2. SỞ HỮU CHUNG
2.3. Sở hữu chung của cộng đồng
Theo định nghĩa của luật viết hiện hành, “Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng.” (BLDS Điều 220 khoản 1)
Chủ thể của sở hữu cộng đồng - có thể là một pháp nhân, nhưng thông thường chỉ là những nhóm thực tế (groupement de fait) hình thành từ việc liên kết những người có quan hệ huyết thống, có chung một tín ngưỡng dân gian hoặc cư trú trên cùng một địa bàn và có sự quan tâm chung đối với cùng một hoặc nhiều vấn đề tâm linh, lịch sử, văn hoá,..., thậm chí những vấn đề của đời sống vật chất hàng ngày.
Tài sản thuộc sở hữu cộng đồng - thường là bất động sản.
Thực hiện quyền sở hữu - Theo BLDS Điều 220 khoản 2, các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Việc quản lý tài sản cộng đồng được giao cho một thành viên do cộng đồng chỉ định phù hợp với tập quán và với các quy ước được mặc nhiên chấp nhận trong cộng đồng. Người quản lý thực hiện công việc của mình dưới sự giám sát của cộng đồng và hầu như không thể bị thay thế cho đến khi chết, trừ trường hợp có sai sót nghiêm trọng trong việc quản lý gây thiệt hại cho cộng đồng. Về mặt lý thuyết tài sản thuộc sở hữu cộng đồng có thể được chuyển nhượng; có thể dùng
làm vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và, do đó, có thể bị kê biên. Tuy nhiên, cho đến nay, việc kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng còn chưa được ghi nhận trong thực tiễn áp dụng pháp luật.