Lý lẽ của ngoại lệ

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 54)

3. Các trường hợp đặc thù

1.3.2. Lý lẽ của ngoại lệ

Sự khác biệt giữa các chủ thể. Sự đối xử ngang nhau dành cho các chủ thể chỉ tỏ ra hợp lý một khi các chủ thể có khả năng nhận thức, khả năng chịu trách nhiệm ngang nhau, cũng như đều xứng đáng như nhau trong việc hưởng quyền, đảm nhận nghĩa vụ. Trên thực tế, điều này không phải lúc nào cũng được bảo đảm. Một cách hợp lý, các chủ thể khác nhau về khả năng nhận thức, chịu trách nhiệm hoặc ở những mức độ xứng đáng khác nhau sẽ được đối xử không giống nhau.

Tình trạng không có năng lực hành vi. Tình trạng không có năng lực hành vi được thiết lập nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ những người không có năng lực, chống lại việc người này tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của mình trong điều kiện không có hoặc không đủ khả năng đánh giá tầm quan trọng của các hệ quả pháp lý mà giao dịch ấy có thể mang lại cho mình.

Tính chất bảo vệ đối với người không có năng lực hành thể hiện rõ nét ở việc tổ chức và vận hành cơ chế đại diện cho người không có năng lực hành vi, như ta sẽ thấy. Cơ chế đại diện cho phép cả sự giám sát và sự can thiệp của người đại diện vào các giao dịch xác lập nhân danh người không có năng lực hành vi.

Không có năng lực pháp luật. Trái lại, tình trạng không có năng lực pháp luật được thiết lập với các mục đích đa dạng, được xác định gần như tuỳ theo trường hợp

Có trường hợp không có năng lực pháp luật được hiểu như một biện pháp chế tài. Chẳng hạn, người bị kết án về tội tham ô không có năng lực pháp luật đảm nhận các công việc mang tính chất quản lý tài sản của người khác; người bị kết án về các tội xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm của trẻ em không có năng lực pháp luật nuôi con nuôi.

Có trường hợp không có năng lực pháp luật được hiểu là biện pháp bảo vệ đương sự. Ví dụ điển hình là tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người chưa đủ 14 tuổi, của người không nhận thức được hành vi của mình: người này, dù phạm tội, không thể chịu hình phạt mà được xử lý bằng những biện pháp đặc biệt có tác dụng

Có trường hợp không có năng lực pháp luật mang ý nghĩa kép: vừa bảo vệ đương sự, vừa bảo vệ người thứ ba chống lại những hành động thiếu suy nghĩ của đương sự có thể dẫn đến hậu quả bất lợi cho người thứ ba, thậm chí cho xã hội. Ví dụ điển hình là tình trạng không có năng lực pháp luật lập di chúc của người chưa đủ 15 tuổi: người này có thể định đoạt tài sản của mình một cách thiếu suy nghĩ, nhưng cũng có thể định đoạt tài sản của người khác mà không biết. Tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 14 tuổi cũng có thể được hiểu theo nghĩa kép đó: một mặt, người phạm tội dưới 14 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự; mặt khác, nạn nhân của người phạm tội dưới 14 tuổi có thể được bảo vệ trong trường hợp người phạm tội chịu sự xúi giục của người khác.

Bảo vệ người không có năng lực hành vi trong đời sống dân sự. Người không có năng lực hành vi vẫn có khả năng hưởng các quyền và nghĩa vụ dân sự; tuy nhiên, trên nguyên tắc, luật không cho phép người này tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó, bởi trong hầu hết các trường hợp, người này không đủ khả năng nhận định, đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của các quyền và nghĩa vụ mà mình là chủ thể. Luật nói rằng người không có khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự nhất thiết phải được đại diện trong quá trình xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Chế độ đại diện cho người không có năng lực hành vi mang ý nghĩa bảo vệ người được đại diện trong đời sống dân sự, nhằm ngăn ngừa và chống các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người này60.

Chế độ đại diện cho người không có năng lực hành vi không giống nhau, tuỳ theo người được đại diện là người chưa thành niên hoặc đã thành niên.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)