Chất trữ tình tự sự trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ nguyễn quang thiều (Trang 136)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.3.3. Chất trữ tình tự sự trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều

Theo Từ điển thuật ngữ văn họcthì thơ văn xuôi có thể kể đến Chất thơ của văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức khơi gợi, bất ngờ, chất triết lý thâm thúy, mơ mộng [33]. Có người nói rằng thơ văn xuôi khác văn xuôi ở chỗ thơ văn xuôi có hình ảnh và tứ thơ, còn thơ văn xuôi khác thơ ở chỗ mạch thơ văn xuôi chảy tràn không chịu một ràng buộc nào về niêm luật, nhưng có chất thơ thể hiện trong cảm xúc, trong cấu tứ và hình ảnh thơ.

Chất trữ tình tự sự trong thơ văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều rất đậm đặc. Chất tự sự thể hiện ở kết cấu bài thơ bao gồm hệ thống hình tượng nhân vật, sự kiện, chi tiết, âm thanh, màu sắc. Cách dùng động từ mạnh, độ liên tưởng, sức tưởng tượng cao, lối tư duy suy luận logic và phi logic đã tạo nên một mạng lưới dày đặc tính tự sự về những câu chuyện đời sống hiện tại và quá khứ. Dòng thơ cứ tràn chảy liên tiếp triền miên như mạch nước ngầm, như giọng nói thì thào trầm ấm của người bà trên giường bệnh, như lời kể chuyện, từ thế giới câu chuyện này sang thế giới của câu chuyện khác. Chính vì thế, mà kết cấu của những bài thơ văn xuôi dài được đánh số, được phân chương, khúc, như những câu chuyện tự sự được ghép lại với nhau.

Trong tập thơ Bài ca những con chim đêm, có đến ba bài thơ dài Nhân chứng của một cái chết với 19 khúc, Hồi tưởng với 12 khúc, Bài ca những con chim đêm

dài 150 câu, là những câu chuyện về cuộc đời, chồng chất những sự kiện xảy ra. Số phận, hạnh phúc, đắng cay, mất mát, rồi hy vọng với nhiều số phận con người, nhiều hướng nhìn góc cạnh, được kể liên tiếp nhau, tạo thành một trường tư tưởng. Đó là khát vọng sống, vượt qua tàn lụi chết chóc, để phục sinh: Ngước nhìn lên trong đêm mờ sao, và tôi nhận thấy/ Linh hồn của những người chết trên mảnh đất này/ Bay lượn nặng nề cùng linh hồn những chiếc thuyền thúng/ Và linh hồn những con chó chạy ra mép nước sủa/ vang đón linh hồn những ông chủ (Bài ca những con chim đêm). Chất tự sự trữ tình được thể hiện trong thơ văn xuôi mang giọng kể, cách xây dựng nhân vật, cách kết cấu các tình tiết, sự kiện. Từ thực tế, trong bóng đêm của những ngày thị xã ngập nước, cảnh vật tàn lụi, đâu đó cái chết rình rập, sự chia xa, trống trải của đàn chim lìa tổ, những con chó xa rời chủ của mình, những người đàn ông, đàn bà lang thang trên thế gian này. Kể về cuộc đời họ, những bất trắc họ phải trải qua, và cuối cùng là niềm hy vọng được phục sinh, thổn thức theo ánh sáng của những vì sao rực rỡ. Với Nhân chứng của môt cái chết, bài thơ văn xuôi thể hiện rõ tính văn xuôi trữ tình và chất tự sự của chất truyện. Ở Khúc một, tác giả kể về một hành trình đi đến cái chết vĩ đại của cá. Từ hình tượng cá, tác giả gửi gắm tư tưởng, triết luận về cuộc đời Phải chăng chúng ta cần một đôi mắt không biết chớp của bầy cá. Hay chúng ta cần một đôi vây lớn của tâm hồn… Khúc hai, nhà thơ kể về chuyện của một bầy trẻ rời công viên thị xã. Với sức liên tưởng kỳ dị, nhà thơ tưởng tượng ra câu chuyện của bầy trẻ và viên thuyền trưởng. Chính câu nói của viên thuyền trưởng là hàm ngôn của tác giả muốn gửi gắm, và nó mang màu sắc của chức năng nhân vật truyệnHãy đừng khóc con trai, nước vô tận ở bình không và chữ vô tận trong sách trắng. Khúc ba, chỉ còn lại “Tôi” lang thang trong đêm thị xã mất điện, nước ngập. “Tôi” trở về với kí ức, với những câu chuyện ngày xưa, thuở ấu thơ, khúc bốn, khúc năm.v.v. Mỗi khúc là một câu chuyện miên man và dài dằng dặc với bao nhiêu là tình tiết sự việc, sự vật xuất hiện. Khúc 19 cuối bài

thơ, tác giả trở về với thơ tự do, với những câu ngắt dòng dài ngắn, như một sự chững lại của cảm xúc.

Không riêng gì Nhân chứng của một cái chết có sự pha trộn giữa thơ tự do và thơ văn xuôi, mà chúng ta bắt gặp nhiều bài thơ như thế (Hồi tưởng, Bài ca những con chim đêm). Ở bài Bài ca những con chim đêm, từ hình ảnh một con chim đêm, tiềm thức của tác giả ngắt đứt quãng gắn kết với những hình ảnh quá khứ. Thời gian của những cậu học trò nghèo, với ông giáo già, tác giả mơ về những tiếng vọng xa xăm, người làm vườn cầm kéo cắt cả tóc của những đứa con, cắt cả tóc mình, cắt cả mây trắng, rồi linh hồn của những ông Vua, của những con bạch mã .v.v. để cuối cùng tác phẩm là nhịp hối hả hòa trộn của cảm xúc triết luận, tuôn chảy về với ánh sáng khát khao tự do.

Có thể nhận thấy thơ văn xuôi của ông không vần không nhịp, đôi khi không cả dấu câu. Tác giả còn sử dụng nhiều hư từ (và, thì, đã…), đại từ (chúng ta, họ, nó, chúng), số từ (những) làm câu thơ ngổn ngang, gồ ghề, đến trúc trắc, mà có người lại cho rằng đó là thơ “dịch xổi”, “non kém về mặt nghệ thuật”…

Bên cạnh những bài thơ văn xuôi dài trúc trắc, ít nhịp điệu thì thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều cũng có những bài mang âm hưởng nhẹ nhàng, thanh thoát, giàu chất thơ và giàu cảm xúc (Chuyển động, Những ví dụ, Chuyển dịch màu đen): Thời gian cứ lặng lẽ … lặng lẽ chảy vào chiếc bình gốm cổ khổng lồ. Những người đàn bà góa bụa làng tôi như những con cào cào áo nâu cứ khuất dần… khuất dần sau cỏ. … Những người đàn bà góa bụa làng tôi từ sau cỏ trở về. Họ đi trên ánh trăng gồ ghề dọc con đường phơi đầy rơm rạ tháng Mười. Mái tóc đẫm hương lá

bưởi của họ chảy lênh láng trong trăng (Những ví dụ.)

Hoặc: Ánh trăng im phăng phắc, những vòm cây im phắc. Bầy ốc sên bò qua giấc ngủ của cỏ và của những chiếc lá vàng rụng trên mặt đất. Chúng miết những tấm thân mền qua những mảnh chai vỡ sắc lạnh (Chuyển động).

Không chỉ có những gai sắc, gồ ghề, những thi vị giàu có mượt mà chất thơ trong thơ văn xuôi mà ngay cả truyện ngắn của ông cũng đượm chất thơ trong từng

câu chữ. Ví như truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” hay truyện “Hương khúc nếp cuối cùng”, hay truyện “Hai người đàn bà xóm trại”:

Tôi đi ra bãi sông. Mưa tháng Hai bay ngào ngạt. Năm nào cũng vật, vào những ngày đầu tiên của màu rau khúc lòng tôi lại xốn xang lạ kỳ. .. Tôi ngồi xuống, run rẩy…. Lòng tôi không kìm được. Tôi khóc.(Hương khúc nếp cuối cùng).

Cùng với thơ văn xuôi của một số tác giả khác như Thanh Thảo (Mêtro),

Nguyễn Trọng Tạo (Những tấm ảnh thời thanh xuân), Như Huy (Di chứng),

Nguyễn Quang Thiều (Những ví dụ) đã làm nên một diện mạo thơ văn xuôi và có chiều hướng “lấn sân” những địa hạt khác (thơ truyền thống và ngoài thể thơ truyền thống) trên thi đàn.

Đó là lối tư duy vực dậy từ vô thức, có tính ngẫu hứng, đứt rời không liền mạch, sự ngắt quãng của thời - không gian, sự xuất hiện chất chồng của hình ảnh biểu tượng, tạo độ sâu, tầng bậc của cảm xúc trong thơ thể thơ tự do và thơ văn xuôi, đã làm nên phong cách cho thơ Nguyễn Quang Thiều. Vừa lắng sâu lặng lẽ vừa nồng nàn nhiệt huyết, vừa muốn phá vỡ để xây dựng và gìn giữ. Trái tim của người sáng tạo phản ánh đời sống chân thực bao nhiêu thì Nguyễn Quang Thiều phản ánh hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật sâu sắc hơn bấy nhiêu. Ông giống như một người cầm máy quay lia góc kính xuống cận cảnh đến độ thấp nhất, để có độ xác thực cao nhất. Trong quá trình trở về với “cận cảnh” ấy, ông soi được những gì gồ ghề nhất, sỏi đá, khô cằn và thậm chí xấu xí nhất đồng thời cũng tinh chọn những tốt đẹp, những giá trị, thẩm mỹ nhất, khát vọng nhất trong thơ. Đó là một quá trình thơ đi đến tận cùng của cái thực nhất để đạt được đến cái siêu.

Với thơ văn xuôi, như Mai Văn Phấn, ông cũng là người thể nghiệm thể thơ văn xuôi khá nhiều trong tác phẩm. Trong tuyển tập Mai Văn Phấn [73], có đến 37 bài thơ văn xuôi và hai trường ca dài (Người cùng thời và Hình lá cỏ)/198 bài trong thơ tuyển. Nhiều bài thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn như (Những bông hoa mùa thu, Kể lại giấc mơ, Vòng cung thời gian, Di chứng), nhà thơ viết về cuộc sống hiện thực, về thế giới xung quanh chúng ta, ngồn ngộn hiện tượng và giàu chất triết luận, mang sắc nét ráo riết lạnh lùng như một bản tường thuật sự việc, nhưng ẩn

đằng sau bao nhiêu câu chữ tràn chảy đến độ ít dùng chấm phẩy như vậy là một trái tim nghệ sĩ nóng hổi luôn muốn nhanh chóng đến đích, nhanh chóng dẫn mọi người về nơi bình yên, tĩnh lặng và tinh không. Điều dễ nhận thấy là thơ văn xuôi Mai Văn Phấn nói về cuộc sống hiện thực bao nhiêu thì thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều giàu mộng tưởng, liên tưởng, phúng dụ bấy nhiêu:

Bất ngờ dưới vòng cung thời gian, em và anh gồng mình chống đỡ, những mũi tên độc bị chặn lại trong vòm trời rách toạc. Tâm bão cách chúng ta chỉ một tầm nhìn. Áp tai vào vách lũ bình yên. Từ một điểm bất kỳ tới chỗ con mèo chơi vơi miếng giẻ lau là đường chân trời. Mặt đất đang dần co lại, dựng em chất ngất, mát khôn nguôi. Chạm âm thanh em, môi anh vỡ trăm ngàn quả chuông khác nữa. Không gian mở ra những nếp gấp rộng thênh (Vòng cung thời gian).

Cũng là một cơn bão, trận lụt tàn phá xâm hại đời sống con người và thiên nhiên, nhưng với Nguyễn Quang Thiều, ông lại có cái nhìn đầy liên tưởng, ma mị, nhiều hình ảnh chớp sáng, trù cú kéo giật nhau thi đua chạy về từ cõi vô thức. Bằng lối ẩn dụ giữa hình ảnh này với hình ảnh kia, hoán dụ giữa sự vật này với con vật kia, trừu tượng hóa giữa sự vật này với sự vật kia, ông phác thảo Nhân chứng của một cái chếtđể dựng lại đầy đủ thảm cảnh, đời sống tê liệt dưới sự hủy hoại của cơn lụt, sau đó mở ra một chân trời sáng, với ánh sao dẫn đường:

Sương mù giăng như khói và mây mù che lớp lớp bầu trời. Tôi cất tiếng hỏi những ngôi mộ nhiều tuổi tác. Nhưng không một ngôi mộ nào cất tiếng trả lời tôi. Những ngôi mộ ngồi im lặng và suy nghĩ triền miên về sự sống và cái chết. Tôi nghe thì thầm một giọng nói. Và thời gian năm tháng ấy đi qua tôi náo nức, và bí ẩn, và câm lặng một niềm tin. Đêm nay trong thị xã lẻ loi, đơn điệu, nước đang lặng lẽ dâng lên. Và lặng lẽ ánh sáng ngôi sao ngập tràn trong tôi. Và tôi lại mơ bến bờ xanh tươi của đại dương đã chết (Khúc mười bốn - Nhân chứng của một cái chết).

Như Huy với Những câu phức thơ văn xuôi kéo dài đến không cần chấm câu

(Ngôn ngữ là…, Định nghĩa, Tại sao, Mô tả tình yêu từ khuôn mặt). Thơ ông đầy triết lý, biện hộ, đến khô khốc. Sự thật đời sống được Như Huybày biện ra, như xâu

chuỗi không dứt, mà người đọc phải tự ngắt để lấy hơi và để hiểu để thẩm thấu được nghĩa của nó.

Thơ văn xuôi như một bản kịch dài, với nhiều tiết tấu, nhiều phân đoạn chương màn, nhiều sự kiện nhân vật. Người sáng tạo (nhà thơ) muốn diễn, muốn dựng ra sao, là tùy vào tài năng, khả năng thẩm thấu chất sống của đời sống để đưa vào tác phẩm. Mỗi nhà thơ, cùng là một thể thơ văn xuôi nhưng họ đã làm nên sắc diện cho thơ mình, và thơ ca hiện đại Việt Nam đương thời, một cách khác nhau.

Với một phần nhỏ thơ văn xuôi trong Châu thổ, Nguyễn Quang Thiều là người đã làm nên diện mạo cho thơ mình.

Với phần thơ tự do và thơ văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều, sau khi đã khảo sát, tìm hiểu và lý giải, chúng tôi có khái quát hai biểu đồ được trình bày ở phần phụ lục: Một là Biểu đồ thơ tự do và thơ văn xuôi chưa tuyển trong sáu tập thơ đã nêu(Phụ lục 2.1). Hai là Biểu đồ thơ tự do và thơ văn xuôi đã tuyển trong Châu thổ (Phụ lục 2.2). Hai biểu đồ này cho thấy tỉ lệ và con đường cách tân dần nâng cao và chạy suốt tăng tiến của Nguyễn Quang Thiều với thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Đó là điểm mạnh từ cách viết tản văn của tác giả.

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ nguyễn quang thiều (Trang 136)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)