7. Cấu trúc luận văn
1.1.4. Quan niệm thơ của Nguyễn Quang Thiều
Sau bao năm bôn ba trải nghiệm thực tế cuộc sống một cách đầy bản lĩnh, Nguyễn Quang Thiều đã thành công và khẳng định vị trí trên nhiều lĩnh vực. Nhưng đối với thi ca, ông vẫn dành niềm ưu ái nhiều nhất, xem đó là tâm niệm, là phương châm để sống, với phong cách của một nhà thơ đích thực. Niềm đam mê nghệ thuật với tiềm năng giàu nội lực thay đổi cách thể hiện thơ theo quan niệm thẩm mỹ riêng, Nguyễn Quang Thiều đã làm nên một cuộc cách tân hiện đại đầy sóng gió. Chữ “riêng” này, có thể hiểu và xét rộng hơn trên thi đàn đối với quan niệm về thơ ca của các nhà thơ. Chẳng hạn như đối với các nhà thơ trung đại (Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương), thì quan niệm thơ ca là chí người quân tử, dùng thơ ca để thể hiện sự ẩn dật lòng yêu nước thương dân, cái tôi đòi quyền cá nhân thỏa mãn giải phóng, gò bó khắc khe đối với phận người của xã hội phong kiến. Nhà thơ của phong trào thơ mới (Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử),
thì quan niệm thơ ca là sự giải tỏa, là cách thể hiện cái tôi cá nhân buồn quay ngược lại với hiện thực. Các nhà thơ Cách mạng (Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu), lại quan niệm thơ ca là vũ khí sắc bén phục vụ công cuộc cách mạng, mang tính chiến đấu. Những nhà thơ hiện đại sau 1975 lại có quan niệm về thơ ca theo từng cách riêng của mình, điều đó cũng thể hiện ở phong cách sáng tác của họ. Trần Dần, ông quan niệm sáng tác thơ ca là cách làm nên chữ Tôi giản dị đồng nhất vào chữ, với nhà thơ Lê Đạt thì quan niệm Nhà thơ là phu chữ, nhà thơ Thanh Thảo cho rằng: chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ. Nguyễn Trọng Tạo - người luôn có khát vọng cách tân thơ ca đã quan niệm: Nhà thơ không chỉ là công dân của một quốc gia mà phải là công dân của thời đại… Nhà thơ phải biết biến hiện tại, tương lai thành quá khứ để tạo ra kinh nghiệm sống và cảm xúc mới [95]; thì Nguyễn Quang Thiều - một nhà thơ của thập niên 80 có một quan niệm riêng, một phong cách riêng, không phải là ngoại trừ. Trong cuốn Nhà văn hiện đạido nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu, trong đó có viết về tác giả Nguyễn Quang Thiều. Khi bộc bạch, nhà thơ đã khẳng định ông: viết bởi khát vọng được giải tỏa.
Chống lại sự giống người khác. Ít dị ứng với khen, chê trong văn chương. Tự tin sáng tác [114].Khát vọng và niềm đam mê, ông đã từng tâm đắc với tôn chỉ thơ ca là sự Làm mới lại những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết [101]. Tôn chỉ luôn làm mới mình bằng thơ ca, luôn được mở rộng, luôn được giàu có về nội dung và hình thức thơ, ông đã tự thân vận động không ngừng, bằng cách đào sâu vào vỉa tầng của kí ức, bới tung độ sâu của vô thức, hữu hình mà xây lâu đài thơ tâm thức. Vì thế, ông từng nói: Với cá nhân tôi, khi tôi viết nghĩa là tôi đang hồi tưởng về một đời sống tôi đã sống. Tôi đang tự mang đến cho mình một nền tự do, một trí tưởng tượng và một giấc mơ [101]. Ông quan niệm, trong sáng tác thơ ca có hai điều cần chú ý: điều quan trọng nhất là để tạo ra sự ám ảnh trong thơ và điều tồi tệ nhất là
thiếu trí tưởng tượng. Nguyễn Trọng Tạo trăn trở với nghề viết, ông bảo đó là nghề “ộc ra con chữ/ ộc ra tâm can kiến tạo sinh thành” (Nhà văn), và gọi nhà văn là bác thợ cày/ cày trên giấy trắng [95], thì Nguyễn Quang Thiều cũng trăn trở về việc sáng tạo thơ, gìn giữ thơ, “gieo mầm” thơ, cõng thơ đi qua sa mạc cát với ba khía cạch quan niệm về thơ sau:
Thơ là thế giới những cơn mơ tự do và trí tưởng tượng
Ở khía cạnh thứ nhất: Ông quan niệm thơ và sáng tạo thơ là những cơn mơ tự do vô tận của tâm thức và trí tưởng tượng. Ở đó, nhà thơ có thể tái tạo thế giới, tái tạo sự vật trường sinh và phục sinh, nảy mần hay tàn lụi. Cơn mơ tự do được tái thiết lập bằng cảm quan mà không ai chi phối ,Với tôi, thơ là sự ước lệ, mơ hồ, thơ là thế giới mà tôi tìm thấy những cơn mơ và sự tự do của mình [104]. Thơ ca của ông chi phối bởi cơn mơ, hay cơn mơ và trí tưởng tượng chi phối thơ ca của ông? Ở mặt này hay mặt khác, bề trái hay bề phải, của một chiếc lá thơ, thì sự đối xứng của gân lá, sự mượt mà của mặt phải và sự gân guốc của mặt trái, đã làm nên nét đẹp, chính từ sự tự do không giống khuôn mẫu nào của mỗi một chiếc lá (bài thơ) khi nó sinh ra. Nguyễn Quang Thiều để cơn mơ tưởng tượng và sự tự do chuyển động và luôn phủ định chính mình đi lang thang, sinh ra những chiếc lá diệu kỳ, như chính sợi dây tình cảm vô hình với người bà mà tác giả đã viết …họ giữ mối quan hệ với bà tôi bằng những kinh nghiệm. Còn tôi giữ bà tôi bằng trí tưởng tượng vô cùng
hoang dại, và bằng những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính [110,tr.16]. Không chỉ thế, mà những cơn mơ và sự tưởng tượng hoang dại ấy không mấy giống nhau, bởi ông quan niệm Tôi luôn tìm cách phủ định chính bản thân mình bằng những thử thách khác nhau, phủ định chính bản thân mình là sự chuyển động. Nếu không chuyển động thì mọi vật đều bị hủy diệt. Phủ định thì mới có phát triển [101]. Giấc mơ và sự tự do tưởng tượng luôn theo ông, dù là tương lai hay trở về quá khứ, mà trong lần phỏng vấn ông đã bộc bạch: Tôi luôn hồi tưởng trong kí ức, sống trong hiện tại và giấc mơ về một thế giới trong tương lai sẽ khác. Những bài thơ của tôi dường như dành phần cho tương lai rất nhiều, dù nó xuất phát từ hiện thực đời sống, nhưng lại hướng về tương lai. Tôi cũng hồi tưởng lại những kí ức với những dày vò, suy tưởng về những gì đã xảy ra trong quá khứ[26] và cũng hơn một lần ông khẳng định Tôi nhận thấy thi ca là bầu trời rộng lớn nhất cho đôi cánh của tự do và trí tưởng tượng của tôi [04].
Thơ là thế giới của sự vĩnh hằng, của cái đẹp…
Ở khía cạnh thứ hai, với con đường thơ, Nguyễn Quang Thiều quan niệm, thơ ca không chỉ để ông phô diễn đời sống thực tại, một thế giới gai góc đầy ám ảnh theo cách riêng của trí tưởng tượng, mà còn là nơi cho ông sự an lành, bền vững bởi khát khao cháy bỏng của cái đẹp, đầy đặn ở thế giới vĩnh hằng. Ở đó, ông có thể dựng lại được những gì đã mất, xây được những gì đang khát khao, bên cạnh những điều tự cảm nhận, tồn tại trong hiện thực cuộc sống. Nên đối với ông, thơ là cái gì đó thật hoàn hảo, viên mãn, tràn đầy sinh lực, và đem đến ánh sáng/ nguồn tái tạo cuộc sống của con người. Trong Thông điệp về cái đẹp và tự do, ông đã chiêm nghiệm: Sự giải phóng hiệu nghiệm nhất những bế tắc của đời sống con người là sự tự nở hoa trong tâm hồn của chính con người. Thơ ca là con đường dẫn con người đến sự tự nở hoa đó [101]. Hay có lần ông thổ lộ Thơ giống như ánh nắng, nuôi nấng mọi thứ, làm mọi thứ bừng nở viên mãn và chín vàng. Điều đặc biệt khiến thơ khác với ánh nắng, khác với khí thở là sau khi viên mãn, mọi thứ sẽ tàn lụi tiêu tan, nhưng trái lại, thơ làm cho mọi điều nó chạm tới vươn được đến sự bất tử. Khí thở là dưỡng chất trần gian còn thơ là dưỡng chất của sự bất tử [104]. Khi đánh giá về
công việc của một nhà thơ chân chính ông đã viết: Nhà thơ không đơn thuần chỉ là tiếng vọng hay người lao công của Vĩnh cửu. Qua sự trục vớt, hồi sinh, tái tạo và dưỡng tồn vĩnh viễn những điều tưởng như đã mất, nhà thơ, cùng với Người mẹ của Vĩnh Cửu, cùng “sáng tạo lại” mọi vật đã mất. Trong cuộc sáng tạo kỳ diệu này, nhà thơ không “thụ động” nhận sự sáng tạo, không phải là lao công mà nhà thơ chính xác là Chủ-Nhân-Thứ-Hai, sau Người mẹ Vĩnh Cửu, của mọi vật được tái tạo lại là dưỡng tồn chúng vĩnh viễn [105]. Bởi ông cho rằng thơ ca là nơi có thể lưu giữ những giá trị được vĩnh tồn. Nhà thơ và thơ ca có nhiệm vụ bồi đắp, xây dựng, lưu giữ những cái đẹp, những khoảng khắc nhỏ nhất của thời gian.
Đối với Nguyễn Quang Thiều, thơ ca gắn liền với sự bất tử, vĩnh hằng vì nó đi ra từ trái tim, khối óc, và được xây dựng nên từ tâm thức lòng người, mà ông đã thấu hiểu Trước mặt người làng Chùa là cánh đồng. Rộng hơn cánh đồng là chân trời. Nhưng rộng hơn chân trời là lòng người [110,tr.274]. Nó là vẻ đẹp vĩnh cửu mà tạo hóa ban tặng, thức tỉnh và nuôi dưỡng tâm hồn, đưa con người, đưa nhân loại đến sự thánh thiện. Thơ là vẻ đẹp tinh thần không thể thiếu, nó nâng đỡ và vĩnh cửu hóa những giá trị đích thực của cuộc sống này mà ông đã trả lời phỏng vấn trên báo: Một góc nào đó của đời sống là những điều tồi tệ… còn lại là những điều đẹp đẽ. Sự thật là những người chiến đấu cho những gì đẹp đẽ trên thế gian này (trong đó có các nhà thơ) chưa bao giờ tuyệt vọng cho dù họ có lúc đau đớn hoặc tham vọng [47].
Thơ là chiếc neo giữ cho thơ không rơi vào vùng phi nhân tính…
Là người đã từng nói, Nếu không làm thơ, tôi sẽ không còn là tôi [67], Nguyễn Quang Thiều đã phát quang con đường thơ ca của mình bằng tôn chỉ: sử dụng ngôn ngữ thơ ca gần với tiếng nói đời thường nhất. Nó cũng đồng nghĩa với câu của nhà thơ Nga Exenhin Nếu tôi không làm thơ tôi sẽ thành kẻ cướp. Điều đó có nghĩa, thơ ca mang giá trị của cái đẹp, tình yêu và hạnh phúc. Khát khao như muốn bù đắp cho cuộc đời này những mất mát đau thương, bất trắc, Nguyễn Quang Thiều chỉ biết viết và viết. Những đêm đông gió mùa đông bắc, trời lạnh và gió khuya, thức trong đêm thâu, ông viết bằng cơn mơ và trí tưởng tượng từ hiện tượng thực tế. Không chỉ thi ảnh, thi cảnh, con người ở đất nước mình mà ở những miền
đất xa xôi, những dân tộc da đen trên thế giới cũng gây cho ông nhiều xúc cảm để viết. Nguồn cảm hứng vô tận với một trái tim đa mang, đã làm nên một giọng thơ trầm ấm, thủ thỉ như nguồn cơn bất tận không bao giờ dứt. Bởi ông cho rằng: Sáng tạo thi ca là quá trình văn bản hóa những vẻ đẹp và những bí ẩn của đời sống mà thôi. Chúng ta nên hiểu rằng: người làm thơ và người đọc thơ cùng có một mục đích và một sứ mệnh là xây dựng một đời sống tinh thần cho con người. Khi không còn ai có cảm hứng làm thơ nữa và không còn ai có cảm hứng đọc thơ nữa thì nghĩa là đời sống tinh thần con người đã bắt đầu đứng bên bờ vực thẳm [67]. Là người tài hoa, Nguyễn Quang Thiều quan niệm sáng tạo thơ, gìn giữ thơ là một việc thường xuyên và không ngưng nghỉ. Điều đó giống như một mạch nước nguồn tuôn chảy, qua bao ghềnh đá, ngầm vực để sung sướng hào sảng trở về với cái tôi trữ tình của nhà thơ. Hơn ai hết, Nguyễn Quang Thiều ý thức được rằng: Nhà thơ là những người Cõng trên lưng tảng đá khổng lồ của sự đọa đầy để được kêu vang tự do và đã chết quá nhiều cái chết trong bóng tối mới chạm vào cơn mơ sự sống. Và cũng hơn ai hết, Nguyễn Quang Thiều ý thức được rằng: Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ lại cho người đọc khoảnh khắc đời sống mà họ không bao giờ tìm lại nếu không có thơ (Charles Simic - nhà thơ Mỹ - Giải Pulizer) hoặc: Bằng những bài thơ mà con người của một triệu năm sau có thể hiểu được đời sống của chúng ta bây giờ (Joseph Brodsky - nhà thơ Mỹ gốc Nga - Giải thưởng Nobel văn học 1987).