Cách thức phân loại này được xây dựng căn cứ vào mức độ hao mòn khi sử dụng của tài sản.
- Vật tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng một lần thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
- Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng, tính năng sử dụng như ban đầu.
Chúng ta có thể lấy rất nhiều ví dụ cho hai loại tài sản này. Thức ăn, nguyên nhiên liệu là vật tiêu hao. Quần áo, xe máy, TV, ...là những vật không tiêu hao. Tiền là vật tiêu hao không phải do sử dụng mà do được dùng để thanh toán trong lưu thông. Những bất động sản là vật không tiêu hao...
Vật tiêu hao có thể biến mất hoàn toàn về mặt vật chất sau lần sử dụng đầu tiên; cũng có những vật tiêu hao không hoàn toàn biến mất nhưng không còn mang tính chất, hình dáng và tính năng ban đầu sau một lần sử dụng mà lại mang tính chất, hình dáng, tính năng của một vật khác. Chẳng hạn như băng cassette, đĩa CD,... Và có những vật, khi qua một lần sử dụng không mất đi về mặt vật chất và qua nhiều lần sử dụng vẫn giữ được tính chất, hình dáng, tính năng ban đầu nhưng lại giảm giá trị rất nhanh và sẽ được thay thế sau một thời gian ngắn. Ta gọi đó là vật tiêu dùng - loại vật trung gian giữa vật tiêu hao và vật không tiêu hao. Ví dụ như tập, vở, bút viết, quần áo, đồ gia dụng... Danh sách sản phẩm tiêu dùng được bổ sung theo sự phát triển của xã hội và sự rút ngắn của chu kỳ đổi mới công nghệ. Tất cả các tài sản tiêu dùng đều là động sản.
BLDS chỉ nêu ra lợi ích của việc xác định tài sản nào đó là vật tiêu hao hay không tiêu hao tại Điều 178, khoản 1 BLDS như sau:“ Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp
đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn”. Nghĩa là các tài sản có thể cho thuê, cho mượn không thể là những vật tiêu hao. Thật vậy, đối với tài sản tiêu hao, sử dụng đồng nghĩa với định đoạt và chuyển quyền sử dụng bao hàm cả việc chuyển quyền sở hữu. Tài sản tiêu hao không thể cho thuê, cho mượn nhưng lại có thể cho “mượn” để tiêu dùng hay định đoạt. Loại giao dịch này luật viết hiện hành gọi tên là hợp đồng vay tài sản (Điều 471 BLDS). Khi
đó, người vay nhận tài sản, sau một thời gian (sử dụng tự do), phải trả lại cho người cho vay vật cùng loại có giá trị tương đương với vật đã vay trước đó. Loại giao dịch này khá phổ biến trong cuộc sống (như vay tiền, vay gạo...) cũng như trong giao dịch kinh doanh (vay hàng, vay vật tư...).