Khái quát chủ trương xã hội hóa TDTT của Đảng và Nhà nước

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ tại một số câu lạc bộ thể dục thể thao quần chúng tại thành phố hồ chí minh (Trang 40)

Kinh tế nói chung và kinh doanh TDTT nói riêng là một xu hướng quan trọng để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, chuyển sự nghiệp TDTT ở nước ta từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quan điểm xã hội hóa TDTT của Đảng nhằm huy động tiềm năng to lớn của nhân dân để cùng Nhà nước xây dựng một nền TDTT xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của Nhà nước và phục vụ lợi ích của nhân dân lao động. Đây có thể coi là chủ trương là điểm tựa đưa TDTT nước ta vận hành trong cơ chế thị trường:

Với mục đích: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng công trình TDTT, nâng cao chất lượng các hoạt động TDTT phù hợp với đối tượng, và nhu cầu của nhân dân; Đổi mới cơ chế tổ chức các hoạt động; khai thác triệt để công trình TDTT hiện có, nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên tập luyện TDTT, sinh hoạt hưởng thụ văn hóa và vui chơi giải trí; Phát huy vai trò quản lý nhà nước của Ngành TDTT và năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở quản lý, sử dụng công trình TDTT.

Với quan điểm: Quản lý và sử dụng công trình TDTT phải đạt hiệu quả, phát huy tối đa công năng thiết kế cho hoạt động TDTT; Góp phần tổ chức các hoạt động

văn hóa xã hội khác nhằm nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường thuận lợi để mọi người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí; Sử dụng công trình TDTT phải tuân theo các quy định của pháp luật; khuyến khích mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư, quản lý, sử dụng công trình TDTT phù hợp với quy hoạch phát triển TDTT của quốc gia và địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa: Các hoạt động TDTT ở các công trình TDTT gắn với việc mở rộng dịch vụ theo cơ chế thị trường. Tổ chức đa dạng các loại hình hoạt động để phục vụ các tầng lớp xã hội. Chú trọng phát triển nhiều loại hình liên kết hoạt động phục vụ cộng đồng nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển sự nghiệp TDTT; Xác định loại hình dịch vụ để tăng cường phát triển KTTT, xác định rõ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh TDTT, thúc đẩy, đổi mới hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa nhà nước, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh TDTT ở trong và ngoài nước, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Từng bước chuyển giao các hoạt động tác nghiệp sự nghiệp trong hoạt động TDTT cho các cơ sở dịch vụ công TDTT thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

Những chủ trương, chính sách của Nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức các hoạt động TDTT chuyển mạnh mẽ theo cơ chế hoạt động kinh doanh TDTT:

Chính sách phát triển TDTT đã được quy định tại Pháp lệnh Thể dục, thể thao do Quốc hội ban hành ngày 9/10/2000 đã cụ thể hóa nhiệm vụ và phương hướng phát triển các cơ sở dịch vụ TDTT trong nền kinh tế thị trường đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước: Điều 2,3,4 chương I Pháp lệnh Thể dục thể thao đã nêu: “….Đầu tư thỏa đáng cho TDTT, quy hoạch đất đai làm sân bãi cơ sở cho TDTT, công trình thể thao công cộng.”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần IX năm 2001 và quan điểm về phát triển TDTT, Văn kiện Đại hội IX [103] đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích nhân dân

và các tổ chức tham gia thiết thực, có hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và bảo trợ các hoạt động văn hóa, thể thao. Phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, thể thao phong phú và lành mạnh”.

Triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng IX ngày 23/10/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17 CT/TW về phát triển TDTT đến năm 2010 [103], Chỉ thị nêu rõ: “Đẩy mạnh hoạt động TDTT, nâng cao thể trạng và tầm vóc của người Việt nam, phát triển phong trào TDTT quần chúng với mạng lưới rộng khắp, đẩy mạnh xã hội hóa TDTT… đổi mới cơ bản các hình thức và biện pháp quản lý của Nhà nước về TDTT, tạo cơ hội phát triển kinh tế thể thao…” Như vậy, thực hiện chủ trương xã hội hóa TDTT là giải pháp quan trọng làm tăng sản nghiệp, tăng nguồn thu cho TDTT.

Quan điểm và định hướng chung về chuyển đổi cơ sở thể thao công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ được định hướng toàn diện trong Nghị quyết 05/2005/NQ- CP ngày 18/4/2005 [103] của Chính phủ đã nhấn mạnh: "Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận (gọi tắt là cơ chế cung ứng dịch vụ): có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi...; thường xuyên nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, sản phẩm; bảo đảm quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng. Đổi mới chế độ thu phí đi đôi với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo. Mức phí quy định theo nguyên tắc đủ trang trải các chi phí cần thiết, có tích luỹ để đầu tư phát triển và xoá bỏ mọi khoản thu khác. Người thụ hưởng có quyền lựa chọn cơ sở cung ứng dịch vụ phù hợp với từng lĩnh vực".

Văn kiện Đại hội Đảng X (2006) đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao cả về quy mô và chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp TDTT. Từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp thể dục, thể thao công lập sang áp dụng chế độ tự chủ tài chính, tiến

tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện như các tổ chức cung ứng dịch vụ công cộng khác”. [104, tr.221]

Triển khai quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Chính phủ đã ban hành các chính sách xã hội hóa trong đó có xã hội hóa các hoạt động TDTT:

Chính phủ ban hành Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về “Chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập”, trong đó đã xác định: “Cơ sở ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tự bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước và hoạt động theo quy định của luật pháp”. [104] (Điều 2, Nghị định 53/2006/NĐ-CP).

Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về “Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”. Điều đó cho thấy chủ trương xã hội hóa của Đảng được thể chế hóa đã trở thành điểm đòn bẩy đổi mới các chính sách văn hóa - xã hội phù hợp với nền kinh tế thị trường trong bối cảnh, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị khuyến khích phát triển KTTT: “Quan tâm phát triển công nghiệp dụng cụ, trang thiết bị thể thao và hoạt động kinh tế phù hợp để tạo các nguồn thu trong thể thao”.

Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến 2020.

Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 06 năm 2014 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính Phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, các Nghị định nêu trên sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong thời gian tới.

Tóm lại, triển khai các Nghị định của Chính phủ đã nêu trên, để giải quyết những vấn đề tồn tại trong thực tiễn, cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các công trình TDTT công lập giai đoạn 2015- 2020. Nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, nội dung và phương thức tổ chức khai thác sử dụng các công trình TDTT đúng mục đích, phát huy hết công năng sử dụng. Tăng nguồn thu, giảm nguồn chi của Nhà nước, bù đắp cho chi phí hoạt động TDTT và duy tu bảo dưỡng công trình phù hợp quan điểm đường lối của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, những quan điểm, chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước đã được khái quát trên đây là cơ sở lý luận và là cơ sở pháp lý để đề tài vận dụng vào thực tiễn nghiên cứu những giải pháp để phát triển việc kinh doanh TDTT tại các CLB TDTT quần chúng ở Tp.HCM. Vấn đề là chúng ta phải làm kinh tế trong thể thao hay được gọi là KTTT để tạo ra nguồn tiền cho thể thao. Cho nên, yêu cầu được đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể sử dụng tối đa và hợp lý tất cả các điều kiện thuận lợi, ưu thế và khả năng của các câu lạc bộ TDTT quần chúng trên con đường làm KTTT.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ tại một số câu lạc bộ thể dục thể thao quần chúng tại thành phố hồ chí minh (Trang 40)