Cái tôi và cái tôi trữ tình

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ nguyễn quang thiều (Trang 29)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.1.Cái tôi và cái tôi trữ tình

Trong phạm trù đi tìm cái tôi và cái tôi trữ tình của thi ca, chúng ta bắt gặp những cái tôi cá nhân (theo quan niệm triết học), cái tôi của thực thể con người, điều kiện cần giao thoa với điều kiện có của cái tôi trữ tình với cảm giác buồn, cô đơn, lạc loài, cái tôi khát khao, ngưỡng vọng. Người ta gọi đó là tính chủ thể và trữ tình .v.v. Mà nói như toán học thì đó là những phần giao cắt nhau hoặc thuộc về nhau thường được gọi là tập hợp “thuộc”, “phần tử”. Vì thế nó chi phối nhau, hỗ trợ/bổ sung nhau. Cái tôi thực chất là một khái niệm của triết học. Nhiều nhà triết

học như R. Đê-cac, J. Gphichtê, G.V.Hêghen, S. Phơ-rơt, đã chú ý đến cái tôi biểu hiện trong triết học khi đề cập đến các mối quan hệ vật chất - ý thức, chủ quan - khách quan, cá nhân - xã hội.

R.Đê-cac (1596 -1650), định nghĩa về cái tôi triết học Tôi tư duy vậy là tôi tồn tại. Ông cho rằng, cái tôi là thực thể của tư duy, là căn nguyên của nguyên lý nhận thức duy lý. Nhà triết học S.Phơ-rơt (1856 - 1939), cho rằng cái tôi xuất phát từ động cơ bên trong ý thức, cấu thành ý thức, nhân cách con người. Triết học Mác - Lênin khẳng định: cái tôi là trung tâm tinh thần, là cá tính, là hành vi của con người đối với cá nhân và xã hội, là thành phần cấu thành cấu trúc tự giác.

Nhìn từ góc độ triết học, có thể nói cái tôi vừa mang tính xã hội, lịch sử vừa mang tính độc đáo, khẳng định nhân cách cá nhân.

Từ cái tôi cá nhân của triết học đến cái tôi trữ tình dường như có mối quan hệ

khăng khít khó phân định.Song có một thời, nhà thơ Tưnhanốp cho cái tôi trữ tình

được hiểu như một loại trữ tình đặc biệt, hiểu theo nghĩa thu hẹp, biểu hiện yếu tố tâm trạng, tiểu sử của chính mình. Cho đến khi M.Bakhtin cho rằng, lời trong thơ không hề thuần túy là lời “cá nhân” mà là sự đắm say của “dàn đồng ca”. Trong dàn đồng ca đó Tôi tìm thấy mình trong tiếng nói của người khác là thứ thơ mà trong đó, cảm xúc và suy tư của các nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thực hiện một cách gián tiếp. Là tiếng hát tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm từ các cung bậc tình cảm cho tới chính kiến, những tư tưởng triết học [33].

Có những trường hợp cái tôi trùng phức với cái tôi trữ tình, ở đó, cái tôi của cuộc đời nhà thơ là tư tưởng, tư duy, là cảm xúc của tác phẩm. Cái tôi của nhà thơ W.Gơt, A.Puskin, I.Lec-môn-tôp cũng chính là cái tôi trữ tình tác giả.

Cái tôi của các nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương (thể hiện được cái tôi bất bình, bất mãn với thời cuộc, với triều đình), đến cái tôi trong thơ Tố Hữu (cái tôi phục vụ cách mạng), cái tôi của Hồ Dzếnh (cái tôi của cuộc đời bản thân của chính nhà thơ), cũng chính là cái tôi trữ tình của nhà thơ trong sự nghiệp thơ của mỗi nhà thơ.

Song cũng có trường hợp cái tôi đời thực không trùng phức với cái tôi trữ tình trong tác phẩm. Đó là lúc cái tôi được di ẩn, mang một sắc thái khác với đời sống thực thể, được bao bọc bằng cái tôi trữ tình tác phẩm. Ở đó, cái tôi trữ tình có nhiệm vụ quan trọng chuyển tải được hết tư tưởng tình cảm, tư duy, và triết luận của tác giả.

Có thể nói cái tôi nhà thơ khác với cái tôi trữ tình đã được nghệ thuật hóa nhưng là hai phạm trù không hề đối lập, tách rời nhau mà là thống nhất với nhau. `

Cái tôi chủ thể là gương mặt con người thực của nhà thơ (ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ, hành động, nghề nghiệp, những mối quan hệ gia đình và xã hội…), còn cái tôi trữ tình lại gương mặt tinh thần của nhà thơ trong tác phẩm thi ca, là âm hưởng, là sự vang vọng của tâm hồn và cuộc đời nhà thơ.

1.2.2. Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Có thể nói chưa có khi nào nhu cầu đi tìm cái tôi lại đa dạng, cấp bách như thời kỳ thơ ca sau 1975. Nhu cầu đòi thể hiện cái tôi (nội dung), kéo theo nhu cầu thay đổi hình thức thể hiện (hình thức), hay nói cách khác, đó là nhu cầu thay đổi tư duy sáng tác. Tư duy sáng tác, hay giọng điệu, phong cách của mỗi nhà thơ mỗi kiểu, tuy chưa định hình rõ ràng nhưng là tiếng nói của mỗi cá nhân. Đó là sự trở về của lớp tác giả: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng, với cái tôi tan loãng, có như không, không như có, như một mã hóa, ẩn số khó tìm lời giải. Tiếp theo là hiện tượng Phùng Khắc bắc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn với cái tôi nóng bỏng, cấp bách, quay quắt vì thời cuộc, vì tâm thức. Đầu thế kỷ XXI, bối rối, táo bạo, lạ lẫm, nhưng cũng đậm chất đằm thắm với cái tôi đa điện nhiều chiều của làn sóng trẻ như: Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Inrasara, Trần Tiến Dũng, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Quyến, Vi Thùy Linh … Trước và sau làn sóng thơ đó, Nguyễn Quang Thiều là một cây bút mở đường cho sự cách tân, cho sự thể hiện cái tôi đa cảm nhiều chiều để tìm kiếm một giọng nói riêng. Ông giống như cái đỉnh bất ngờ nhô lên giữa ngọn đồi… đây là giọng thơ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, và nó được tiếp nhận đầy sáng tạo. Nó tác động

mạnh tới những cây bút thế hệ mới phía Bắc đến nỗi có thể vạch ra ranh giới nhóm làm thơ theo Thiều và nhóm làm thơ khác Thiều [50].

Đối với Nguyễn Quang Thiều, cái tôi trữ tình trong thơ ông là cái tôi của tinh thần song tồn giữa hai phạm trù, là gạch nối giữa tôn trọng giữ gìn truyền thống và khát khao xây dựng. Nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảm quan sáng tác của ông trong suốt chiều dài của sáng tác, tác phẩm. Và khẳng định được cái tôi đầy phong cách riêng biệt, không lẫn với những cái tôi khác.

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ nguyễn quang thiều (Trang 29)