Thay đổi họ và tên

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 30)

1. Họ và tên

1.3. Thay đổi họ và tên

1.3.1.Thay đổi họ.

Các trường hợp. Theo khoản 1 Ðiều 29 BLDS 1995, việc thay đổi họ được cho phép trong những trường hợp sau đây:

1 - Theo yêu cầu của đương sự, mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

2 - Theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ tên mà cha, mẹ đẻ đã đặt;

3 - Theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; 4 - Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

5 - Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc từ nhỏ mà tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; 6 - Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

BLDS năm 2005 giữ nguyên các trường hợp này, đồng thời ghi nhận thêm trường hợp đổi họ, tên do đã xác định lại giới tính (Điều 27 khoản 1 điểm e).

Nhận xét. Điều nhận xét đầu tiên là, dù luật không khẳng định rành mạch bằng một quy tắc viết, có thể thừa nhận nguyên tắc theo đó họ của cá nhân không thể thay đổi. Việc thay đổi họ chỉ được ghi nhận như các ngoại lệ trong các trường hợp do pháp luật quy định. Giải pháp này phù hợp với bản chất của họ - dấu hiệu của nguồn gốc gia đình. Cũng chính vì họ không thể thay đổi, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, mà việc tự tiện thay đổi họ đồng nghĩa với việc sử dụng họ tên giả.

Mặt khác, việc thay đổi họ, trong những trường hợp được pháp luật dự kiến, chỉ được thực hiện trên cơ sở có yêu cầu của những người có liên quan chứ không bao giờ là hệ quả đương nhiên của một giao dịch hoặc một sự kiện pháp lý (ví dụ, nhận con nuôi)20. Điếu chắc chắn là người có họ được thay đổi, trong điều kiện có đủ năng lực hành vi dân sự, phải đồng ý về việc thay đổi đó: không thể có sự thay đổi họ mang tính áp đặt21. Thậm chí, trong trường hợp người có họ cần được thay đổi chưa thành niên, thì sự đồng ý của người này là điều kiện bắt buộc, nếu người này đã đủ 9 tuổi trở lên (BLDS năm 2005 Điều 27 khoản 2). - Trường hợp thứ nhất ghi trên, theo tập quán, chỉ được áp dụng đối với việc thay đổi tên: “họ” trước hết là một giá trị tinh thần, giá trị đạo đức; nói rằng mang một họ nào đó, thì sẽ bị mất danh dự... là một hành vi có tác dụng phủ nhận nguồn gốc và bị coi như phi đạo đức22. - Trường hợp xác định lại giới tính, hẳn đương sự cũng chỉ có quyền đổi tên chứ không có quyền đổi cả họ. Nói rõ hơn, thay đổi giới tính tự nó không thể là lý do để xin thay đổi họ.

Thủ tục. Khác với luật của nhiều nước, luật Việt Nam quy định thủ tục thay đổi họ trong khuôn khổ thay đổi nội dung chứng thư hộ tịch, chính xác hơn nữa là thay đổi nội dung giấy khai sinh23. Thủ tục thay đổi nội dung giấy khai sinh, về phần mình, là thủ tục thống nhất, được áp dụng chung cho tất cả các trường hợp xin thay đổi nội dung giấy khai sinh:

20 Trong luật của Pháp, một khi được nuôi trọn (adoption plénière) người con nuôi đương nhiên mang họ của người nuôi.

21 Luật không có quy định gì đặc biệt về trường hợp đổi họ cho người không có năng lực hành vi. Tuy nhiên, trong logic của sự việc, có thể thừa nhận rằng một khi các yếu tố của những trường hợp được dự kiến trong luật có đủ, thì người giám hộ của người không có năng lực hành vi có quyền yêu cầu đổi họ cho người được giám hộ. Người bị hạn chế năng lực hành vi, về phần mình, có vẻ có quyền tự mình xin thay đổi họ mà không cần sự đồng ý của người đại diện, bởi chế độ hạn chế năng lực hành vi trong luật Việt Nam chỉ chi phối các giao dịch liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi: xem số và kế tiếp.

22 Về mặt lý thuyết có thể hình dung trường hợp con không mang họ của cha, mẹ ruột mà mang họ của một người khác, dù không phải do lưu lạc. Khi đó, việc thay đổi nhằm mục đích để cho con mang họ cha hoặc họ mẹ có thể được thực hiện với lý do được nêu trong trường hợp này.

23 Trong luật của Pháp, việc thay đổi họ được tiến hành theo các thủ tục riêng, kết thúc bằng một bản án hoặc một quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi họ. Chính bản án hoặc quyết định ấy là cơ sở để tiến hành thủ tục cải chính chứng thư hộ tịch

không có thủ tục riêng đối với việc thay đổi họ và thủ tục riêng áp

dụng đối với một yêu cầu thay đổi nào đó khác. Thủ tục này được ghi nhận tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005, sẽ được nghiên cứu sau.

1.3.2.Thay đổi tên

Các trường hợp. Như đã biết, BLDS năm 2005 (và cả BLDS năm 1995) không phân biệt các trường hợp thay đổi họ và các trường hợp thay đổi tên: Điều 27 khoản được áp dụng chung cho cả việc thay đổi họ và tên. Thực ra, việc thay đổi tên thường được yêu cầu trong trường hợp a của khoản 1 Ðiều 27 và có thể trong trường hợp thay đổi giới tính, dự kiến tại điểm e khoản 1 của Điều luật.

Việc xác định thế nào là tên gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó không phải là việc đơn giản. Chắc chắn, một tên đặt bằng một từ ngữ thô tục có thể khiến người mang tên đó cảm thấy tủi hổ và muốn rũ bỏ. Có trường hợp một người xuất thân từ một gia đình nghèo và mang một tên quê mùa hay buồn cười, nay thành đạt và giàu có, mong muốn thay đổi một tên khác phù hợp với thành phần xã hội của mình. Cũng có trường hợp một tên vốn bình thường, nhưng sau một sự kiện nào đó, lại trở thành biểu tượng của điều ác, điều xấu, khiến người có tên đó không muốn mang nó nữa24. Có tên chỉ thích hợp với một thời kỳ lịch sử nào đó; khi thời kỳ đó qua đi, thì tên trở nên cổ lỗ, không còn phù hợp với cuộc sống mới.

Trong trường hợp giới tính của một người thay đổi, việc đổi tên tỏ ra cần thiết,một khi tên được mang trước lúc thay đổi giới tính chỉ phù hợp với giới tính cũ. Việc đánh giá tính phù hợp hay không phù hợp của tên với giới tính hẳn phải dựa vào tục lệ đặt tên của vùng, địa phương nơi cư trú của người có tên đó. Ví dụ, ở miền Nam Việt Nam hầu như không có người nào thuộc giới tính nam mang tên Phượng; bởi vậy, một cô gái miền Nam tên Phượng, sau khi chuyển đổi giới tính, có lý do chính đáng để xin đổi một tên khác.

Trong các trường hợp còn lại, các yêu cầu thường chỉ dừng lại ở việc thay đổi họ. Tuy nhiên, có những người .

Người yêu cầu và thủ tục. Người yêu cầu thay đổi tên là chính đương sự hoặc cha mẹ hay người đại diện, trong trường hợp đương sự không có năng lực hành vi. Thủ tục thay đổi tên, trong khung cảnh của luật thực định, cũng được thực hiện giống như thủ tục thay đổi họ, nghĩa là trong khuôn khổ thủ tục thay đổi nội dung giấy khai sinh, sẽ được phân tích sau.

1.3.3.Hệ quả của việc thay đổi họ tên.

Không ảnh hưởng đến nhân thân. Tất nhiên, sau khi thay đổi họ tên, đương sự được quyền yêu cầu cải chính nội dung của các giấy tờ tuỳ thân của mình cho phù hợp với tên mới25. Việc thay đổi họ tên không có tác dụng làm thay đổi lai lịch, nhân thân của đương sự. Đơn giản, trước khi họ tên thay đổi, đương sự mang họ tên cũ; sau khi họ tên thay đổi, đương sự mang họ tên mới. Về mặt pháp lý, hai người, được chỉ định bằng hai họ tên khác nhau, chỉ là một.

Tất nhiên, sau ngày họ tên thay đổi, họ tên mới của đương sự trở thành họ tên thật26 và đương sự có nghĩa vụ sử dụng họ và tên đó trong tất cả các trường hợp giao dịch mà theo quy định của pháp luật, đương sự phải sử dụng họ tên thật. Thế nhưng, "việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi. chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ tên cũ (BLDS năm 2005 Điều 27 khoản 3). Người có họ tên được thay đổi tiếp tục là chủ thể của các quan hệ xác lập dưới tên cũ và tiếp tục có các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ ấy: người vay nợ của Ngân hàng, sau khi đổi họ, tên, tiếp tục là người có nghĩa vụ trả nợ vay đối với ngân hàng, dưới họ, tên mới. Ngay cả trong trường hợp các quan hệ pháp luật xác lập trước ngày thay đổi họ và tên đã chấm dứt, thì các quan hệ ấy vẫn tiếp tục gắn với người có

24 Ví dụ, một người khác cùng tên thực hiện một tội ác ghê tởm đến mức cứ nhắc đến tên đó, thì mọi người lại nghĩ đến tội ác đó

25 Chắc chắn, đương sự có quyền xin cải chính nội dung của các chứng thư hộ tịch và chứng minh thư, hộ chiếu của mình. Tuy nhiên, trong khung cảnh của luật thực định, không chắc đương sự có quyền yêu cầu thay đổi nội dung các giấy tờ khác gắn với nhân thân, ví dụ, bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận huân, huy chương,...

họ tên được thay đổi, như là một phần lịch sử của người đó27.

2.Hộ tịch

Tình trạng nhân thân và chứng thư hộ tịch. Cá nhân được phân biệt với cá nhân khác bằng việc xác định những yếu tố tạo thành tình trạng nhân thân. Quan niệm cổ điển chỉ coi như chất liệu của tình trạng nhân thân những yếu tố gắn liền cá nhân với Nhà nước và gia đình: quốc tịch, quan hệ cha-con, mẹ-con và quan hệ vợ chồng. Trong quan niệm hiện đại, các yếu tố cấu thành tình trạng nhân thân rất đa dạng: tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, tình trạng hôn nhân và gia đình, dân tộc, quốc tịch,...

Một số yếu tố cơ bản của tình trạng nhân thân được chính thức ghi nhận trong những giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập, gọi là chứng thư hộ tịch.

Khái niệm chứng thư hộ tịch. Ðó là văn bản do cơ quan Nhà nước lập nhằm ghi nhận những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Ba loại chứng thư hộ tịch quan trọng nhất là giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và giấy chứng tử.

Ta lần lượt tìm hiểu tổ chức hệ thống hộ tịch, lập chứng thư hộ tịch, hiệu lực của chứng thư hộ tịch và cải chính hộ tịch.

2.1.Tổ chức hệ thống hộ tịch

Cơ quan hộ tịch. Theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/05 cơ quan hộ tịch trong luật Việt Nam hiện hành được phân thành ba nhóm: cơ quan quản lý, cơ quan quản lý và đăng ký và cơ quan giúp việc. Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao là các cơ quan quản lý hộ tịch. UBND cấp tỉnh là cơ quan quản lý hộ tịch trong phạm vi tỉnh và có trách nhiệm tiến hành việc đăng ký hộ tịch cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về hộ tịch. UBND cấp huyện là cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch trong phạm vi huyện. Sở Tư pháp và phòng Tư pháp

là cơ quan giúp việc cho UBND cấp mình trong công tác hộ tịch28. UBND cấp xã là cơ quan quản lý hộ tịch trong phạm vi xã và có trách nhiệm đăng ký hộ tịch cho người Việt Nam thường trú tại Việt nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Cơ quan lãnh sự là cơ quan quản lý hộ tịch trong phạm vi quản hạt lãnh sự và trách nhiệm đăng

ký hộ tịch cho cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Biểu mẫu, sổ sách, hồ sơ hộ tịch. Biểu mẫu, sổ đăng ký hộ tịch được lập theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp quy định. Sổ hộ tịch phải được lưu trữ, bảo quản để sử dụng lâu dài; phục vụ cho hoạt động quản lý của Nhà nước. Mỗi loại việc hộ tịch phải được đăng ký vào 2 quyển sổ (đăng ký kép), 1 quyển lưu tại ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký hộ tịch; 1 quyển chuyển lưu tại ủy ban nhân dân cấp huyện. Những việc hộ tịch thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp và ủy ban nhân dân cấp huyện, thì chỉ đăng ký vào 1 quyển và lưu tại Sở Tư pháp và ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, thì chỉ cần lập 1 quyển và lưu tại ủy ban nhân dân cấp xã (Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/05 Điều 70).

2.2.Lập chứng thư hộ tịch

2.2.1.Những người tham gia vào việc lập chứng thư hộ tịch

Người lập chứng thư hộ tịch. Người lập chứng thư hộ tịch là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2007 quy định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ký giấy chứng nhận kết hôn, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/05 quy định Giám đốc Sở tư pháp có thẩm quyền ký chứng thư hộ tịch như giấy khai

27 Ví dụ, người đã từng đạt một thành tích thể thao dưới họ tên cũ tiếp tục được ghi nhận là người có thành tích đó, nhưng dướI một tên mới.

28 Trên thực tế, ở cấp tỉnh, chính Sở tư pháp là cơ quan trực tiếp đăng ký hộ tịch; còn UBND là cơ quan quyết định (dưới danh nghĩa cơ quan đăng ký hộ tịch) việc cho hay không cho đăng ký.

sinh, giấy chứng tử,…

Cán bộ Tư pháp hộ tịch chịu trách nhiệm soạn thảo chứng thư hộ tịch do Chủ tịch UBND cấp xã ký; cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm soạn thảo chứng thư hộ tịch do Chủ tịch UBND cấp huyện ký; cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp chịu trách nhiệm soạn thảo chứng thư hộ tịch do Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Giám đốc Sở tư pháp ký, đồng thời giúp ủy ban nhân dân cấp tương ứng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong đăng ký và quản lý hộ tịch.

Người khai. Người khai là người đến cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận với người lập chứng thư hộ tịch về việc xảy ra sự kiện cần được ghi nhận bằng chứng thư hộ tịch. Trong việc đăng ký kết hôn, người khai là những người kết hôn. Trong việc khai sinh và khai tử, người khai là người thân thích của người có tên trong chứng thư hộ tịch hoặc một cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người làm chứng. Vai trò của người làm chứng chỉ được ghi nhận trong thủ tục lập một vài loại chứng thư hộ tịch (Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/05).

- Làm chứng việc đăng ký khai sinh trong trường hợp trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế.

- Làm chứng việc khai tử cho người chết không rõ tung tích. Đối với người chết trên phương tiện giao thông, thì người chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông phải lập biên bản xác nhận việc chết, có chữ ký của ít nhất hai người cùng đi trên phương tiện giao thông đó. Biên bản xác nhận việc chết thay cho Giấy báo tử. Đối với người chết tại nhà ở nơi

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 30)