7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Không gian làng Chù a sông Đáy nơi bình yên thấm đẫm chất thơ
thơ
Có thể thấy hơn 2/3 không gian làng Chùa, sông Đáy chiếm trọn tuyển tập
Châu thổ. Làng Chùa là “mẫu gốc”, là mẫu số chung cho hệ thống thi ảnh, xâu chuỗi sự kiện, thiên nhiên, động thực vật xuất hiện (dòng sông, khu vườn, ngôi nhà ông bà bố mẹ, con gái người dân làng Chùa, hoa bướm, cào cào châu chấu, bãi tha ma, con đường làng lồi lõm vệt chân trâu, bùn đất ngai ngái)
Xuất phát từ làng Chùa, Nguyễn Quang Thiều đã có nơi chôn rau cắt rốn để bám víu nương tựa đi/về, gọi gào từ trầm tích ký ức và không gian nghệ thuật là phần nghệ thuật đặc sắc được nhà thơ sử dụng cho việc dụng công của mình. Nguyễn Quang Thiều tạo dựng những mảng không gian nghệ thuật luôn được dịch chuyển từ thực tế cuộc sống đến tâm tưởng, từ quá khứ đến hiện tại, từ thực tế phũ phàng khô héo tàn lụi đến với tươi xanh hạnh phúc, từ bóng tối đến không gian ánh sáng. GS Trần Đình Sử có viết: “Hình tượng động và không gian động là điểm cách tân, khác hẳn không gian tĩnh của thi ca truyền thống” [85,tr.205].
Không gian làng Chùa được bắt đầu từ con đường vào làng, với hồ sen thơm ngát. Con đường mà hằng bao nhiêu năm người làng Chùa đã đi/về: Dẫn ta về hồ nước cũ/ Phăng phắc một lá sen già (Lễ tạ) hay Ta đi về đường quê cỏ nát/ Ngực ta gầy, rạc mãi tiếng quê hương (Nghe tiếng con chim cuốc).
Nhà thơ lên tiếng thổn thức thương nhớ làng quê đến nghẹn đắng, nén chặt
“ngực ta gầy rạc tiếng quê hương”. Bởi có lần Nguyễn Quang Thiều đã viết trong những đêm đầu hạ, tôi thường bị đánh thức lúc gần sáng bởi nghe thấy một cái gì đó thật mơ hồ nhưng rất quen thuộc. Cái gì đấy tựa như tiếng một cô gái 17 tuổi trinh tiết nhón đôi bàn chân trần đi từ một cánh đồng của Thiên đường trở về. Tiếng gì đó mát rượi như nước dưới đáy hồ và tỏa hương như từ những đám mây trên miền thiên thanh vô tận. Tôi nghe cái tiếng đó trong những đêm đầu hạ suốt 10 năm liền. Cuối cùng tôi nhận ra đó là tiếng của một mùa sen thức dậy từ đầm nước rộng… [112,tr.121]. Có gắn bó với làng, yêu từng hồ sen cánh đồng, dòng sông làng Chùa, nhà thơ mới có cảm nhận tinh tế như nắm bắt được cả mùi vị không gian
mùa hạ khi mùa sen vừa nảy mầm. Không gian làng, trong thơ, là không gian thấm đẫm chất ngọt ngào hương vị của phù sa, hương sen, hương cánh đồng, hương của dòng sông Đáy.
Từ trầm tích kỷ niệm, đối với nhà thơ, không gian làng Chùa - sông Đáy là nơi chứa đựng bao nhiêu là hình ảnh, sự việc, sự kiện văn hóa dân gian, đời sống sinh hoạt thường ngày được thể hiện nhiều trong thơ (Bài hát về cố hương, Tha phương); Nơi có bóng mẹ mỗi ngày đi chợ/đi làm về (Sông Đáy), nơi ngôi nhà của người bà bại liệt, đẫm mùi thuốc bắc và nước tiểu (Hồi tưởng tháng Hai), nơi có những người đàn bà góa bụa vất vả trong đêm trăng (Những ví dụ), nơi những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi về, nơi hội hè đình đám với kèn trống cờ phướn (ChươngV- Nhịp điệu châu thổ mới).
Dòng sông là nơi được nhà thơ nhắc đến nhiều (sông Đáy, Dòng sông, Những con thuyền sông Đáy, Cánh buồm), cũng là nơi miền không gian được nhà thơ ký thác tình cảm sâu sắc. Miền không gian tâm tưởng cùng với thời gian những chiều xa quê, chiều nay trở lại, đồng hiện với thời gian cổ tích,đồng hiện với không gian sông Đáy, dàn dụa nước mưa sông,đồng hiện với không gian của tầng trời, tác giả vẽ nên bức tranh bảng lảng mưa sương và nỗi nhớ quay quắt: Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên/ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ/ nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông/ Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi (Sông Đáy).
Hay, không gian sông Đáy còn là không gian của kỉ niệm mẹ và con. Nơi bờ sông, người con bé nhỏ ngày ấy vẫn thường ngồi ho bên cửa trước cơn mưa buổi chiều, để ngóng mẹ về: Sao mẹ không gọi về cho con/ Những con thuyền thuở trước/ Những con thuyền lần ra cửa biển/ Mưa rất dài ướt hết cả dòng sông/ Con ốm đâu ngồi ho bên cửa/ Những con thuyền ốm đau nằm đâu/ Mẹ ơi mang áo con thả vào bến nước/ Cho những con thuyền bớt rét, bớt ho (Những con thuyền sông Đáy).
Không gian sông Đáy không chỉ là không gian của miền ký ức thẳm sâu vực dậy từ vô thức, mà còn là không gian của sự tinh khiết tẩy rửa tâm hồn. Không gian sông Đáy gắn với miền văn hóa nông nghiệp lúa nước tồn tại lâu đời, gắn với con người vùng Châu thổ. Đứng trước dòng sông Hồng mê man chảy, vục tay xuống lòng sông, phù sa nhiễu dài chảy đỏ như máu, tác giả liên tưởng đến nền văn hóa dân gian truyền thống, những trầm tích văn hóa đang dần bị mất đi, như một sự tự chảy máu, giữa sự thay đổi không ngừng của cuộc sống hiện đại. Nhưng dẫu vậy, cũng giống như cuối bài Con bống đen đẻ trứng, tác giả vừa kịp cho con bống đen nổi lên, đẻ cho ban mai một dải trứng hồng, thì ở cuối bài thơ này, tác giả mở ra một vùng không gian ban mai tinh khiết, nâng dòng sông chảy bên này giấc mơ:
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xòe rộng/ Phù sa nhiễu dài Máu - chầm chậm và rên rỉ/ Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xòe rộng, ban mai túa đầy/ Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớn/ Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ (Chiếc bình gốm).
Không gian làng Chùa, mùi vị làng Chùa sông Đáy thấm đẫm vào da thịt, hơi thở nhà thơ. Ông đã từng đắng xót khi nghĩ về làng với phận kẻ tha phương. Điều đó, níu giữ một cõi đi /về của ông trong lộ trình vận hành thơ Châu thổ: Quê hương/ khuất sau mây/ Quê hương âm âm trong gió/ Ta không thể dâng tay gạt hết mưa chiều/ Để nhìn cho tỏ mặt/ Chỉ mùi khói phân trâu khô bên đường bén lửa/ Ngăn ngắt đắng vào giấc ngủ kẻ tha phương (Tha phương).
Khi nào và bao giờ nhà thơ cũng cho ghi nhớ làng Chùa mới là nơi đi/về, cội nguồn của mọi niềm hoan ca, mọi thanh âm trầm buồn trong thơ. Không chỉ trong thơ, với những dòng thơ viết về làng về sông Đáy đầy ẩn tình và ướt rượt kỉ niệm mà trong văn xuôi (Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều), ký, tiểu luận và tản văn (Có một kẻ rời bỏ thành phố),đều mang phong vị quê hương - không gian của làng Chùa - nơi mà ông đã ngồi lặng hằng đêm để lắng nghe: Trong bóng ngôi nhà xưa trùm phủ, tôi như được trở về những năm tháng xưa mà tôi tưởng chẳng còn cơ hội nào trở về nữa. Và ở nơi ký ức tôi trở về ấy, tôi gặp lại ông bà nội tôi, gặp lại bố mẹ tôi. Chính những hình ảnh của ngôi nhà, không gian của ngôi nhà và màu
sắc xa xôi của ngôi nhà như những tấm gương phản chiếu quá khứ. Trong những tấm gương ấy, tôi được nhìn thấy những gì đã biến mất. Nó làm cho tâm hồn tôi ngập tràn những điều kỳ diệu và thân yêu mà tôi đã có nhưng cứ chập chờn đâu đấy như ở tận chân mây cuối trời [108].
Không gian làng trong thơ Nguyễn Quang Thiều còn là không gian tâm linh thiêng liêng bí ẩn và kì dị. Những người sống và những người chết, cả người trần thế và những đấng thần linh, những ngôi mộ tổ tiên và những ngôi nhà trong vườn cây, con vật đều có linh hồn. Nhà thơ nói nhiều đến cái chết, đến linh hồn hiển hiện phục sinh, đi lại trong không gian sống của con người (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Gọi hồn, Thanh minh, Tưởng niệm Joseph Brodsky, Những con cá ướp, những con chim nhồi bông, Buồn hơn cái chết, Văn bản ngoài lễ khấn ông nội, Đoản ca về buổi tối, Nhân chứng của một cái chết…)
Người phương Đông quan niệm “vạn vật hữu linh” (vạn vật đều có linh hồn). Vạn vật và con người khi chết đi, thể xác tan rữa, còn linh hồn tồn tại tụ tán đi/về tham gia vào đời sống con người. Nguyễn Quang Thiều là người đem tâm thức làng vào thơ, không gian tâm linh của làng vào thơ, được bắt nguồn từ cuộc sống bình dị thường ngày: Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực/ Và tan vào ánh sáng/ Những tiếng rống vọng lại/ Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ/ đang tập buổi cuối cùng/ để đón lễ phục sinh/ giờ chỉ còn những đám mây/ linh hồn của đàn bò/ bay trên cánh đồng/ của những con bò khác (Linh hồn những con bò).
Không gian làng Chùa - sông Đáy là nơi cư ngụ của miền ký ức quá khứ sâu thẳm, miền tâm linh huyền hồ. Người ta tìm thấy nét đẹp tinh thần/ linh hồn trong sự tan rữa, tàn lụi từ ký ức, từ linh hồn. Đó là sức sống muốn phục sinh, luôn dịch chuyển về nơi ánh sáng. Nơi có cuộc sống con người xôm tụ, quần cư với nhiều nét văn hóa giàu truyền thống dân gian.