Khái niệm Quản lý giáo dục

Một phần của tài liệu thực trạng công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 11 – thành phố hồ chí minh (Trang 25)

Nhà nước quản lý mọi mặt hoạt động, trong đó có hoạt động giáo dục. Vậy quản lý Nhà nước về giáo dục là tập hợp những tác động hợp quy luật được thể chế hóa bằng pháp luật của chủ thể quản lý nhằm tác động đến các phân hệ quản lý để thực hiện mục tiêu giáo dục mà kết quả cuối cùng là chất lượng, hiệu quả đào tạo thế hệ trẻ.

- Theo M.I.Kônđacốp: "Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các mắt xích của hệ thống nhằm mục đích đảm bảo việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy luật của quá trình giáo dục, của sự phát triển thể lực và tâm lý của trẻ em".[27,tr.10]

- Theo tác giả Phạm Minh Hạc: "Quản lý nhà trường, quản lý giáo dục nói chung là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục và thế hệ trẻ và đối với từng học sinh". [21,tr.34]

- Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: "Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối, nguyên lý của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học, giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục đến mục tiêu dự kiến tiến lên trạng thái về chất".[37,tr.35]

- Tác giả Nguyễn Gia Quý thì cho rằng: "Quản lý giáo dục là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm đưa hoạt động giáo dục tới mục tiêu đã định, trên cơ sở nhận thức và vân dụng đúng những quy luật khách quan của hệ thống giáo dục quốc dân". [40,tr.12]

Khái niệm về quản lý giáo dục, cho đến nay đã có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng cơ bản đều thống nhất với nhau về nội dung, bản chất.

"Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển của xã hội". [2,tr.3]

Quản lý giáo dục gồm:

- Chủ thể quản lý: Bộ máy quản lý giáo dục các cấp.

- Khách thể quản lý: Hệ thống giáo dục quốc dân, các trường học.

- Quan hệ quản lý: Đó là những mối quan hệ giữa người học và người dạy; quan hệ giữa người quản lý với người dạy, người học; quan hệ người dạy - người học; quan hệ giữa giáo giới - cộng đồng... Các mối quan hệ đó có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, chất lượng hoạt động của nhà trường, của toàn bộ hệ thống giáo dục.

Xét về khoa học thì quản lý giáo dục là sự điều khiển toàn bộ những hoạt động của cả cộng đồng, điều khiển quá trình dạy và học nhằm tạo ra những thế hệ có đức, có tài phục vụ sự phát triển của xã hội.

- Quản lý giáo dục là một loại hình hoạt động, tuy chuyên biệt nhưng ảnh hưởng đến toàn xã hội, mọi quyết định, thay đổi của giáo dục đều có ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

- Bản thân quản lý giáo dục là hoạt động mang tính xã hội, đòi hỏi phải huy động nhân lực, nguồn lực lớn.

- Giáo dục truyền đạt, lĩnh hội những giá trị kinh nghiệm lịch sử xã hội tích luỹ qua các thế hệ. Xã hội muốn tồn tại, phát triển thì phải phát triển giáo dục - đào tạo.

Nội dung quản lý giáo dục bao gồm một số vấn đề cơ bản: xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục; ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, tiêu chuẩn cơ sở vật chất thiết bị trường học; tổ chức bộ máy quản lý giáo dục; tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; huy động quản lý sử dụng các nguồn lực...

Như vậy, "Quản lý giáo dục là tập hợp những biện pháp (tổ chức, cán bộ, kế hoạch hoá...) nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các cơ quan trong hệ thống

cả về mặt số lượng cũng như chất lượng". [40,tr.93]

Một phần của tài liệu thực trạng công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 11 – thành phố hồ chí minh (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)