7. Cấu trúc luận văn
2.2.3.2. Ánh sáng của ngôi sao xa mang đến khát vọng sống, phục sinh
sinh
Khó lòng mà không nghĩa đến biểu tượng này. Bởi ngôi sao có số lần xuất hiện trong thơ Nguyễn Quang Thiều thật nhiều. Có thể nói là dày đặc và mang một vai trò khá quan trọng, nếu xét “ngôi sao” là một thực thể ở phía “Bên kia” mốc tiếp quản của ánh sáng. Thật là như vậy, giả dụ, xét ánh sáng chung chung trong thơ ông, chúng ta thấy nhiều thứ ánh sáng (lửa, trăng, sao, ban mai, hoàng hôn, mặt trời, chớp, nắng…) nhưng hầu như những thứ ánh sáng ấy vẫn không đủ để làm ấm, làm hồng lên bức tranh thủy mặc mà ông đã lần vẽ trong đêm tối của ký ức. Có nhà phê bình đã nói, trong thơ ông có tồn tại một thứ ánh sáng, đó là thứ ánh sáng lạnh. Theo chúng tôi nghĩ, điều đó hoàn toàn có cơ sở, vì trong lúc khảo sát về biểu tượng bóng tối (Chương 2) hay thời - không gian (Chương 3) thì tần số của nó xuất hiện khá nhiều, đến nỗi làm cho cả cấu trúc của Châu thổ, chìm đắm vào không gian bóng đêm. Với bóng đêm dày đặc như vậy thì ánh sáng của một ngôi sao, ánh sáng của một ánh chớp, của một hoàng hôn chiều tà, của một ánh lửa thì quả là “lạnh”. Tuy nhiên, nếu đi nghiên cứu về thứ ánh sáng “lạnh” được phát ra từ những
sinh thể nhỏ nhoi như “ngôi sao”, ta sẽ tìm thấy cả một thiên đường, cả một bờ hạnh phúc khát vọng mà chính nó đã mang đến, trao vào tay người vừa bị ngã đuối, thả
vào đêm tối, thắp lên một ngọn đèn, vực dậy một mầm xanh, trong khoảng không hoang hoải, lạnh, chết chóc và ghê rợn, do hiệu ứng của bóng tối mang lại.
Ngôi sao là biểu tượng của nguồn ánh sáng, thuộc về trời, là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, của sức mạnh vật chất. Chúng chọc thủng bóng tối, là những ngọn đèn pha chiếu rọi vào bóng đêm của vô thức. Theo sách Khải Huyền,…(hay)
Kinh Cựu ước thì sao là biểu tượng của thiên thần, là số phận của con người được phục sinh, biểu tượng cho cuộc sống vĩnh hằng, của những con người chính trực. [46,tr.794]. Người Sirona xem sao như một vị thần linh, người Yakoute xem các vì sao là các cửa sổ của thế giới.
Sao như khảo sát xuất hiện 55lần/144bài, nhưng tính số bài có nói đến sao thì 25bài/144bài, như “Một bài hát tình yêu làng Chùa”, “Hòa âm những đa bào”, “Bài ca ban mai”, “Buồn hơn cái chết”, “Người cầu tự”, có nhiều bài còn mang tựa là những ngôi sao như “Những ngôi sao”, “Những ngôi sao đổi ngôi”, “Tiếng chó và những ngôi sao”. Ngôi sao trong thơ Nguyễn Quang Thiều xuất hiện với nhiều tên gọi như sao xanh, ngôi sao xưa, ngôi sao mù, ngôi sao tinh khiết, ngôi sao tháng năm,… với nhiều cách thức thể hiện như gọi tên (sao xanh, sao ban mai, sao tháng năm), trạng thái sao (ngôi sao ướt đẫm, ngôi sao bền bỉ, ngôi sao tinh khiết), thời - không gian sao (ngôi sao bay về, ngôi sao tháng năm, ngôi sao bóc vỏ), yếu tố phồn thực (chùm trứng sao)…
So với ánh sáng phát ra từ trăng, được xuất hiện 44 lần/144 bài với nhiều thể thức như hoạt động trăng (liếm trăng,tru trăng, trăng xòe bàn tay, trăng vật vã), trạng thái trăng (trăng mờ, thìa trăng, sũng trăng, chói sáng trăng, vầng trăng, vệt ướt trăng), thứ ánh sáng lạnh tỏa ra từ tinh cầu trăng, đi kèm với nhiều yếu tố sự kiện như người đàn bà góa trong đêm trăng, bầy sên di chuyển trong trăng, dưới trăng và một bậc cửa, cỗ xe tang trong trăng, con đường từ nghĩa địa trở về trong trăng, thì ánh sáng của ngôi sao trong đêm tối cũng là một thứ ánh sáng trắng, lạnh gắn với nhiều sự kiện ký ức, với thiên nhiên đời sống con người.
Những ngôi sao khát vọng của tình yêu
Sao xanh/ Sao xanh/ Ngủ êm trên cỏ/ Hỡi chàng ơi? Đêm đã trải tấm khăn tình yêu xuống rồi/ Hơi thở em cỏ ướp đầy hương/ Bầu vú em gió núi thổi mát rượi/
Thế mà em mất chàng…(Một bài hát tình yêu làng Chùa). Bài thơ như khúc du ca, của một chàng mục đồng với cây sáo trúc, cỡi lưng trâu, đồng cỏ và đêm sao. Những ngôi sao trở nên xanh tự khi nào chẳng ai hay chỉ biết rằng nó đã trải xuống một tấm khăn đêm cho đôi tình nhân tình tự. Mái tóc cột bằng gai cỏ, đôi hài tết bằng cỏ, sương đọng trên cỏ sắc, cặp vú tròn, ngôi sao xanh, gió mát và đêm, làm nên bản tình của thuở mới yêu tràn đầy khát vọng. Tinh khiết và trắng trong, chả trách, bài thơ này nằm trong tập Ngôi nhà 17 tuổi.Nếu “Mười một khúc cảm”, khúc một, ở buổi thanh xuân, tác giả đã gieo vào lòng người đọc những rụng rời đau đớn
Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ/ Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn. Đến
khúc III, trên con đường đi/về, nhà thơ đã chạm một lời nguyền như một lời truyền sấm Ta đi về cửa ngõ của chiều/ Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn/ Ta đi về phía ta còn sóng sánh/ Và ta chạm lời nguyền vĩ đại/ Man rợ ngân lên từ phía tối mặt trời(Mười
một khúc cảm). Qua khúc VIII là cảm giác có thật của vết thương răng chó cắn và đến khúc X và khúc XI thì toàn thân đã bị thương tật, trong tiếng cười dao sắc của cuộc đời “Ta thương tật đi ngoài ánh sáng”... thì bài hát đồng dao của tình yêu, xét trong tổng cấu trúc của Châu thổ là một nét gạch mới để nối từ Ngôi nhà 17 tuổi
sang tòa lâu đài mê cung trầm tích của những tập sau này. Trong bài “Nguyễn Quang Thiều đi về phía ánh sáng” của Đoàn Ánh Dương, ông có phân tích cấu trúc
Châu thổ, vì sao Nguyễn Quang Thiều lại đưa bài này lên đầu tập, rút bài kia ra, đặt lại tên bài này, hướng về thể loại kia, chỉ để làm rõ lộ trình thơ của Nguyễn Quang Thiều, thì Một bài hát tình yêu làng Chùa mở đầu cho một khát vọng tình yêu ban sơ là một điều hoàn toàn hữu ý. Ngôi sao trong buổi đầu của tình yêu cũng vì thế mà sáng xanh, dịu dàng mà mãnh liệt. Sang đến bước hai (tạm gọi là như vậy), ngôi sao của tình yêu trong bài Những ngôi sao, mang một dáng vẻ khác. Nó là ẩn tình xót xa, nó là biểu trương cho những thắc mắc lo âu, định đường cho một lối đi, của mình (cái tôi) của người (xã hội), khi trước mắt hiện thực cuộc sống nhiều ngã rẽ:
Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa… Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa/ Ta như hai đứa trẻ non mềm vừa mới sinh ra/ Với hơi thở của người vừa ốm dậy/ Ta ôm nhau ngước mắt gọi sao trời (Những ngôi sao).
Với Nguyễn Trọng Tạo, ngôi sao là vật thể để ông trút cạn nỗi buồn tình yêu. Nỗi buồn của người luôn thấy mình lẻ loi, thiếu vắng một nửa yêu thương, còn nỗi buồn thì đầy ắp phải cất lời để sớt, để chia. Và ông xem đó là một ngôi sao buồn:
Niềm vui rồi dễ phai nhanh/ Cuộc đời lắng lại long lanh nỗi buồn/ Em mù sương
anh mù sương/ Ngôi sao buồn ấy vẫn thường hiện lên(Ngôi sao buồn).
Ngôi sao còn là khối trầm ai của ký ức, mà ở đó, ông muốn gửi gắm khát vọng của mình bằng câu hỏi không lời đáp Sao người chẳng đếm sao trời/ cho tôi sống lại cái thời trẻ con (Thơ tình người đứng tuổi)
Trường ca Thanh Thảo nổi bật với những biểu tượng cỏ, lửa, và sao. Thơ ông, ngôi sao hiện lên như những ánh sáng dẫn đường trong một trường ca dài. Sau rất nhiều sự kiện, những địa danh, tên người, trận đánh, núi rừng, sông suối, thì ngôi sao hiện ra đúng lúc và gắn với cuộc kháng chiến chúng tôi lặng lẽ rút về địa hình/ sáng quắc một trời sao giữa trận càn của giặc ( Địa hình - chương ba). Hay tên tuổi họ nhiều khi ta khó hỏi/ bao tai ương cứ dội xuống theo mùa/ nhưng theo mùa dòng sông vẫn chảy/ tấm lưng trần nâng dậy cả trời sao (Nguồn sông hát).
Đôi khi, ngôi sao gắn với sự đợi chờ của người vợ, vừa là hậu phương vừa ngóng tin chồng đi chiến đấu biền biệt hai mươi năm: nhưng tôi tin điều kỳ diệu những lời cát lên từ trái tim/ ngôi sao hát lúc tối trời/ dòng sông miên man chảy/ hai mươi năm vợ anh vẫn chèo xuồng ngược nước/ lặng lẽ cứu từng bông lúa (Nguồn sông hát)
Đôi khi, ngôi sao lại trở thành ánh sáng trong đêm tối soi cho nhân dân làm đồng, là ánh sáng diệu kỳ mà nhân dân đã chọn trên con đường đi đến ấm no hạnh phúc: họ giữ bên trong gương mặt của làng/ một lối ngõ chói chang bông bụt/ tiếng gà gáy tiếng chân bò thậm thịch/ người đi cày đầu đội sao mai (Những người du kích).
Đôi khi, ngôi sao là biểu tượng kết nối, làm chứng cho tình anh em đồng chí, quân dân, trường kỳ: ta nâng chén rượu bình yên thuở nào/ giữa anh em giữa trời
sao/ chẳng phân cao thấp nhìn nhau, cả cười…(Đám - lá - tối - trời).
Với Nguyễn Quang Thiều, ngôi sao không chỉ là biểu trưng cho khát vọng của tình yêu, mà ngôi sao còn biểu trưng cho hy vọng sự thoát thai linh hồn của kẻ lạc đường qua bên kia của ánh sáng:
Đứng trước cuộc thách đấu của ảo giác đê hèn/ Họ mỉm cười và trên đầu họ/ Vang lên tiếng nguyện cầu cho sức mạnh của họ, những vòm cây/ Của những đám mây nặng bụi, của những ngôi sao non, của dòng sông gió/ Các bầy chim hát mãi, cả khi chết, bài ca kiên nhẫn/ Của linh hồn hồ nước. Và hơn thế/ … Vang lên trong giọng nói, tỏa sáng những gương mặt trong vòm cây/ Trong mây bay, trong gió, trong sao đêm, trong cánh chim và trong linh hồn hồ nước (Lời cầu nguyện).
Ngôi sao là linh hồn của những người đã khuất, họ có quyền được quay về và hưởng cuộc sống tốt đẹp, một khi họ đã chính từ đời sống này ra đi. Họ là những ngôi sao không bao giờ tắt, nhỏ nhoi nhưng bền bỉ sống:
Ngồi xuống đi các con/ Và ngước mắt lên lần nữa/ Bầu trời dọn ra những ngôi sao/ Cho kẻ lạc đường (Chúng ta có quyền ăn bữa tối).
Ngôi sao cho những kẻ lạc đường hay cho những kẻ kiệt cùng vẫn hy vọng một khi nào đó Một ngôi sao bay về đậu trên trán/ Ánh sáng chan hòa chảy trong máu, xương tôi/ Đêm rền vang tiếng thở hơi của những cây kèn/ Tôi là nhạc công sót lại cuối cùng bước dần ra phía sáng(Hồi tưởng tháng tư).
Khát vọng, hy vọng đi về phía ánh sáng,“Bên kia” cây cầu nhân gian sẽ là phục sinh.
Ngôi sao còn mang ý niệm của tinh thần phục sinh thánh thiện
Đó là thời khắc của bóng tối được đổi chỗ cho ánh sáng, cái chết phải trở về với những ngôi mộ nhường chỗ cho con người, một thế giới cái chết nhường chỗ cho thế giới sự sống, và ngôi sao là ánh sáng dẫn đường bền bỉ nhất cho nhân gian
(Tiếng chó và những ngôi sao). Đó là những ngôi sao biết mọc lên từ đêm đen, từ thẳm sâu của vòm trời tối (Món quà cuối cùng của Giáng sinh). Đó là lời cầu
nguyện với chúa trời, cho nhân gian được phục thiện, được phục sinh từ sự chết chóc, tàn lụi, sợ hãi, hốc mắt. Những xác chết bồng bềnh, một con đường ngập máu, sẽ bị xóa nhòa, sẽ bị xa dần bởi ánh sáng của ngôi sao tháng năm (Cầu nguyện ở thánh đường Thomas More). Và cũng là khoảng khắc “tôi” gặp lại “người đàn bà của tôi”, trong bóng tối nhỏ hẹp và tăm tối, cả người mù và người sáng mắt, cũng chẳng thấy gì, chỉ khi những ngôi sao đổi ngôi trong bóng tối bầu trời (Những ngôi
sao đổi ngôi). Hay khi ban mai thức dậy với tiếng ngựa hí vang, cánh đồng dâng lên từng đợt sóng hoa vàng thì Nàng - mệnh danh cho cái Đẹp và sự thánh thiện đã thức dậy cùng với ánh sao mai. Người ta mường tượng: mắt nàng là hai viên ngọc xanh, tóc nàng như một đám rong biển dập dờn, tâm hồn nàng là sao mai để trấn an đời sống này (Bài ca ban mai trên những quả đồi Achill).
Đôi khi, chính “tôi” lại hóa thân thành ngôi sao, trao định mệnh mình cho một ngôi sao. Giữa thế giới âm tối, linh hồn gọi linh hồn, chẳng có lấy một mẩu sáng, một phần sống hiếm hoi cho những vật thể nhỏ nhất như hồ nước, ngôi nhà, váy, yếm, quạ, cành cây, ngựa, cán giáo, thông già, chén rượu độc…. thì ánh sáng của ngôi sao là thứ ánh sáng có quyền năng nhất:
Mở cửa sổ nhìn phía trời xa, một ngôi sao sáng/ Chợt nhận ra cái cây còi cọc trên ban công lần đầu trổ hoa lóng lánh/ Và hương thơm tỏa rì rầm một khúc nguyện cầu/ An ủi những giấc ngủ đầy than thở và đầy mộng mị/ Và cứu vớt những
đời sống hận thù bạc nhược, vô sinh(Bài ca những con chim đêm).
Thứ ánh sáng có thể xoa dịu vết thương lòng, chữa lành những nỗi đau và làm ngưng những giọt nước mắt. Bởi ở “Bên kia” cửa sổ, “em” sẽ nhìn thấy “anh” qua hình hài của một ngôi sao: Em đừng khóc, đừng bao giờ khóc về chuyến đi này, hãy nhìn ra cửa sổ/ Anh sẽ ra đi từ đấy, một ngôi sao lấp lánh từ đêm anh sinh ra (Buồn hơn cái chết).
Trong Cây ánh sáng, giữa ma mị của cái ác và cái thiện, giữa tranh quyền đoạt vị của cái đẹp và cái xấu, giữa sự xứng danh “ta” và “mi”, thì ngôi sao là vật thể được lấy làm vật hóa thân mang hàm nghĩa của vĩnh cửu và hằng biến.
Hay chàng là ví dụ của một con trùng khổng lồ không cánh, của loài sói, ví dụ của đại bàng, ví dụ của ngôi sao cô độc trong vũ trụ vô tận… Thành lạc đà và thành ngôi sao xanh?
Khi hóa thân là ngôi sao, cũng là lúc Cây ánh sáng thắng thế, tỏa sáng phục sinh một đời sống không bao giờ tàn úa: Chàng quỳ xuống và ngước lên cây ánh sáng vĩ đại nhất đang tỏa mãi tán lá ban mai khổng lồ/ Miệng chàng mở những cánh đồng hoa rực rỡ và giọng nói chàng cất lên (Cây ánh sáng).
Ngôi sao cùng với ánh sáng nhỏ nhoi nhưng bền bỉ đã thắp lên trên bầu trời đêm (bóng tối) của Nguyễn Quang Thiều bao nhiêu là điều lạ. Nó chứa đựng dấu tích của linh hồn, khoảng không cao vợi của khát vọng và cái Đẹp cái thiện từ sự phục sinh một đời sống, một tâm hồn con người. Nó trở thành biểu tượng trong thơ ông, song hành với nhiều biểu tượng khác, trùng trùng ùa nhau đi về “Bên kia” ánh sáng. Mà trẻ em là người chủ đạo, cầm cây ánh sáng, cầm hạt giống, cầm ngọn đèn hạt đỗ, cầm ngọn lửa thiêng hàng triệu năm đi/ về nơi bên kia ánh sáng.