Các đặc điểm của tài sản vô hình

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 98)

1.1.Là kết quả của lao động sáng tạo

Không phải là vật chất nhưng có quan hệ với vật chất - Tài sản vô hình, đúng như tên gọi của nó, không được nhận biết bằng giác quan của con người mà muốn nhận biết được, phải thông qua những ý niệm về mối quan hệ giữa người có quyền khai thác lợi ích của tài sản và người thứ ba. Quyền tác giả đối với một bài hát có đối tượng không phải là bài hát đó; hay một tên gọi xuất xứ không phải là đối tượng của quyền đối với tên gọi, xuất xứ

của sản phẩm, hàng hóa đó. Bài hát, tên gọi xuất xứ,... chính là hình thức biểu hiện cụ thể bằng vật chất của kết quả lao động sáng tạo và chính kết quả này mới là đối tượng của các quyền trên.

1.2.Không phải là quyền chủ nợ cũng không gắn liền với vật thể.

Quyền sở hữu đối với tài sản vô hình không có đối tượng là một nghĩa vụ tài sản do người khác thực hiện. Tác giả sẽ được hưởng nhuận bút khi tác phẩm của mình được sử dụng (xuất bản, biểu diễn...); tác giả của một sáng chế sẽ được trả thù lao khi sáng chế của mình được đưa vào ứng dụng trong đời sống hoặc trong sản xuất, kinh doanh.

Quyền đối với tài sản vô hình không có đối tượng là một vật hữu hình. Bởi lẽ tác phẩm, suy cho cùng là ý niệm về một công trình trí tuệ; bài hát, công trình nghiên cứu... chỉ là cách ghi nhận, cách thể hiện ý niệm đó trong không gian và thời gian.

1.3.Nội dung quyền sở hữu đối với tài sản vô hình với quyền sở hữu theo luật chung Không thể đồng nhất Không thể đồng nhất

Luật viết Việt Nam chính thức sử dụng thuật ngữ “quyền sở hữu” để chỉ mối quan hệ giữa tài sản vô hình và người có quyền khai thác lợi ích từ tài sản mà không phải thông qua hợp đồng sử dụng tài sản với người khác. Dẫu sao, quyền sở hữu đối với tài sản vô hình không thể tương đồng với quyền sở hữu theo luật chung. Chắc chắn, tài sản vô hình không thể chiếm hữu được, nghĩa là không thể nằm trong phạm vi kiểm soát vật chất của con người như những loại tài sản khác (bàn ghế, tập vở, bút viết...). Trong trường hợp quyền sở hữu đối với tài sản vô hình bị xâm hại thì chủ sở hữu có quyền khởi kiện hay khiếu nại trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích của mình chứ không thể kiện đòi lại tài sản.

Quyền sở hữu có thời hạn - Quyền sở hữu tài sản vô hình thường có thời hạn. Các quyền tài sản của tác giả tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh được bảo hộ 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Các quyền tài sản của tác giả tác phẩm không thuộc loại hình trên được bảo hộ trong suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết (Luật sở hữu trí tuệ 2005 Điều 27 khoản 2). Độc quyền sáng chế hết hiệu lực sau 20 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ; sau 10 năm đối với độc quyền giải pháp hữu ích; sau 15 năm đối với độc quyền kiểu dáng công nghiệp ( Luật sở hữu trí tuệ 2005 Điều 93).

Quyền sở hữu đối với tài sản vô hình và người thứ ba - Nội dung vật chất của các quyền sở hữu đối với tài sản vô hình chỉ có thể xây dựng với sự tham gia của người thứ ba, có thể là khán thính giả, người tiêu dùng...gọi chung là khách hàng. Tài sản hữu hình, trái lại, tồn tại tồn tại tự nó và có thể trở thành đối tượng của một quyền sở hữu hoàn chỉnh bằng việc xác lập mối quan hệ giữa tài sản với chủ sở hữu mà không cần sự tham gia của người thứ ba.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 98)