1.2.4.1. Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật
Hòa nhập là một khái niệm được sử dụng từ lâu trong khoa học và trong đời sống xã hội.
Hòa nhập được nhìn nhận trên lý thuyết của xã hội học và giáo dục học, khẳng định rằng tất cả mọi người đều là những thành viên quan trọng của xã hội, không phân biệt sự khác nhau hoặc sự đa dạng của họ. Trong giáo dục, điều này có nghĩa là tất cả trẻ em khuyết tật, bất kể khuyết tật gì, bất kể năng lực như thế nào, bất kể thành phần kinh tế - xã hội, tôn giáo, dân tộc, giới tính,… có khác nhau đến đâu vẫn có thể cùng nhau học tập trong một môi trường giáo dục, môi trường nhà trường.
Giáo dục hòa nhập trong một trường học cụ thể được hiểu là hình thức giáo dục trẻ khuyết tật trong một môi trường, trong một lớp cùng chung với trẻ em bình thường khác. Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đối với xã hội có nghĩa là hình thức giáo dục phù hợp với từng loại đối tượng trẻ khuyết tật, có sự điều chỉnh về chương trình, đồ dùng dạy học, các công cụ hỗ trợ, các kỹ năng đặc thù,… để trẻ khuyết tật có thể hòa nhập tối đa với xã hội về nhiều phương diện.
Chính vì vậy, việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cũng có nhiều mô hình khác nhau.
1.2.4.2. Một số mô hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật a) Mô hình giáo dục chuyên biệt
Trong quá trình nghiên cứu đối tượng trẻ khuyết tật người ta nghĩ đến một cách dạy cho trẻ đôi ba chữ và dần dần đã có những thử nghiệm dạy một số kiến thức văn hóa cho trẻ khuyết tật. Loại hình lớp giáo dục chuyên biệt ra đời.
Giáo dục chuyên biệt hay còn gọi là giáo dục tách biệt cho trẻ khuyết tật là kiểu giáo dục tách riêng từng loại trẻ khuyết tật khác nhau với những nguyên lý, nguyên tắc giáo dục riêng, với các nội dung, chương trình sách giáo khoa và phương pháp giáo dục riêng. Ví dụ như: Trường dành cho trẻ khiếm thính, trường dành cho trẻ khiếm thị, trường dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ…
Pon ce de Leon (1520 – 1584) là một tu sĩ ở Tây Ban Nha. Ông đã mở một trường nhỏ dành cho những trẻ điếc (có khoảng 15 học sinh) tại một tu viện ở Valladid, người ta đưa ra các vật dụng và viết tên của chúng rồi dạy học sinh bắt đầu làm quen với từ theo kiểu này. Người ta cũng dạy câu, dạy học sinh phát âm rõ ràng từng câu một. Với kết quả ban đầu, sự thành công đầu tiên của trường chuyên biệt được ghi nhận lại trong lịch sử, xóa đi mọi nghi ngờ về dạy chữ cho người khuyết tật. Nó đã mở đường cho lĩnh vực giáo dục người khuyết tật phát triển.Vì vậy, cũng có thể nói rằng trường học của Ponce de Leon đã đặt nền móng cho mô hình giáo dục chuyên biệt đầu tiên trên thế giới.
Ở Ý, năm 1662 tại Palécmô đã có trường dạy học dành cho 30 học sinh khiếm thị và vào thế kỷ XIX Guilotarra (1832- 1899) đã mở trường cho trẻ khiếm thính.Ở Hà Lan, JohnAman (1669- 1724) đã dạy trẻ điếc bằng phương pháp nói kết hợp với phương pháp cấu hình và mở trường dạy cho trẻ mù từ năm 1808. Như vậy, bắt đầu từ thế kỷ XVI, ở Tây Ban Nha đã có trường lớp chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật nó đã phát triển mạnh mẽ vào các thế kỷ sau ở nhiều nước trên thế giới, sang thế kỷ XX nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ các trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật theo nhiều phương pháp khác nhau.
Quan điểm cơ bản của giáo dục chuyên biệt: Là quan điểm coi những trẻ khuyết tật là loại trẻ thấp kém và đầu tiên người ta nghĩ đến là tách những trẻ khuyết tật với trẻ bình thường, sau đó đo khám phân loại và gắn mác. Đây là
những trẻ điếc câm, kia là những trẻ mù lòa… Khi đã làm xong việc gắn mác, trẻ khuyết tật được tổ chức vào các lớp dựa trên sự phân loại lớp của trẻ điếc nhiều, lớp của trẻ điếc ít…
Trong quá trình giáo dục mỗi loại trẻ khuyết tật. Ngoài những nội dung, phương pháp chung như giáo dục trẻ bình thường, cần phải có những nội dung, phương pháp thích hợp để tiến hành giáo dục cho mỗi loại trẻ khuyết tật.
Cũng cần phải thừa nhận rằng mô hình giáo dục chuyên biệt nảy sinh và phát triển trong giai đoạn lịch sử tương ứng với nền văn minh nhân loại. Khi mà nền văn hóa chung có sự tiến bộ hơn trước đó người ta đã nghĩ đến một mô hình, một cách dạy học cho trẻ khuyết tật. Mặc dù cho đến nay trình độ phát triển ta thấy mô hình chuyên biệt có nhiều khiếm khuyết.
Trong các năm học ở trường phổ thông đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật, các em được phục hồi chức năng, học văn hóa, giáo dục lao động, hướng nghiệp dạy nghề, khi ra trường các em có trình độ học vấn tương đương với lớp 5 trường tiểu học, được học một nghề cơ bản có thể hành nghề nuôi sống bản thân, không những thế các em còn được phục hồi tốt các chức năng bị phá hủy, được nâng cao thể chất đạo đức và các hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao,… Một số trẻ khuyết tật có thể học lên cấp 2.
Nhà trường phổ thông đặc biệt dành cho các cháu tật nặng có nội dung, chương trình, phương pháp đặc biệt được thực hiện theo quy trình chặt chẽ từ lớp dưới lên lớp trên, ở đây cũng có những phương tiện dạy học mang tính đặc thù phù hợp với từng loại tật. Giáo viên của các trường chuyên biệt được đào tạo chuyên môn chuyên sâu theo từng chuyên ngành dạy cho trẻ có tật. Những giáo viên này có tri thức tương đối đầy đủ về sư phạm và tật học, có đủ năng lực để tiến hành tốt quá trình giáo dục trẻ khuyết tật.
Như vậy, mô hình giáo dục chuyên biệt là phương pháp chuyên giáo dục cho những trẻ bị tật nặng với chương trình, phương pháp, phương tiện, nội dung dạy học, cách tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ với những trẻ khuyết tật khác nhau.
b) Mô hình giáo dục hội nhập
Trong quá trình nghiên cứu các nhà tật học đã tìm ra những giải pháp đạt hiệu quả cao hơn trong giáo dục khuyết tật và đã đưa ra mô hình giáo dục hội nhập trên cơ sở phát huy những ưu điểm vốn có của mô hình chuyên biệt, khắc phục những nhược điểm của nó.
Đây là mô hình giáo dục mà trẻ khuyết tật được lựa chọn trường lớp phổ thông. Trẻ khuyết tật có thể được vào lớp học phổ thông với trẻ bình thường (thường là những trẻ khuyết tật nhẹ) và cũng có thể vào học với nhau trong một lớp riêng được đặt trong trường phổ thông.
Tư tưởng của giáo dục hội nhập: Giáo dục hội nhập có thể coi như là cái ngưỡng của giáo dục chuyên biệt và giáo dục hội nhập. Trong tổ chức giáo dục, có những học sinh khuyết tật học hòa nhập hoàn toàn trong lớp bình thường, nhưng vẫn có những lớp được tổ chức dạy riêng, tách biệt.
Dạy học ở đây chưa có quan niệm đồng nhất về mọi trẻ khuyết tật đều là trẻ em và phải dạy học theo nhu cầu, năng lực của từng em. Ở đây vẫn còn sự phân biệt: Trẻ khuyết tật này học hòa nhập được, trẻ khuyết tật kia thì không. Người ta còn boăn khoăn, lo lắng sự bình thường hóa trong quá trình giáo dục trẻ khuyết tật. Dạy như thế nào để trẻ khuyết tật càng đến trường bình thường thì càng tốt chứ không phải dạy để phát triển hết tiềm năng của từng em. Vì thế, trong dạy học vẫn lấy các môn học làm trung tâm, chương trình làm thước đo.
Mô hình giáo dục hội nhập có những bước tiến rõ nét hơn mô hình giáo dục chuyên biệt song mô hình giáo dục hội nhập vẫn còn những tồn tại vốn có của nó:
- Thực hiện giáo dục theo kiểu nữa vời, tất cả học sinh khuyết tật chưa được hưởng nền giáo dục, chương trình giáo dục bình đẳng.
- Còn có một phần tách biệt, đó là những học sinh trong các lớp riêng của trường phổ thông.
- Còn lấy môn học làm trung tâm chứ không phải học sinh làm trung tâm. - Môi trường giáo dục chưa được thay đổi. Vẫn là môi trường giáo dục cũ và người ta có thể thay đổi đi một chút ít ở chỗ này, chỗ kia.
- Học sinh chưa được hưởng chương trình, phương pháp giáo dục đã được đổi mới, phù hợp cho mọi đối tượng.
- Còn phân biệt rõ giữa các loại giáo viên: Giáo viên chuyên biệt, chuyên sâu trong từng lĩnh vực với giáo viên chủ nhiệm lớp. Các loại giáo viên này chưa có sự hợp tác chặt chẽ với nhau vì mục đích, mục tiêu giáo dục còn khác nhau.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật nó đã trực tiếp can thiệp và hỗ trợ vào toàn bộ đời sống con người. Đặc biệt đối với trẻ khuyết tật hiện nay đã có nhiều dịch vụ hỗ trợ giúp trẻ sớm khắc phục những khiếm khuyết tạo điều kiện cho trẻ hòa nhập tốt với cộng đồng.
c) Mô hình giáo dục hòa nhập
Giáo dục hòa nhập là mô hình giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em bình thường trong trường phổ thông ngay tại nơi trẻ sinh sống. Giáo dục hòa nhập dựa trên quan điểm xã hội trong việc nhìn nhận trẻ khuyết tật. Nguyên nhân gây ra khuyết tật không phải chỉ do khiếm khuyết của bản thân cá thể mà còn là khiếm khuyết về phía xã hội.
Như vậy, giáo dục hòa nhập được xuất hiện trên cơ sở sự đánh giá đúng trẻ khuyết tật, trẻ khuyết tật được nhìn nhận như mọi trẻ em khác. Các quá trình phát triển tâm lý diễn ra bình thường. Mọi trẻ khuyết tật đều có những năng lực nhất định, chính từ sự đánh giá đó mà trẻ khuyết tật được coi là những chủ thể giáo dục hơn là đối tượng, Từ đó người ta tập trung quan tâm , tìm kiếm những cái mà trẻ khuyết tật có thể làm được, các em sẽ làm tốt khi các việc đó phù hợp với nhu cầu và năng lực của các em. Trong giai đoạn giáo dục này gia đình, cộng đồng, xã hội cần tạo ra sự hợp tác và hòa nhập với các em trong mọi hoạt động ở mọi môi trường.Vì thế các em phải được học ngay ở trường học gần nhất, nơi các em sinh ra và lớn lên. Các em luôn luôn được sưởi ấm bằng tình thương yêu của cha, mẹ, anh, chị của các em và được cả cộng đồng đùm bọc giúp đỡ. Khiếm khuyết của cơ thể không còn là của riêng, khó khăn riêng của các em, mà cái đó được coi như là một mối quan tâm chung, được chia sẻ với các thành viên trong gia đình và của những người xung quanh với các em.
Trong giáo dục hòa nhập, trẻ khuyết tật được học ở môi trường bình thường, học ở trường gần nhà nhất. Điều này tạo cho các em không có sự tách biệt với bố, mẹ, anh chị trong gia đình. Các em luôn gần gũi với bạn bè, người thân, người quen ở làng xã. Sống trong môi trường như vậy ở các em luôn có niềm tin sự an
toàn, những xúc động, vui, buồn trong tình cảm diễn ra một cách bình thường, các quá trình tâm lý ổn định, phát triển cân đối, hài hòa như những trẻ em khác, không có sự hụt hẫng đáng tiếc. Trong điều kiện đó các em yên tâm phấn đấu học tập và phát triển.
Các em được học cùng chung một chương trình với các bạn bình thường khác, chương trình và phương pháp ở đây sẽ được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp với nhu cầu năng lực của các em. Dạy học như vậy sẽ đem đến hiệu quả cao, các em sẽ phát triển hết khả năng của mình. Trong giáo dục hòa nhập sẽ được coi trọng cân đối giữa kiến thức và kỹ năng xã hội. Môi trường giáo dục thay đổi, các em được tự do giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau làm cho các em phát triển và thích ứng tốt hơn với môi trường xã hội.
Giáo dục hòa nhập sẽ tạo ra cơ hội, môi trường để nhiều lực lượng tham gia giáo dục có điều kiện hợp tác với nhau vì mục tiêu chung. Đây cũng là môi trường mà mọi người trong cộng đồng có điều kiện tiếp cận với trẻ khuyết tật nhiều hơn, thấy rõ hơn những nhu cầu, tiềm năng của các em, những mặt mạnh, mặt yếu của các em, từ đó thấy rằng cần phải làm những gì để hỗ trợ giúp đỡ các em nhiều hơn. Càng có nhiều người hiểu các em, giúp đỡ các em, chắc chắn các em sẽ có sự trưởng thành vượt bật.
Mô hình giáo dục hòa nhập là mô hình hoàn thiện nhất trong các mô hình giáo dục trẻ khuyết tật. Bởi vì, nó tạo ra môi trường, cơ hội để trẻ khuyết tật phát triển tốt nhất, giáo dục hòa nhập có cơ sở lý luận vững chắc về đánh giá con người, về mối tương quan giữa cá nhân với cộng đồng và các giải pháp thích hợp trong tổ chức cũng như trong tiến trình giáo dục. Dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật được áp dụng những lý luận dạy học hiện đại – lấy người học làm trung tâm. Chương trình được điều chỉnh, phương pháp được đổi mới thích hợp cho mọi học sinh học tốt tiến bộ.
Giáo dục hòa nhập là mô hình giáo dục kinh tế nhất, nhân văn nhất. Mô hình này làm cho mọi trẻ em đi học đều vui, đều thấy rõ trách nhiệm của mình. Nó cũng làm cho mọi người gần gũi nhau hơn, có cơ hội hợp tác với nhau vì sự nghiệp giáo dục cho trẻ khuyết tật. Đây là xu hướng chung của thế giới tiến bộ ngày nay, làm
cho mọi người sống thân thiện, hòa bình, hữu nghị và quan tâm tới người khác dù ở trong điều kiện, hoàn cảnh nào.