7. Cấu trúc luận văn
3.1.4. Thời gian được tính bằng con số cụ thể
So với thời gian được tính bằng mùa thu ngợp thở, mùa rụng lá, hay những khoảng thời gian mang tính phiếm chỉ như trên thì, thời gian cụ thể được tính bằng giây phút, Nguyễn Quang Thiều đã làm tựa đề cho bài thơ là một loại thời gian mang tính thời sự cấp bách, nóng hổi và gay gắt. Đó là “Boston 1994”, là “Bức thư đề ngày 25 tháng 12”, là “Lúc ba giờ sáng”, là “0h17’ ”, là “17h43’”, là “Những chữ buổi trưa ngày 29/08”.
Có thể thấy thời gian càng cấp bách, càng được tính bằng phút giây thì độ căng của thời gian càng mạnh. Nó là khoảng khắc chết trên giường bệnh của H, là những khoảnh khắc bộc phát cho sự ra đời của ngẫu nhiên, hiển nhiên, của những trục vớt, dò tìm. Xét về mặt vật lý học, trạng thái vật chất lên đến “ngưỡng” nhất định sẽ thay đổi về chất tồn tại sang một dạng thức khác. Xét về lĩnh vực văn học, qua ngưỡng đỉnh điểm cao trào, gây cấn (nút thắt) sự kiện tác phẩm sẽ trở lại trạng thái bình ổn (nút mở), hóa giải nên dạng thức của triết luận, luận lý được mở ra sau những bất trắc, đổi thay. Thời gian được tính bằng giây phút cũng là thời gian ngắn ngủi nhất, đỉnh điểm nhất.
Cả bài “0h 17 phút”, được đánh số, cho mỗi câu thơ, mỗi sự kiện xuất hiện. Sự kiện thứ nhất là (con chuột tri kỷ trong đêm hoang tàn), sự kiện thứ hai là (đứa trẻ đái ướt sũng tóc), sự kiện thứ ba (phấn ngồi bất động),bốn là (Hải Phòng đang chìm), năm là (H khóc ở đâu đấy. Không làm sao tìm được đôi mắt của H).v.v. Có thể cảm nhận được mọi sự kiện của tất cả sự vật xuất hiện trong bài thơ được đánh số này đều là đỉnh điểm cao nhất của sự vật ấy. Những đỉnh điểm được tính bằng giây phút, làm cho yếu tố gay gắt càng cao. Qua khỏi “ngưỡng”, cao trào sẽ là tuôn chảy về vùng ánh sáng của khát khao, đó là chủ đích, là triết luận muốn gửi đến cuộc đời và con người của tác giả.
Với Nguyễn Quang Thiều thời gian tích tắc tình bằng giây phút, khoảng khắc là để trục vớt, để dò tìm, là đỉnh điểm của gây cấn thì với Nguyễn Trọng Tạo, khoảng khắc, phút giây ấy là phút lóe sáng của ý thức nhận ra chân giá trị, cái Đẹp
vĩnh hằng, để nuối tiếc và mãi mãi muốn giữ lại nó: ta muốn đổi thời gian/ cho người gần ta mãi/ ta muốn đổi thời gian/ cho bốn mùa hoa ấy (Hoa ơi ta yêu nàng)
Nguyễn Quang Thiều đi tìm thời gian để quay về tâm thức, một khoảng sân vườn với cây trái và bầy mòng két tháng mười di chuyển đi ăn giữa hai dãy núi đá vôi Hà Tây và Hòa Bình, một cánh đồng rộng thênh thang mùa ngũ cốc, để vô vàn thi ảnh, câu chữ trong thơ chật ních đứng/ nằm rậm rịch kéo nhau đi (Chuyển dịch màu đen, Nhịp điệu châu thổ mới, Bàn tay thời gian, Bài ca những con chim đêm, Cây ánh sáng…). Những khoảnh khắc tính bằng giây phút và chớp lóe của sấm, của lời nguyền man rợ, của những bất trắc bất ngờ chợt đến cắt ngang cuộc đời con người: H ngủ muộn. 10h13 phút chưa dậy/ Những sự sống trôi qua chiếc giường/ Những cái chết trôi qua chiếc giường
Hay thời gian tích tắc được đo đếm bằng ánh sáng, với sự ra đi nhẹ nhàng của cậu bé Hạnh Nguyên, khi căn bệnh máu trắng bất ngờ giáng xuống cho cậu bé và gia đình: Cậu bé chạy trong ban mai/ Xuyên qua dòng thác ánh sáng/ Kiêu hãnh và đẹp hơn sự nảy mầm/ Chưa đến giờ bị phủ ngập bóng tối/ Chiếc xe, đóa hoa biếc/ Cậu Bé không nhận ra/ Những bông hoa Cát đằng trôi trong buổi trưa/ Theo một hơi thở dịu dàng nhất thế gian/ Và đôi mắt đẹp hơn hồ nước trên núi cao (Đố ai tìm thấy tôi ở đây).
Nguyễn Trọng Tạo cũng đi tìm“Dấu vết thời gian”, một mặt, bằng những ước lệ thời gian xa xăm, vạn năm “Kiếp trước, Kiếp sau, Kiếp này”(Ta đã yêu nhau từ kiếp trước), bằng “18 ngàn năm, 18 vạn năm”(Ký ức mắt đen) để chìm đắm nỗi sầu của người luôn kiếm tìm một nửa. Một mặt, ông đánh dấu thời gian bằng những khoảng khắc không mùa, “ngày không em”(Ngày không em), “Giờ không em”(Say lúc không em), “Một ngày một giờ một khắc”(Tháng tám giữ giùm tôi) và “đêm nay”, “Đêm nhòa bóng em” để bíu ríu, bịn rịn thời gian, vờ như đã nhanh chóng rời xa: đêm nay anh ném em lên trời rồi ngửa tay anh hứng/ rơi xuống lòng tay/ giọt nước mắt/ đêm nay anh ném em xuống biển sâu rồi anh thả câu/ vớt lên/ bọt biển/ đêm nay anh ném em lên giường rồi anh nằm bên /hai tay ôm/ bão trắng/ đêm nay
anh ném nỗi nhớ khỏa thân ra khỏi tóc/ thấy bên đời/ chuyện cũ đã sang trang (Anh ném em lên trời ).
Thời gian trong thơ Nguyễn Trọng Tạo dành để mải mê với khát khao níu giữ tình yêu, còn Nguyễn Quang Thiều, ông dành một khoảng thời gian không nhỏ được tính bằng giây phút này cho hiện thực bộn bề cuộc sống.
Ở đó có một người sắp lìa đời, chỉ còn một khoảng khắc nữa thôi, (Giọng của H) họ sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này. Nó trở nên quý giá, vờ như họ có thể nắm bắt được thời khắc ấy trong lòng tay, để giữ chặt lại không cho vụt mất. Nguyễn Quang Thiều là người chịu đau, chịu khổ, chịu đựng tất cả nỗi buồn, vật vã, chia xa, ly tán, tàn lụi và hụt hẫng, tiếc nuối. Và phạm trù thời gian nghệ thuật trong thơ ông đã nói hộ điều đó.
Song, đôi khi cả ba thì thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai đồng hiện), hòa trộn vào nhau không phân biệt, cái này không phải là nhân quả của cái kia, phi trật tự và không thể xét đoán: Tôi mang đớn hèn tôi, thiêng liêng em về sông Đáy/ Sông không an ủi nổi tôi, đò dọc đò ngang mái chèo đang bó bột/ Hoa cải vàng không nhớ nổi tên mình/ Chìa vôi non không mượn cánh tay tôi/ Và những người đàn bà xóm trại vẫn tìm diêm trong bóng tối/ Tôi buông tiếng thở dài - chiếc cần câu không lưỡi, không phao vào miền nước ốm/ Trái tim tôi thút sâu đáy vực đau buồn (Sông Đáy).
Hai bờ của hiện thực và quá khứ được xếp đứng cạnh nhau, “tôi” là thực, “em” quá khứ, “hoa cải vàng” là miền xác thực, nhưng “ không nhớ nổi tên mình” lại quay về quá khứ, “chìa vôi non”, “ tôi buông tiếng thở dài” là hiện thực mà
“người đàn bà xóm trại vẫn…”, “ trái tim… đau buồn” thì xuất phát từ quá khứ, cho đến hiện tại và tương lai vẫn còn đang diễn ra. Đồng nghĩa với việc tồn tại một miền thời gian đồng hiện.
Với thời gian xa xăm, thời gian được tính bằng mùa, bằng tháng, bằng những mốc thời gian khắc nghiệt nhỏ nhất: giây, phút, ngày, đêm, Nguyễn Quang Thiều đã vực dậy tâm thức, kỷ niệm về người thân, người không quen biết, cảnh vật, con đường, sự kiện, sự việc, gắn với thời gian cuộc đời, số phận của con người trong tác
phẩm. Mỗi bài thơ quay về với những mốc thời gian, lúc thế này lúc thế khác, thời gian trở thành phương tiện để nhà thơ giãi bày nỗi ẩn ức, sâu thẳm của mình đối với làng Chùa - sông Đáy, quê hương cội nguồn.