Tình hình biến động lao động của các KCN, KCX là rất lớn, mặc dù lao động tăng thêm hàng năm trong các KCN, KCX khoảng 10%, nhưng biên độ biến động lao động (vào – ra) trong các DN lên tới 50 – 60% (tuyển vào 30 – 35%/năm – ra khỏi DN 20 - 25%/năm), thậm chí có DN ở KCN, KCX TP. Hồ Chí Minh lên tới 70%, làm cho DN vừa thiếu lao động, vừa không có lao động ổn định để đảm bảo sản xuất.
Qua khảo sát cho thấy, 73% lao động rời khỏi DN là tự bỏ việc, nhiều DN phía Nam, lao động bỏ việc hàng loạt nhất là trong các dịp nghỉ lễ, Tết không trở lại làm việc; lý do tự bỏ việc 80% là do thu nhập không đảm bảo cuộc sống (cho bản thân, tích luỹ giúp gia đình) hoặc tìm được công việc khác ở DN khác có thu nhập cao hơn, trên 2/3 lao động được điều tra đã từng thay đổi nơi làm việc ít nhất 1 lần. Theo thống kê đến đầu năm 2012 cả nước xảy ra khoảng 3.913 cuộc đình công, trong đó ở DN FDI (chủ yếu trong các KCN, KCX) chiếm 78,4%, DN ngoài quốc doanh chiếm 22.8% và DNNN 2,35%. Nguyên nhân chủ yếu xung đột về lợi ích, như chậm điều chỉnh tiền lương khi nhà nước tăng lương tối thiểu; tiền lương giữa các loại lao động không được quy định rõ ràng. Đây là quá trình dồn nén những bức xúc trong quan hệ lao động, khi năng suất lao động trong DN tăng đáng kể, nhưng trong một thời gian dài chế độ, quyền lợi của người lao động chậm được điều chỉnh tương xứng với thành quả lao động của họ và trong điều kiện vị thế của người lao động thay đổi thì nếu có yếu tố tác động họ sẵn sàng đình công để đòi quyền lợi. Vì vậy, các cuộc đình công về lợi ích liên tiếp xảy ra và có tính lan truyền.
Theo phản ánh của công nhân ở nhiều DN FDI, các cuộc đình công trong thời gian vừa qua ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN, đến môi trường đầu tư, tăng trưởng kinh tế và đến đời sống của chính người lao động. Đình công còn gây ảnh hưởng xấu trật tự, an ninh tại nơi làm việc, nơi ở và trên toàn xã hội. Bởi vậy, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN FDI ở các KCN, KCX là yêu cầu cấp thiết hiện nay.