Sở hữu nhà chung cư

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 132)

2. SỞ HỮU CHUNG

2.5. Sở hữu nhà chung cư

Dẫn nhập - Vào thời kỳ chiến tranh cũng như trong những năm đầu thống nhất đất nước, ở miền Bắc, chung cư được biết đến với tên gọi “khu tập thể” là nơi cư trú của những người làm việc cùng một cơ quan hoặc ít ra có cùng nghề nghiệp. Dưới cơ chế bao cấp, việc sử dụng nhà ở tập thể hoàn toàn không mất tiền.trong cơ chế mới, các khu tập thể vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng người cư trú phải trả tiền như những người thuê nhà ở. Các chung cư theo nghĩa đích thực xuất hiện đầu tiên ở các đô thị miền Nam trong thời kỳ chiến tranh. Đó coi như là giải pháp tối ưu cho các bài toán về nhà ở cho các tầng lớp người lao động có thu nhập cố định và tương đối thấp. Cho đến năm 1975, loại hình sở hữu này tồn tại một cách tự phát, luật viết không có quy định đối với nó. Cùng với việc xác lập và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường, khu tập thể được chuyển dần thành khu nhà ở tư nhân thông qua chính sách hoá giá. Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế thành lập theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước cho thuê đất để kinh doanh địa ốc, cũng tiến hành xây dựng các chung cư mới rồi phân thành các căn hộ và bán rộng rãi cho tư nhân. Tại các đô thị lớn (như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) đã xuất hiện các chung cư cao cấp gồm những căn hộ được trang bị tiện nghi nội thất hiện đại, được bán cho những người có điều kiện và nhu cầu mua.

Luật nhà ở 2005 Điều 70 khoản 1 quy định nhà chung cư có phần sở hữu riêng của từng hộ gia đình, cá nhân và phần sở hữu chung của tất cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà chung cư. Như vậy, người có quyền sở hữu đối với nhà chung cư ở trong một tình trạng pháp lý rất đặc biệt: có quyền sở hữu tư nhân theo đúng nghĩa của luật chung đối với căn hộ của mình, nhưng chỉ có quyền sử dụng chung cùng với tất cả những người khác trong chung cư, đối với mái nhà, cầu thang, sân chơi, nơi để xe,... Các quy tắc liên quan đến quyền sở hữu chung theo phần không đủ để điều chỉnh các quan hệ sở hữu đối với loại tài sản này (sở hữu chung theo phần luôn có thể chấm dứt do hiệu lực của việc phân chia tài sản chung; trong khi các phần chung của chung cư được duy trì bắt buộc chừng nào chung cư còn tồn tại). Các quy tắc của sở hữu tư nhân theo nghĩa thông thường - sở hữu của một người - cũng không thể được coi là cơ sở pháp lý duy nhất của hình thức sở hữu này (một bất động sản tư nhân biệt lập tồn tại tự thân; trong khi một tầng lầu hoặc một phần của tầng lầu tạo thành căn hộ không thể tồn tại như một tài sản mà không có các phần chung của chung cư).

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)