thủy sản ngày càng phát

91

triển, mở rộng mạng lưới theo hướng đa dạng hóa, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.Các cơ sở chế biến được đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Năm 2010 toàn tỉnh đã 17 doanh nghiệp với 20 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh tạo việc làm cho trên 25.000 lao động. Nổi bật là 5 doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn của tỉnh là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang(AGIFISH), Công ty cổ phần Nam Việt(NAVICO), Công ty cổ phần NTACO, Công ty cổ phần Việt An, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long.

Với việc nâng cao năng lực sản xuất theo hướng hiện đại, việc phát triển ngành chế biến thủy sản đã góp phẩn thúc đẩy giá trị hàng hóa không ngừng tăng lên, thị trường các mặt hàng thủy sản được mở rộng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài như Hoa Kì, Châu Âu, Nhật Bản… Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 23,9 triệu USD vào năm 2000 lên 334,9 triệu USD vào năm 2010, vượt xa kim ngạch xuất khẩu gạo và đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm 53,7% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).

Bảng 3.24: Giá trị xuất khẩu thủy sản tỉnh An Giang trong giai đoạn 2000 - 2010

Năm Tăng (+), giảm (-)

Năm 2000 2005 2010 2005/2000 2010/2005

Trị giá xuất khẩu thủy sản

(Nghìn USD) 23.964 251.457 334.928 227.493 83.471

[Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh An Giang năm 2010]

Ngoài ra, hệ thống các làng nghề sản xuất thủy sản ngày càng được phát triển thông qua hệ thống chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ cũng như thị trường. Điển hình như các làng nghề chế biến các sản phẩm từ thủy sản nổi bật như Chợ Mới, Châu Đốc…

92

Bên cạnh sự phát triển với nhiều thành quả, ngành thủy sản của tỉnh còn có nhiều hạn chế cơ bản:

- Về nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng biến động do không có sự quản lí mang tính vĩ mô. Hình thức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy trình, làm cho hoạt động nuôi trồng chưa thực sự hiệu quả so với tiềm năng so sánh của tỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng còn yếu và chưa đồng bộ.

- Về khai thác thủy sản: Việc đánh bắt sử dụng các phương tiện nguy hại có tính hủy diệt cùng với môi trường ngày càng ô nhiễm do hoạt động của con người càng làm cho số lượng thủy sản đánh bắt giảm.

- Về chế biến thủy sản: Bên cạnh các cơ sở chế biến có sự đầu tư hiện đại, nhiều cơ sở chế biến chưa đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, dẫn đến việc gây ô nhiễm môi trường và gây khó khăn cho việc quy hoạch thủy sản.

3.2.4. Lâm nghiệp

3.2.4.1. Khái quát chung

Trong cơ cấu nông - lâm - thủy sản, ngành lâm nghiệp chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ (chiếm 0,5% trong tổng giá trị nông - lâm - thủy sản năm 2010)[2].

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng có xu hướng tăng lên và đạt 13.912,47 ha, tăng 2.122 ha so với năm 2000, đưa tỉ lệ che phủ rừng đạt 3,8% năm 2010[2].

An Giang có hai hệ sinh thái chính là hệ sinh thái thực vật rừng vùng đồi núi và hệ sinh thái thực vật vùng ngập nước úng phèn, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, một phần ở núi Ba Thê (Thoại Sơn) và Núi Sam (Châu Đốc). Hệ động thực vật tương đối đa dạng với nhiều loại có giá trị như Dầu Song nàng, Sao đen, Cẩm liên, Bằng lăng ổi, Chiêu liêu nghệ, Dáng hương, Trầm hương, Mun... cùng nhiều loài động vật có giá trị.

93

Một phần của tài liệu Địa lí nông nghiệp tỉnh an giang (Trang 98 - 103)