Cơ sở lý luận đánh giá hiệu quả kinh doanh TDTT

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ tại một số câu lạc bộ thể dục thể thao quần chúng tại thành phố hồ chí minh (Trang 63)

Dựa vào các tài liệu về lĩnh vực chuyên ngành kinh tế các tác giả đã đưa ra nội dung và một số khái niệm khác nhau về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như sau [26]:

Hiệu quả kinh doanh là sự tăng trưởng kinh tế phản ánh nhịp độ tăng của các chỉ tiêu kinh tế. Cách hiểu này chỉ là phiến diện, nó chỉ đúng trên mức độ biến động theo thời gian.

Hiệu quả kinh doanh là mức độ tiết kiệm chi phí và mức tăng kết quả. Đây là biểu hiện của bản chất chứ không phải là khái niệm về hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả kinh doanh được xác định bởi tỷ số giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra. Hay nói đơn giản hiệu quả kinh tế là sự so sánh tỷ lệ giữa đầu tư vào và sản xuất ra sản phẩm. Có ba loại kết quả:

Đầu tư vào - sản xuất ra >1, gọi là hiệu quả dương tính Đầu tư vào - sản xuất ra < 1, gọi là hiệu quả âm tính Đầu tư vào - sản xuất ra = 1, gọi là không có hiệu quả

Như vậy, từ các khái niệm về hiệu quả kinh doanh trên ta có thể đưa ra khái niệm ngắn gọn như sau: “Hiệu quả kinh doanh là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực (lao động, máy móc, thiết bị, vốn và các yếu tố khác) nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra.” [26, tr.17]

Nâng cao hiệu quả kinh doanh là nâng cao năng suất lao động xã hội và tiết kiệm nguồn lực lao động xã hội. Đây là hai mặt có mối quan hệ mật thiết của vấn đề hiệu quả kinh tế. Để đạt được mục tiêu kinh doanh, các nhà quản lý CLB TDTT buộc phải chú trọng các điều kiện nội tại, phát huy năng lực, hiệu năng của các yếu tố cung ứng và tiết kiệm mọi chi phí. Để hiểu rõ về vai trò của việc nâng cao hiệu quả kinh doanh cần phân biệt giữa hai khái niệm hiệu quả và kết quả của hoạt động

kinh doanh. Kết quả hoạt động kinh doanh là những gì mà các CLB TDTT đạt được sau một quá trình kinh doanh nhất định, kết quả cần đạt được bao giờ cũng là mục tiêu cần thiết của nhà quản lý. Trong khi đó, khái niệm về hiệu quả kinh doanh người ta sử dụng cả hai chỉ tiêu kết quả và chi phí để đánh giá hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả kinh doanh là phải đạt kết quả tối đa với chi phí tối thiểu. Chi phí ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là chi phí để tạo ra nguồn lực và chi phí sử dụng nguồn lực. Hiệu quả kinh doanh là một trong các công cụ hữu hiệu để các nhà quản trị phân tích, tìm ra các nhân tố để đưa ra các biện pháp thích hợp trên cả hai phương diện tăng kết quả và giảm chi phí kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả. Với tư cách là một công cụ đánh giá và phân tích kinh tế, phạm trù hiệu quả không chỉ được sử dụng ở giác độ tổng hợp. Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả kinh doanh còn là sự biểu hiện của việc lựa chọn phương thức kinh doanh, để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, các nhà quản lý CLB TDTT buộc phải sử dụng tối ưu nguồn lực sẵn có:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả kinh doanh là cơ sở đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các CLB TDTT. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả kinh doanh là một đòi hỏi tất yếu khách quan đối với tất cả các CLB hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường hiện nay. Để thực hiện được như vậy thì mỗi CLB đảm bảo thu nhập đủ bù đắp chi phí bỏ ra và có lãi trong quá trình hoạt động kinh doanh. Như vậy các CLB buộc phải nâng cao hiệu quả kinh doanh một cách liên tục trong mọi khâu của quá trình hoạt động kinh doanh như là một nhu cầu tất yếu.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả kinh doanh là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh và

tiến bộ trong kinh doanh. Để đạt được mục tiêu là tồn tại và phát triển mở rộng thì cần phải có phương thức kinh doanh tốt, cung ứng dịch vụ chất lượng, giá cả hợp lý. Mặt khác, hiệu quả lao động là đồng nghĩa với việc giảm giá, chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện nâng cao...

Thứ ba, việc nâng cao hiệu quả kinh doanh chính là nhân tố cơ bản tạo ra sự

thắng lợi cho các CLB trong quá trình hoạt động kinh doanh trên thị trường. Chính sự nâng cao hiệu quả kinh doanh là con đường nâng cao sức cạnh tranh, khả năng

tồn tại và phát triển của mỗi CLB.

Phân loại hiệu quả kinh tế là cơ sở để xác định các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh, kinh doanh hiệu quả là mối quan tâm lớn nhất của tất cả các doanh nghiệp. Bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng chứa đựng 02 chức năng cơ bản, đó là chức năng xã hội và chức năng kinh tế. Do vậy, hiệu quả kinh doanh cũng luôn dược đánh giá từ 02 mặt hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế

Hiệu quả xã hội: thể hiện bởi giá trị gia tăng số lượng NTD TDTT mà các

CLB TDTT tạo ra trong suốt thời kỳ nhất định cho toàn xã hội, mức độ sử dụng tiết kiệm các nguồn lực xã hội, công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động...

Hiệu quả kinh tế: thể hiện qua lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh, mức độ tiết kiệm chi phí và các nguồn lực của CLB TDTT.

Như vậy, có doanh lợi hay không có doanh lợi phản ánh việc thực hiện hay không thực hiện được chức năng kinh tế của các CLB. Hiệu quả kinh tế mô tả mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế mà chủ thể (CLB) nhận được và chi phí bỏ ra để nhận được lợi ích kinh tế đó theo mục tiêu đặt ra.Hiệu quả kinh tế xã hội là hiệu quả mà các CLB nhận được trong quá trình thực hiện các mục tiêu xã hội như giải quyết việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thuế, vấn đề môi trường.

Trong thực tế không phải sự đầu tư tài chính nào cũng có khả năng sinh lời, tạo ra những ảnh hưởng tốt đối với nền kinh tế và xã hội. Những lợi ích mà xã hội thu được ngoài phúc lợi chính là sự đáp ứng mục tiêu phát triển sự nghiệp TDTT. Hiện nay ở nước ta, vấn đề khảo sát và phân tích tài chính của Ngành TDTT chưa được sự quan tâm đúng mức. Các nhà quản lý CLB TDTT sau mỗi kỳ kinh doanh cần so sánh, đánh giá và phân tích xu hướng, phân tích báo cáo tài chính nhằm các mục tiêu như đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và thực hiện các biện pháp tài chính của CLB TDTT. Trên cơ sở đó đưa ra các quyết định quản lý thích hợp, xác định tiềm năng phát triển của CLB TDTT và các điểm yếu cần được khắc phục.

Để ứng dụng các phương pháp toán kinh tế trong luận án, chúng tôi đã đặt giả thiết về mối liên hệ giữa hiệu quả kinh doanh TDTT (đầu vào) và cung ứng chất lượng dịch vụ TDTT (đầu ra). Bản thân nội hàm hiệu quả kinh doanh rất rộng và

được đánh giá dựa trên nhiều nhân tố như: Lợi nhuận trên doanh thu; Lợi nhuận trên vốn; Lợi nhuận trên khấu hao tài sản cố định; Lợi nhuận trên năng suất lao động; Lợi nhuận trên giá cả, mức tiêu thụ sản phẩm về mặt khối lượng, thị trường tiêu thụ, cơ chế chính sách,… Trong phạm vi nghiên cứu đề tài, chúng tôi chỉ phân tích hiệu quả kinh doanh của CLB TDTT từ góc độ kinh tế trên các chỉ tiêu như: doanh thu thuần, chi phí, lợi nhuận trước thuế (lãi gộp), lợi nhuận sau thuế (lãi ròng), tỷ suất lợi nhuận, tỷ suất chi phí, năng suất lao động và mức hao phí lao động.

Ngoài ra, còn một số chỉ tiêu đánh giá khác như: chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng TSCĐ, hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả nghiệp vụ TDTT, hiệu quả xã hội của TDTT, hiệu quả kinh tế của TDTT không được tính ở đây, vì hiện nay các CLB TDTT mà đề tài khảo sát không thể có các thông số chính xác về việc đầu tư vốn vào TSCĐ nên không thể tính toàn bộ các chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh được

(TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, công trình TDTT, thiết bị TDTT...). Tóm lại, phân tích hiệu quả kinh doanh là đánh giá toàn bộ các chỉ tiêu nhằm

làm rõ kết quả kinh doanh, xem xét mối quan hệ và tác động ảnh hưởng của từng nhân tố. Kết quả phân tích này sẽ làm rõ tiềm năng, thực chất của các hoạt động kinh doanh, góp phần cải tiến quy trình quản lý, hoàn thiện từng bộ phận để nắm bắt được những mặt mạnh, mặt tồn tại trong kinh doanh để đề xuất những giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ kinh doanh tiếp theo có hiệu quả hơn. Các nhân tố đó liên quan đến hiệu quả kinh doanh đó là doanh thu, chi phí và lợi nhuận.

Jack Welch - Giám đốc điều hành của General Electric cho rằng:“Chất lượng là sự bảo hiểm chắc nhất cho sự trung thành của khách hàng; là hàng rào vững nhất chống lại đối thủ nước ngoài và là con đường duy nhất để duy trì sự tăng trưởng và lợi nhuận”. Như vậy, hiệu quả kinh doanh dịch vụ gắn liền với chất lượng dịch vụ, do đó khi nghiên cứu hiệu quả kinh doanh dịch vụ TDTT không thể không nghiên cứu vấn đề về chất lượng dịch vụ TDTT.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ tại một số câu lạc bộ thể dục thể thao quần chúng tại thành phố hồ chí minh (Trang 63)