7. Cấu trúc luận văn
3.5.2. Nhịp của suy nghĩ logic liền mạch
Nếu như nhịp trong thơ Hoàng Cầm là nhịp của cảm xúc và những khoảng trống được tạo nên từ dòng thơ và câu từ của thơ thì suy nghĩ liền mạch không ngắt quãng, không chủ ý tạo hiệu ứng cảm xúc từ việc ngắt dòng là đặc điểm nhịp của thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là nhịp của tư duy được kết cấu từ bên trong của bề bộn ngôn từ và hình ảnh, mà không thể cắt rời ra được. Hầu như tác giả giữ nhịp suy nghĩ liền mạch này bằng cách gieo lại một hoặc hai từ ở đầu câu hoặc đứng trong thành phần câu, tựa như phép nhấn mạnh. Những câu thơ sau thường được tỉnh lược. Nhờ thế mà câu thơ cứ trương nở, mở rộng chạy đua với thi ảnh.
Chúng ta gieo vào sự chối từ, gieo vào cơn dị ứng/ Gieo vào những lỗ tai điếc, những lỗ mũi ngạt vào những hốc mắt mù/Gieo vào giường ngủ vào chăn chiếu, vào giày và tất(Nhịp điệu Châu thổ mới)
Hay
Gã chống lại những con chó đái ở góc phố/ Gã chống lại những đồng tiền/ Gã chống lại những chính trị gia/ Gã chống lại một văn bản khác văn bản gã viết/ Gã chống lại khu phố gã ở và uống bia suốt trưa (Những chữ buổi trưa ngày 29/08).
Hay
Họ chạy trốn không nguyền rủa, không tuyên bố,/ Không hoảng hốt, chỉ đau đớn, chỉ có chuẩn bị/…. Chạy trốn kháng sinh mạnh (Lời cầu nguyện).
Nhịp suy nghĩ này có ưu điểm làm thơ Nguyễn Quang Thiều rậm rạp/phong phú hẳn lên. Nó như một sự ngẫu hứng xuất hiện không cần một cách thức nào, một chủ tâm nào. Nó là nguồn sống tích tụ từ vô thức, bật dậy lao ra khỏi trí não, đánh động vào trái tim đầy mĩ cảm của người sáng tạo. Nguyễn Quang Thiều là người thư ký, chỉ việc ghi chép lại, những bài thơ có nhịp đọc, nhịp đi nhịp thở như nhịp thở muôn đời của Châu thổ, như cách đọc bằng mắt, nhâm nhi chậm rãi của người thích sống nội tâm, hướng thiện về cội nguồn.