Yêu cầu của việc quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục

Một phần của tài liệu thực trạng công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 11 – thành phố hồ chí minh (Trang 28)

Quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục mang tính chất nhân văn nên yêu cầu phát triển nhân viên, phát triển đội ngũ được quan tâm đặc biệt. Đây là yêu cầu tối quan trọng khi thực hiện công tác quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục vì giáo dục mang tính phát triển, giáo dục vì con người, do con người và cho con người.

Quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục phải thực hiện phương châm “đúng người – đúng việc” vì đây là nguyên tắc vàng đảm bảo sự phát triển của người học – mục tiêu được xem như mục tiêu cuối cùng trong sự nỗ lực và cố gắng của bất kỳ một tổ chức giáo dục. Con người luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất, nguồn tài sản quý giá nhất của tổ chức giáo dục nên việc lựa chọn, sắp xếp con người có năng lực, phẩm chất phù hợp với các vị trí

trong bộ máy, tổ chức giáo dục được xem như nhiệm vụ hàng đầu của nhà quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục.

Quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục đòi hỏi nhà quản lý hay nhà quản trị phải biết cách khai thác tối đa các nguồn nhân lực và vật lực trong giáo dục để làm cho cả hệ thống tổ chức được phát triển mạnh nhất. Sức mạnh tổng hợp này chỉ được khai thác khi và chỉ khi nhà quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục thật sự khéo léo, có tầm nhìn và biết cách khơi gợi tiềm lực của mỗi người.

Quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục phải được xem xét trên quan điểm hệ thống. Tính hệ thống sẽ chi phối việc xác định nguồn nhân lực, tuyển chọn, sắp xếp đề bạt, đào tạo và phát triển, đánh giá nhân viên trong mối tương quan với những vấn đề và chức năng khác nhau của công tác quản trị nguồn nhân lực cũng như phải dựa trên những cơ sở khoa học của nó. Đặc biệt, tất cả phải dựa trên các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhân lực, các điều kiện thực tế.

Quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục đặc biệt phải dựa trên tình hình phát triển thực tế cũng như những dự báo phát triển giáo dục ở địa phương, trong nước, khu vực cũng như trên thế giới để những chính sách về nguồn nhân lực sẽ được xác lập một cách đúng đắn, hợp lý và khả thi. [42]

Một phần của tài liệu thực trạng công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 11 – thành phố hồ chí minh (Trang 28)