2. Hộ tịch
2.2.2. Các quy định riêng về việc lập giấy khai sinh Khai việc sinh
Người khai việc sinh, trên nguyên tắc, là cha, mẹ hoặc người thân thích của người được khai sinh (Nghị định số 158/2005/NĐ-CP Điều 14). Trường hợp trẻ bị bỏ rơi, người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh (Nghị định số 158/2005/NĐ-CP Điều 16 khoản 2)
Việc khai sinh phải được thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh của trẻ (Nghị định số 158/2005/NĐ-CP Điều 14). Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh sau 30 ngày, kể từ ngày phát hiện mà không tìm được cha, mẹ (Nghị định đã dẫn Điều 16 khoản 2).
Trong trường hợp khai sinh quá hạn hoặc khai lại việc sinh, thì người phải khai vẫn là cha, mẹ, người thân thích, người đại diện theo pháp luật của người được khai sinh hoặc chính người được khai sinh, nếu người này có đủ năng lực hành vi.
Nơi đăng ký khai sinh (Nghị định đã dẫn Điều 13 và Điều 49). 1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.2. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.3. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó. 4. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người nước ngoài, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ, nếu họ có yêu cầu. 5.Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ. 6.Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha là
công dân Việt Nam.
Nội dung giấy khai sinh. Giấy khai sinh được lập theo mẫu do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý việc phát hành. Ta chỉ lưu ý một vài điểm:
- Ngày sinh là ngày trẻ được sinh ra; trong trường hợp khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi và không rõ ngày sinh, thì ngày phát hiện trẻ được coi là ngày sinh (Nghị định đã dẫn Ðiều 21). - Nơi sinh của trẻ bị bỏ rơi, trong trường hợp không thể được xác định, thì được quy ước là nơi lập biên bản về việc phát hiện trẻ bị bỏ rơi (Nghị định đã dẫn Ðiều 16 khoản 3). - Phần khai về cha, mẹ của trẻ bị bỏ rơi được để trống (Ðiều 16). Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì tên của cha, mẹ nuôi được ghi vào phần khai về cha, mẹ; nhưng trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu29 (cùng điều luật).