Sức tưởng tượng, liên tưởng trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ nguyễn quang thiều (Trang 145)

7. Cấu trúc luận văn

3.4.1.2.Sức tưởng tượng, liên tưởng trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Như trên chúng tôi thấy, thơ Nguyễn Quang Thiều sử dụng nhiều hình ảnh siêu thực. Bên cạnh đó, sức liên tưởng trong thơ ông cũng là hình thức nghệ thuật làm nên đặc điểm cho thơ ông.

Đôi lúc chúng ta cảm giác thơ Nguyễn Quang Thiều như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, ý tưởng và suy ngẫm. Để làm được điều đó, một trong những hình thức nghệ thuật đó là phép liên tưởng. Phép liên tưởng di chuyển từ thế giới con người qua thế giới loài vật ( Những người đàn bà góa bụa làng tôi như những con cào cào áo nâu khuất dần sau cỏ - Những ví dụ), từ thế giới sự vật đến hiện tượng (những con đường mòn như cuộc sống dị tật ngàn đời vất vả - Những ví dụ). Tất cả được hòa trộn để có một bản giao hưởng mang sức hút của sự tưởng tượng, liên tưởng giàu có: Không thể nào tìm được người quen trong đêm nay/ Tôi bò qua bậc cửa nhà mình/ Con gián xòe cánh bay/ Chuyến vận hành mông lung mang theo ổ trứng/ Vệt chói sáng ghê rợn và kỳ thú/ Càng xa… càng gắt…càng tê liệt/ Những rễ cây đang ân ái dưới đất nâu/ Sự ân ái phì nhiêu và rụng lá/ Nhân loại bày ra trong giấc ngủ mộng mị/ Càng mơ càng cuống bước chân/ Không có bậc cửa nào cho tôi bò qua/ Những con sâu những vệt sáng ngần chảy từ gốc lên cành/ Chúng ngoan ngoãn liếm trăng trên những chiếc thìa lá mạ bạc/ Lũ trẻ còng queo ngủ/ Những dãy số đánh lừa và phản bội chúng/ Trong mơ chúng có liếm trăng trên vòm lá kia không?...Tội ác khe khẽ bế từ thiện ngủ mệt mỏi sang giường người khác/ Cơn mơ bàn chân tướp máu/ Đi trên những mảnh chuông vàng

thánh thót/ Ngân trong cái lưỡi trăng chói sáng và sắc lẻm (Dưới trăng và một bậc cửa)

Lối tưởng tượng, liên tưởng rậm rạp, hình ảnh chật kín chen chúc cái này như cái kia, cái kia giống cái kia nữa không dứt, Nguyễn Quang Thiều miên man tưởng tượng, liên tưởng giữa hai thế giới đời sống hiện thực (hữu hình) và thế giới của thương tật chết chóc (vô hình) mà có lần Trần Mạnh Hảo đã nói “ý tứ ông chẳng bà chuộc, tản mạn, rời rạc”. Nhưng nghiên cứu kỹ, đọc lại văn bản, chính sự “vô lối”, “ông chẳng bà chuộc” ấy lại làm nên từ trường hấp dẫn và phi logic của phép liên tưởng dẫn dụ chúng ta đến với trường phái siêu thực.

Sức tưởng tượng, liên tưởng có độ phủ sóng khá cao, nó chi phối toàn bộ văn bản tác phẩm, hoạt cảnh, nhân vật, sự kiện. Có liên tưởng, người đọc thấy được thế giới ấy đang “sống”, đang chạy đi/về, đang thức/múa/ ca hát/ khóc/cười... Vì thế Hà Minh Đức có nhận xét: Những nhà thơ như Thanh Thảo, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, và tiếp theo là Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Nhuận Cầm… mỗi người theo một cách khác nhau, đã có những tìm tòi đáng quý. Trong tư duy của họ có những mạch sáng tạo đi về linh hoạt giữa hiện thực cuộc đời và phần mờ ảo xa xôi, những liên tưởng bất ngờ không đoán định được giữa lý trí và tiềm thức [25,tr.671].

Giữa lý trí và tiềm thức là mối liên kết tưởng tượng, liên tưởng, Châu thổ

như mở rộng biên độ ranh giới giữa hiện thực cuộc đời và giấc mơ huyễn hoặc, kỳ bí của tác giả. Một thực tại được dựa vào nền tảng của sự trải nghiệm và siêu nghiệm cá nhân nhà thơ; Một liên tưởng tạo nên độ thẩm mỹ sáng tạo trong thơ. Hai phạm trù: giữa chất sống của nhà thơ và trí liên tưởng từ góc nhìn thẩm mỹ, chuyển hóa hòa trộn trong thơ ông, tạo nên độ sóng sánh của thơ, độ sâu dày của ý tưởng, độ chênh vênh khó nắm bắt của sức liên tưởng rộng dài: Tôi mang nỗi buồn gọi gào sau cửa/ Chỉ còn trăng, trăng thôi…em khóc bên thềm/ Tôi đánh cắp tiếng em giật mình trong mê man về mùa ổi dại/ Những quả ổi chín quá tuổi mình trong túi người đàn bà góa bụa/ Xòe diêm soi tiếng mọt cuối đời (Bản khai sinh lần thứ hai).

Có Với những bài thơ khá dài, hình ảnh được nhắc đến đều được mô tả và kể như một câu chuyện nhỏ, nối kết trong bài thơ. Ở trang 123, khúc I, ngoài hình ảnh “Ta”, có hình ảnh và chuyện của đàn thiên nga (sinh nở), bầy rắn nước (thế kỷ XX), bầy sói (rên rỉ), bầy ốc (vặn mình), lũ chuồn chuồn (hừng hực bay đi), vòm cây

(cào tước họng), những hồ nước (thủ dâm). Khúc 2, vườn (mang thai), cha mẹ tôi

(phất quạt, ngồi trên xe mây trắng), anh chị em (đi cùng với bầy ngựa nâu), vợ tôi

(là người đàn bà đoan trang, suốt một đời ngủ sượng)… Khúc 3, cha (cánh đồng, màu màng tàn tật, hạt giống, bát hương), sông Đáy (bến sông, chuyện cha cắt tay làm chèo, cắt phổi làm buồm, dứt tóc bện dây)…Tương tự đối với những bài thơ ở số trang như 23, 27, 30, 37, 39, 44, 46, 48, 72, 77,123, 143, 192, 212, 228, 370…

Hình ảnh chất chồng qua việc mở rộng trường liên tưởng, thành những câu chuyện đứt quãng về thời gian và không gian từ kí ức, thực tế, Nguyễn Quang Thiều đã làm cho thơ ông mạnh mẽ, cuống cuồng chạy không dừng với vô số hình ảnh, động từ mạnh, như Đoàn Văn Mật đã nhận xét “thơ ông ít tử ngữ và sáo ngữ nhưng lại khá rậm rạp, cùng với nó là sự chuyển động không ngừng của thi ảnh, khiến cho người đọc cũng phải “ma ra tông” theo nên đôi lúc cảm giác như bị cuồng chân, khó đuổi kịp, khó nắm bắt… Còn khi đã bắt kịp được rồi thì ấn tượng mà thơ Nguyễn Quang Thiều mang lại là không nhỏ” [64].

Bên cạnh đó, còn những bài thơ lẻ, xét trong câu thơ cũng có hiện tượng hình ảnh liên tiếp nối nhau, tạo mạch thơ trúc trắc, không vần điệu, xô bồ ngổn ngang chi tiết, ví như bài ở trang 361, 356, 345, 306, 302, 168, 136, 137, 134, 102…

Hỡi những lừa, lạc đà, những ngựa của con đường vô định/ Những sư tử, những báo gấm, những hổ/ Những dê, những chim ưng, những ong/ Những con chim non của tổ chim xác xơ vì gió, những bướm của những cái kén tối thẫm/ Những cá.. những côn trùng/ Và những chúng ta [110,tr.132].

Hoặc những hình ảnh liên tiếp đứt quãng, không có mối quan hệ lôgic, có khi đối lập nhau đến “trái khoáy” như: Người nông dân già chiều nay rút rơm khô thổi lửa/ Xa tít một lưỡi cày mơ tên gọi vì sao/ Tôi trở lại nhặt vành nón gẫy/ Những chân trời gấp khúc xuống mùa đông [110,tr. 95]. Hay, Và bình minh đang lên như

khói, như nước, như da non, như răng mọc/ Như cánh tay trần con gái/ Như người đàn bà không chồng già nua/ Khi những trái sim sứt môi/ những ngón tay.. những đôi mắt/ những gót chân/ những sông lười/ vòm miệng nồng hôi/ Những cái lưỡi

[110,tr.135]

Phép tưởng tượng, liên tưởng thi vị, lạ hóa nghịch dị, cũng làm hình ảnh thơ Nguyễn Quang Thiều có ấn tượng mạnh. Khi viết về những người phụ nữ dân quê, lầm lụi, quẩn quanh, ông liên tưởng: Những ngón chân xương xẩu móng dài và đen tõe ra / như móng chân gà mái/ Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm/ và nửa đời người tôi thấy/ Những người đàn bà gánh nước sông/ Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt/…Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi/ Bàn tay kia bám vào mây trắng [110,tr. 115].

Hay những hình ảnh liên tưởng nghịch dị: Những vòm cây tự xé rách lưỡi mình/… Những dòng sông tự cào tướp họng/… Những hồ nước thủ dâm/ Trước loài sen đổi giới tính theo mùa [110,tr. 123].

Nhà thơ sử dụng những động từ “cào”, “xé”, “thủ dâm” để đi kèm và nhân hóa cho sự vật theo chủ quan của tác giả. Làm cho thơ như lúc nào cũng nhúc nhích, cử động. Nhận xét về thi giới trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Hồ Thế Hà có viết: thơ Nguyễn Quang Thiều được thể hiện qua kiểu tư duy phức hợp vừa hiện thực, lãng mạn; vừa tượng trưng, siêu thực, vừa hiện đại, một phần hậu hiện đại, duy cảm kết hợp duy lý, càng về sau tăng cường yếu tố tâm linh, tính dục, ảo giác... tạo thành chỉnh thể nghệ thuật đa phân, lạ hóa, khó nắm bắt ý nghĩa ngay lập tức…Tất cả lại được anh viết bằng lối dồn dập hình ảnh, ngôn ngữ, bằng liên hoàn những đoản khúc, những bài thơ dài nên người đọc có mệt trí và khó bắt kịp cấu trúc chỉnh thể văn bản [32].

Mật độ hình ảnh dày đặc bằng cách sử dụng nhiều phép liên tưởng đặc thù đến độ siêu thực, Nguyễn Quang Thiều rải hệ thống thi ảnh dày khắp ở nhiều ngã rẽ của cảm xúc. Chính vì thế, hình ảnh như lúc nào cũng dịch chuyển, tạo nên nhiều hiệu ứng thẩm mỹ, cách nắm bắt tinh thần của thơ, đôi khi phụ thuộc vào người đọc và hệ thống ngôn ngữ mà ông sử dụng.

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ nguyễn quang thiều (Trang 145)