1. Ðại diện cho người chưa thành niên
1.1.2.2. Nghĩa vụ và quyền của người giám hộ
1.1.2.2.1.Nghĩa vụ của người giám hộ
Các nghĩa vụ của người giám hộ đối với người chưa thành niên được quy định tại các Ðiều 65 và 66 BLDS. Nội dung của nghĩa vụ được xác định tuỳ theo giám hộ mang tính chất toàn phần hay một phần.
Giám hộ toàn phần. Các nghĩa vụ của người giám hộ toàn phần có thể được chia thành hai nhóm: nghĩa vụ mang ý nghĩa thay thế chức năng của cha mẹ và nghĩa vụ của người quản trị tài sản.
Thay thế cha mẹ, người giám hộ dành cho người được giám hộ sự chăm sóc, giáo dục của gia đình. Mặc dù luật không nói rõ, có vẻ như tất cả các nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục của cha mẹ đối với con chưa thành niên đều rảng buộc người giám hộ. Tất nhiên người giám hộ không nuôi dưỡng người được giám hộ bằng chi phí của mình; nhưng cung cách nuôi dưỡng (bằng
69 Vấn đề là chế định giám sát việc giám hộ và cả chế định giám hộ không phải là một phần của truyến thống pháp lý Việt Nam. Bởi vậy, khó có thể tìm trong tục lệ những quy tắc liên quan. Việc chăm sóc người thân, bao gồm trẻ em và người không nhận thức được hành vi của mình, thường không chịu sự chi phối của tình cảm, đạo đức hơn là các chuẩn mực khách quan.
70 Thực ra, Điều 46 khoản 2 chỉ nhắc đến sự đồng ý của cha mẹ. Ta có được giải pháp nêu trên nhờ nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật
chi phí của người được giám hộ) cũng phải theo khuôn mẫu của việc nuôi dưỡng mà cha mẹ dành cho con. Việc giáo dục người được giám hộ cũng mang đầy đủ các đặc điểm của giáo dục gia đình: người giám hộ dành cho người được giám hộ sự giáo dục nhân cách, đạo đức, hỗ trợ trong việc học tập và định hướng nghề nghiệp cho người được giám hộ.
Quản trị tài sản của ngưởi được giám hộ, người giám hộ phải gìn giữ, khai thác tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình (Điều 69 khoản 1), nghĩa là phải tránh làm mất mát, hư hỏng tài sản và bảo đảm sức sinh lợi của tài sản. Người giám hộ không chỉ nói đồng ý hay không đồng ý để người được giám hộ xác lập giao dịch với người thứ ba mà còn phải đại diện cho người sau này trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch đó.
Giám hộ một phần. Trong trường hợp giám hộ một phần, cần phần biệt tuỳ theo người được giám hộ chưa đủ hay đủ 15 tuổi.
1. Nếu người được giám hộ chưa đủ 15 tuổi, thì người giám hộ phải đảm nhận cả hai nhóm nghĩa vụ như đối với đối với người được giám hộ chưa đủ 6 tuổi. Các nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục có vẻ không có gì khác về nội dung so với trường hợp giám hộ người chưa đủ 6 tuổi. Trái lại, các nghĩa vụ quản trị tài sản trở nên nhẹ hơn, do người được giám hộ một phần có thể tự mình xác lập, thực hiện một số giao dịch.
Theo BLDS Điều 20 khoản 1, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Điều 65 khoản 2 lại quy định rằng người giám hộ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ 15 tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Kết hợp hai điều luật, có thể ghi nhận ba nhóm giao dịch của người được giám hộ đủ 6 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi.
- Nhóm các giao dịch mà người này được phép tự mình xác lập, thực hiện mà không cần sự đồng ý của người giám hộ;
- Nhóm các giao dịch người này có thể tự mình xác lập, thực hiện nhưng phải có sự đồng ý của người giám hộ;
- Nhóm các giao dịch người này chỉ có thể xác lập, thực hiện thông qua vai trò của người giám hộ.
Luật chỉ xác định đặc điểm của nhóm giao dịch thứ nhất: đó là các giao dịch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi71. Đối với hai nhóm còn lại, các giao dịch được ghi nhận chủ yếu trong tập quán. Chẳng hạn, người chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi có thể tự mình nộp học phí (cho bản thân), có thể tiếp nhận các đồ vật, do người khác mượn của gia đình và nay hoàn trả lại,...
2. Nếu người được giám hộ đủ 15 tuổi, người giám hộ không còn các nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục mà chỉ còn các nghĩa vụ quản trị tài sản. Thậm chi, các nghĩa vụ quản trị tài sản cũng trở nên rất nhẹ nhàng, bởi theo quy định của pháp luật, người được giám hộ đủ 15 tuổi, trên nguyên tắc, có quyền tự mình quản lý các tài sản của mình (Luật hôn nhân và gia đình Điều 45 khoản 1); riêng trong trường hợp cần định đoạt tài sản
có giá trị lớn hoặc dùng tài sản để kinh doanh, thì phải có sự đồng ý của người giám hộ (cùng điều luật)72. Người từ đủ 15 tuổi trở lên còn có quyền lập di chúc, nếu người giám hộ đồng ý (BLDS Điều 647 khoản 2), như đã biết. Nói chung, một khi người được giám hộ đủ 15 tuổi, thì người giám hộ chấm dứt vai trò đại diện và chỉ còn giữ vai trò người hỗ trợ, giám sát người được giám hộ trong giao dịch.
1.1.2.2.1.1Thực hiện các nghĩa vụ của người được giám hộ
Luật chưa hoàn thiện. Không có năng lực hành vi nhưng có năng lực pháp luật, người chưa thành niên có thể là chủ thể của các quan hệ nghĩa vụ với tư cách là người có nghĩa vụ. Các ví dụ rất đa dạng: người chưa thành niên được gọi để nhận thừa kế; thực hiện một hành vi
71 Ví dụ, mua thức ăn sáng, quà vặt,…
72 Pháp luật lao động hiện hành cho phép người đủ 15 tuổi tự mình giao kết hợp đồng lao động với tư cách là người lao động (BLLĐ Điều )
trái pháp luật gây thiệt hại vật chất cho người khác;…
Các nghĩa vụ của người được giám hộ chưa thành niên trên nguyên tắc, do người giám hộ thực hiện bằng tài sản của người được giám hộ. Tuy nhiên, có vẻ như luật chủ trương rằng nếu nghĩa vụ do chính người chưa thành niên tự mình xác lập phù hợp với các quy định của pháp luật và theo đúng ý chí, thì cũng chính người này tự mình thực hiện nghĩa vụ ấy, trừ các nghĩa vụ có tác dụng dịch chuyển tài sản có giá trị lớn. Nói chung, thái độ của người làm luật đối với vấn đề này không rõ ràng và điều này có thể gây khó khăn cho người thực hành luật trong trường hợp có tranh chấp: khác với việc thực hiện quyền, việc thực hiện nghĩa vụ của người được giám hộ đặt người này vào thế bất lợi và do đó, cần có biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với người này.
1.1.2.2.2.Quyền của người giám hộ
Các quyền của nguời giám hộ được quy định tại các Ðiều 68 và 69 BLDS. Điều đáng chú ý đầu tiên là người làm luật không có quy định nào liên quan đến các quyền phi tài sản tương ứng với các nghĩa vụ phi tài sản (chăm sóc, giáo dục). Các quyền đối với tài sản của người được giám hộ được xây dựng trên nguyên tắc, theo đó, người giám hộ quản lý tài sản của người được giám hộ nhằm phục vụ lợi ích của người này.
Các Điều 68 và 69 không phân biệt tuỳ theo người được giám hộ đủ hay chưa đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, như đã nói, người đủ 15 tuổi được thừa nhận có những quyền rộng rãi đối với tài sản của mình; bởi vậy, các quyền của người giám hộ chủ yếu được ghi nhận trong điều kiện người được giám hộ dưới 15 tuổi. Người giám hộ của người chưa thành niên đủ 15 tuổi trở lên hầu như chỉ có quyền giám sát và phê duyệt các giao dịch quan trọng của người được giám hộ.
Sử dụng tài sản. Theo Điều 68 khoản 1, người giám hộ có quyền sử dụng các tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ. Có thể, từ điều luật ngắn gọn này, thừa nhận rằng, trên nguyên tắc, người giám hộ có các quyền sử dụng, mà pháp luật thừa nhận cho chủ sở hữu, đối với tài sản của người được giám hộ, trừ những quyền bị cắt bằng các quy định rành mạch của luật.
Đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu của người được giám hộ, người giám hộ điều hành theo cung cách của chủ sở hữu, nghĩa là được quyền quyết định các công việc kinh doanh hàng ngày phù hợp với mục đích hoạt động của doanh nghiệp.
Riêng việc cho thuê, cho mượn tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ được coi là giao dịch quan trọng và được điều chỉnh theo cùng một cách như các giao dịch mang tính chất định đoạt tài sản.
Quyền định đoạt. Theo BLDS Điều 69 khoản 1, việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặc cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Nhận xét đầu tiên rút ra từ quy định đó là: người giám hộ có quyền định đoạt tài sản của ngưởi được giám hộ. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của giao dịch cũng như khả năng gây rủi ro của nó đối với lợi ích của người được giám hộ, luật đặt các giao dịch đó dưới sự giám sát khách quan (của người giám sát việc giám hộ) để bảo đảm lợi ích của người được giám hộ không bị xâm hại.
Tuy nhiên, luật chỉ dự kiến việc áp dụng cơ chế này trong trường hợp đối tượng của giao dịch là các tài sản có giá trị lớn. Điều đó có nghĩa rằng trong trường hợp tài sản có giá trị không lớn, thì cơ chế không được áp dụng: người giám hộ có quyền tự mình xác lập các giao dịch ấy, miễn là việc đó phù hợp với lợi ích của người được giám hộ.
Người giám hộ có quyền sử dụng và định đoạt các tài sản của người được giám hộ, với điều kiện việc sử dụng và định đoạt đó phải phù hợp với lợi ích của người được giám hộ. Người giám hộ không có quyền tặng cho người khác tài sản của người được giám hộ, cũng không có quyền thay mặt người được giám hộ chấp nhận một di sản không có khả năng thanh toán hay từ chối một di sản có khả năng thanh toán. Người giám hộ chỉ có thể bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ (và có lẽ cả việc bảo lãnh bằng tài sản của người được giám hộ) một khi có sự đồng ý của UBND xã, phường, thị trấn nơi người giám hộ cư trú.
1.1.2.2.3.Các trường hợp đặc thù
Giao dịch giữa người giám hộ và người được giám hộ. Các quyền lợi của người được giám hộ được đặt dưới sự quản lý của người giám hộ; bởi vậy, nếu người giám hộ xác lập một giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ, mà mình cũng là bên tham gia giao dịch với tư cách là người giao kết, thì rủi ro hy sinh lợi ích của người được giám hộ cho người giám hộ là rất lớn. Nhận thấy được điều này, người làm luật chủ động quy định rằng người giám hộ không được xác lập các giao dịch với người được giám hộ liên quan đến tài sản của người sau này (Điều 69 khoản 3).
Tuy nhiên, trong điều kiện quy tắc được xây dựng nhằm bảo vệ lợi ích của người được giám hộ, lý lẽ của quy tắc sẽ mất đi trong trường hợp lợi ích của người được giám hộ được bảo vệ thoả đáng. Do đó, luật thừa nhận rằng các giao dịch giữa người giám hộ và người được giám hộ mà được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ thì vẫn có giá trị. Tuy nhiên, việc giao dịch có phù hợp hay không với lợi ích của người được giám hộ cần phải được người giám sát việc giám hộ đánh giá. Sự đồng ý của người này đối với giao dịch là điều kiện cần thiết để giao dịch có giá trị.
Tặng cho. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác (Điều 69 khoản 2). Được đồng hoá với tặng cho, việc miễn cho một người thực hiện nghĩa vụ tài sản. Cũng có thể đồng hoá với tặng cho, việc từ chối nhận di sản mà người được giám hộ là người thừa kế được gọi để hưởng.
1.1.2.3.Thay đổi người giám hộ
Các trường hợp thay đổi người giám hộ. Theo BLDS Ðiều 70 khoản 1, việc thay đổi người giám hộ có thể được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Cá nhân là người giám hộ không còn có đủ các điều kiện quy định tại Ðiều 60 BLDS;
- Cá nhân là người giám hộ chết, bị Toà án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự;
- Người giám hộ đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;
- Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác có đủ điều kiện nhận làm giám hộ.
Người làm luật quên mất trường hợp người giám hộ vắng mặt mà đã có thông báo tìm kiếm của Toà án. Có thể thừa nhận việc thay đổi người giám hộ trong trường hợp này nhờ phương pháp áp dụng tương tự pháp luật.
Thể thức thay đổi người giám hộ. Việc thay đổi người giám hộ phải được thực hiện theo thứ tự do luật quy định: người giám hộ đương nhiên được thay thế bằng người giám hộ đương nhiên kế tiếp; việc cử người giám hộ chỉ được thực hiện một khi không có giám hộ đương nhiên…
Việc chuyển giao việc giám hộ của người giám hộ được cử được quy định tại Ðiều 71 BLDS: phải lập thành văn bản có ghi nhận tình trạng tài sản của người được giám hộ; phải được sự chứng kiến và công nhận của UBND nơi người giám hộ mới cư trú và của người giám sát việc giám hộ;...
1.1.2.4.Chấm dứt việc giám hộ.
Các trường hợp chấm dứt việc giám hộ. Việc giám hộ đối với người chưa thành niên chấm dứt trong các trường hợp được dự liệu tại Ðiều 72 BLDS, đặc biệt, khi người được giám hộ đã thành niên, chết, được nhận làm con nuôi hoặc khi cha, mẹ của người được giám hộ đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền đại diện theo luật đối với con chưa thành niên của mình.
Hệ quả của việc chấm dứt. Trong thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ phải thanh toán tài sản với người được giám hộ hoặc với cha, mẹ của người này (Ðiều 73 khoản 1). Trong trường hợp người được giám hộ chết, thì trong thời hạn ba tháng kể từ thời điểm mở thừa kế, người giám hộ phải thanh toán tài sản cho những người thừa kế của người chết; nếu chưa tìm được người thừa kế, thì người giám hộ tiếp tục quản lý tài sản của người chết (như một người quản lý thực tế di sản) cho đến khi tài sản được giải quyết theo các quy định của pháp luật về thừa kế và thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi người giám hộ cư trú (cùng điều luật).
Việc thanh toán tài sản được thực hiện với sự giám sát của người cử người giám hộ (nếu có) và UNBD xã, phường, thị trấn nơi người giám hộ cư trú (cùng điều luật).
1.2.Ðại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên 1.2.1.Tổ chức việc đại diện 1.2.1.Tổ chức việc đại diện
Ðại diện đương nhiên. Trừ những trường hợp được luật dự kiến, con chưa thành niên đưong nhiên được cha, mẹ đại diện trong các quan hệ với người thứ ba, nhất là trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch mà con chưa thành niên không có quyền tự mình xác lập và thực hiện (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 39).
Cơ chế đại diện. Việc đại diện theo pháp luật của cha, mẹ đối với con chưa thành niên được