Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp

Một phần của tài liệu Địa lí nông nghiệp tỉnh an giang (Trang 26 - 31)

1.1.3.1. Các nhân tố tự nhiên a. Vị trí địa lí

Vị trí địa lí kết hợp cùng với khí hậu, thổ nhưỡng quy định sự có mặt của các hoạt động nông nghiệp. Vị trí địa lí của lãnh thổ trong một đới tự nhiên nhất định sẽ có ảnh hưởng đến phương hướng sản xuất, tới việc trao đổi và phân công lao động trong nông nghiệp. Các nước có vị trí nằm trong khu vực nhiệt đới, nguồn ánh sáng dồi dào, độ ẩm phong phú sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của nền nông nghiệp nhiệt đới.

17

Ngược lại, các nước nằm trong đới hoang mạc và có vị trí sâu trong lục địa sẽ khó phát triển nông nghiệp đa dạng.

b. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Với đặc điểm phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện tự nhiên, sự phát triển của sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động bởi tổ hợp các yếu tố tự nhiên, trong đó nổi lên hàng đầu là đất đai, nguồn nước và khí hậu.

- Địa hình

Đặc điểm địa hình có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hình thái, độ cao, cấu trúc địa hình tác động đến mức độ canh tác, khả năng áp dụng cơ giới hóa, việc lựa chọn cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng như sự hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Địa hình bằng phẳng tạo điều kiện cho việc canh tác, phát triển hệ thống luân canh, hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn. Ngược lại, địa hình dốc sẽ gây khó khăn cho việc tiến hành công tác thủy lợi, chống xói mòn, rửa trôi…

- Đất đai

Đất đai trong nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt không thể thay thế. Không thể có sản xuất nông nghiệp nếu không có đất đai. Quỹ đất, cơ cấu sử dụng đất, các loại đất, độ phì của đất có ảnh hưởng rất lớn đến quy mô và phương hướng sản xuất, cơ cấu và sự phân bố cây trồng vật nuôi, mức độ thâm canh và năng suất cây trồng. Những nơi có tài nguyên đất dồi dào, màu mỡ, tầng đất tơi xốp, thoáng khí, đặc tính phù hợp sẽ cho hiệu quả cao và ngược lại khi đất bị chai, cứng, độ tơi xốp kém. Một số loại cây chỉ thích hợp với những loại đất đai nhất định.

Trên phạm vi toàn thế giới, đất nông nghiệp có tỉ trọng nhỏ (chiếm 12% diện tích tự nhiên) [43,tr230], bình quân đất nông nghiệp trên đầu người ngày càng giảm, cơ cấu đất hoang hóa chưa được khai thác hoặc diện tích còn hạn chế cùng với diện

18

tích đất bị xói mòn, rửa trôi ngày càng cao. Do đó, con người cần có chiến lược sử dụng một cách hợp lí loài tài nguyên quan trọng nhưng có nguy cơ cạn kiệt.

- Khí hậu

Khí hậu là nhân tố sinh thái quan trọng không thể thiếu trong sự tồn tại, sinh trưởng và phát triển của giới sinh vật. Khí hậu với các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm và cả những bất thường của thời tiết như bão, lũ, hạn hán… có ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tính mùa của khí hậu quy định tính mùa trong sản xuất và trong tiêu thụ sản phẩm.

Mỗi loại cây trồng chỉ thích hợp với những điều kiện khí hậu nhất định. Vượt quá giới hạn cho phép, chúng sẽ chậm phát triển và chết. Trên thế giới hình thành 5 đới trồng trọt chính (đới nhiệt đới, đới cận nhiệt, đới ôn hòa có mùa hè dài và nóng, đới ôn hòa có mùa hè mát và ẩm, và đới cực) phụ thuộc rõ nét vào sự phân đới khí hậu. Những vùng dồi dào nhiệt ẩm, ánh sáng… có thể cho phép trồng nhiều vụ trong năm với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, có khả năng xen canh gối vụ như vùng nhiệt đới. Ngược lại, vùng ôn đới với một mùa đông phủ tuyết nên có ít vụ quanh năm. Các điều kiện thời tiết bất thường của khí hậu cũng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

- Nguồn nước

Nguồn nước có vai trò cực kỳ quan trọng đến sản xuất nông nghiệp như dân gian đã nói “nhất nước, nhì phân”. Nước có ảnh hưởng lớn đến đến năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Những nơi có nguồn nước dồi dào thường hình thành những vùng nông nghiệp trù phú. Ngược lại, nông nghiệp không thể phát triển được ở những nơi khan hiếm nước như vùng hoang mạc, bán hoang mạc… Mặt khác, nguồn nước phân bố không đều theo không gian và theo thời gian, dẫn đến tình trạng dư nước vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô. Do đó, cần phải sử dụng hợp lí, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.

19

- Sinh vật

Sinh vật trong tự nhiên là cơ sở thuần dưỡng, tạo nên các giống cây trồng vật nuôi. Sự đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật là tiền đề để hình thành và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng và tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái. Các diện tích đồng cỏ, bãi chăn thả và diện tích mặt nước tự nhiên là cơ sở thức ăn để phát triển ngành chăn nuôi.

1.1.3.2. Các nhân tố kinh tế xã hội a. Dân cư và nguồn lao động

Dân cư có ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Dân cư vừa là lực lượng sản xuất trực tiếp vừa là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Với tư cách là lực lượng sản xuất trực tiếp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, nguồn lao động được coi là nhân tố quan trọng để phát triển theo chiều rộng và cả chiều sâu. Số lượng, chất lượng của nguồn lao động có tác động không nhỏ đến sự phát triển, phân bố của sản xuất nông nghiệp. Nguồn lao động đông, gia tăng nhanh, trình độ học vấn và tay nghề thấp, thiếu việc làm sẽ tạo nên áp lực cho nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Dưới góc độ là thị trường tiêu thụ, quy mô, truyền thống, tập quán ăn uống của dân cư có tác động to lớn đến quy mô và sự phát triển của các ngành cụ thể. Quy mô dân số càng đông, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cao, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các yếu tố truyền thống, tập quán sẽ quy định sự có mặt của các ngành sản xuất nông nghiệp chủ yếu trên lãnh thổ.

b. Khoa học kĩ thuật công nghệ, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp

Khoa học công nghệ thực sự là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của nông nghiệp. Việc ứng dụng ngày càng cao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đã tạo sự chủ động trong việc nâng cao năng suất, tạo ra các thế hệ giống mới có

20

hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy sự hình thành của các vùng chuyên canh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Mặt khác, khoa học công nghệ cũng góp phần hạn chế ảnh hưởng của tự nhiên, thúc đẩy nông nghiệp phát triển chủ động.

d. Quan hệ sở hữu và chính sách nông nghiệp

Quan hệ sở hữu và chính sách nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến con đường phát triển và các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Quan hệ sở hữu và chính sách nông nghiệp đúng đắn phù hợp sẽ là tạo tiền đề cho nông nghiệp phát triển đúng hướng, ngược lại sẽ kìm hãm, thậm chí đẩy lùi sự phát triển của nông nghiệp.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, Nhà nước cần phải xác định mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn, đề ra các chính sách kinh tế xã hội phù hợp nhằm đưa nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

c. Nguồn vốn và thị trường tiêu thụ

Nguồn vốn và thị trường tiêu thụ có tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp và giá cả nông sản.

Nguồn vốn có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển và phân bố nông nghiệp, nhất là đối với các nước đang phát triển. Nguồn vốn tăng nhanh, được phân bố và sử dụng một cách có hiệu quả sẽ tác động đến tăng trưởng và mở rộng sản xuất, đáp ứng các chương trình phát triển của nông nghiệp (như nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ…).

Thị trường tiêu thụ là yếu tố cơ bản tác động đến quy mô, cơ cấu và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển và ngược lại. Nhu cầu thị trường quyết định hướng sản xuất nông nghiệp. Mọi biến động trên thị trường đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, thị trường còn có tác động điều tiết đối với sự hình thành và phát triển của các vùng nông nghiệp chuyên môn hóa.

21

Một phần của tài liệu Địa lí nông nghiệp tỉnh an giang (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)