Giám sát việc giám hộ

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 58)

1. Ðại diện cho người chưa thành niên

1.1.1.2. Giám sát việc giám hộ

Sự cần thiết của việc giám sát việc giám hộ. Việc giám hộ chỉ thực sự mang lại lợi ích cho người được giám hộ một khi người giám hộ thực hiện công tác của mình với sự tận tâm và thái độ trách nhiệm cần thiết. Tất nhiên, người giám hộ thường có ý thức tự giác thực hiện nhiệm vụ của mình một cách mẫn cán; song, nếu không có sự kiểm soát, giám sát khách quan đối với công việc của người này, thì những rủi ro đối với lợi ích của người được giám hộ có thể không được ngăn chặn kịp thời.

Cử người giám sát việc giám hộ. Trong thời gian áp dụng BLDS năm 1995, việc giám sát được giao cho UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ. Thế nhưng, cơ chế giám sát này có vẻ không phù hợp với khung cảnh chung, với các thói quen phổ biến và do đó, đã không bao giờ vận hành trên thực tế.

BLDS năm 2005 trao trả công việc giám sát việc giám hộ cho gia đình68. Theo Điều 59 khoản 1, người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ. Chỉ trong trường hợp không có người thân thích, thì UBND mới can thiệp trong việc cử người giám sát.

Cũng theo điều luật đó, người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này, thì người thân thích là ông bà (nội, ngoại), anh, chị, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này, thì người thân thích là bác, chú, cô, cậu, dì ruột của người được giám hộ. Nếu hoàn toàn không có ai trong số những người này hoặc vì lý do gì đó, mà những người này không cử được người giám sát việc giám hộ, thì UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ cử người giám sát việc giám hộ (Điều 59 khoản 2).

Về tiêu chuẩn để làm người giám sát việc giám hộ, luật chỉ yêu cầu người này có đủ năng lực hành vi (Điều 59 khoản 3), các điều kiện khác, đặc biệt là vấn đề trong sạch về mặt tư

68 Gọi là "trao trả", bởi trên thực tế, việc chăm sóc, quản lý người chưa thành niên và những người có khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần thường được các thành viên gia đình của đương sự đảm nhận.

pháp, không được đặt ra.

Luật không quy định thể thức, thủ tục cử người giám sát việc giám hộ. Đặc biệt, trong trường hợp có nhiều người thân thích và giữa họ có sự bất đồng ý kiến trong việc cử người giám sát, thì luật không quy định cách thức giải quyết tranh cãi. Có vẻ người làm luật muốn để gia đình tự thu xếp, theo tập quán, tục lệ69. Riêng trong trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ, thì hẳn UBND chỉ định người giám sát việc giám hộ bằng một văn bản.

Dẫu sao, trong logic của cơ chế, việc cử người giám sát việc giám hộ phải được thông báo cho người giám hộ, để người này biết mình phải liên hệ với ai trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Có lẽ, người nào cử người giám sát việc giám hộ, thì đồng thời cũng có trách nhiệm thực hiện việc thông báo đó.

Số lượng người giám sát việc giám hộ. Khác với trường hợp giám hộ, luật không quy định số lượng người giám sát việc giám hộ. Về mặt lý thuyết, có thể cử nhiều người giám sát, tuy nhiên, có lẽ thực tiễn sẽ có xu hướng tinh giản cấu trúc giám sát để giảm chi phí, cũng như giảm cả những rủi ro tranh cãi không cần thiết giữa những người giám sát trong quá trình thực hiện chức năng của mình, những tranh cãi không có lợi cho người được giám hộ.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 58)