Kích thước mẫu

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ đo lường mức độ hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp danuvina (Trang 55)

Kích thước mẫu sẽ phụ thuộc vào việc ta muốn nghiên cứu vấn đề gì từ những dữ liệu thu thập được và mối quan hệ ta muốn thiết lập với mục tiêu nghiên cứu (Kumar, 2005). Vấn đề nghiên cứu càng đa dạng phức tạp thì mẫu nghiên cứu càng lớn. Một nguyên tắc chung khác nữa là mẫu càng lớn thì độ chính xác của các kết quả nghiên cứu càng cao.

Đối với đề tài này, do các giới hạn thời gian, kích thước mẫu sẽ được xác định ở mức tối thiểu cần thiết nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của cuộc nghiên cứu. Việc xác định kích thước mẫu bao nhiêu là phù hợp vẫn còn nhiều tranh cãi với nhiều quan điểm khác nhau. Một số nhà nghiên cứu khác không đưa ra con số cụ thể về số mẫu cần thiết mà đưa ra tỉ lệ giữa số mẫu cần thiết và số tham số cần ước lượng. Đối với phân tích nhân tố, kích thước mẫu sẽ phụ thuộc vào số lượng biến được đưa trong phân tích nhân tố. Gorsuch (1983, được trích bởi MacClallum và đồng tác giả 1999) cho rằng số lượng mẫu cần gấp 5 lần so với số lượng biến. Trong khi Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005) cho rằng tỷ lệ đó là 4 hay 5. Trong đề tài này có tất cả 36 tham số (biến quan sát) cần tiến hành phân tích nhân tố, vì vậy số lượng mẫu tối thiểu cần thiết đối với đề tài nghiên cứu này là 36 x 5 = 180. Để đạt đủ số lượng mẫu này, 230 phiếu câu hỏi đã được phát cho toàn thể công nhân bộ phận may, trực thuộc Công ty. Sau khi thu về có 207 phiếu hữu dụng (đạt tỉ lệ 90% so với số phiếu phát ra).Vì vậy, kích thước mẫu cuối cùng của đề tài này là n = 207.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ đo lường mức độ hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp danuvina (Trang 55)