Quyền của người giám hộ

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 61)

1. Ðại diện cho người chưa thành niên

1.1.2.2.2. Quyền của người giám hộ

Các quyền của nguời giám hộ được quy định tại các Ðiều 68 và 69 BLDS. Điều đáng chú ý đầu tiên là người làm luật không có quy định nào liên quan đến các quyền phi tài sản tương ứng với các nghĩa vụ phi tài sản (chăm sóc, giáo dục). Các quyền đối với tài sản của người được giám hộ được xây dựng trên nguyên tắc, theo đó, người giám hộ quản lý tài sản của người được giám hộ nhằm phục vụ lợi ích của người này.

Các Điều 68 và 69 không phân biệt tuỳ theo người được giám hộ đủ hay chưa đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, như đã nói, người đủ 15 tuổi được thừa nhận có những quyền rộng rãi đối với tài sản của mình; bởi vậy, các quyền của người giám hộ chủ yếu được ghi nhận trong điều kiện người được giám hộ dưới 15 tuổi. Người giám hộ của người chưa thành niên đủ 15 tuổi trở lên hầu như chỉ có quyền giám sát và phê duyệt các giao dịch quan trọng của người được giám hộ.

Sử dụng tài sản. Theo Điều 68 khoản 1, người giám hộ có quyền sử dụng các tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ. Có thể, từ điều luật ngắn gọn này, thừa nhận rằng, trên nguyên tắc, người giám hộ có các quyền sử dụng, mà pháp luật thừa nhận cho chủ sở hữu, đối với tài sản của người được giám hộ, trừ những quyền bị cắt bằng các quy định rành mạch của luật.

Đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu của người được giám hộ, người giám hộ điều hành theo cung cách của chủ sở hữu, nghĩa là được quyền quyết định các công việc kinh doanh hàng ngày phù hợp với mục đích hoạt động của doanh nghiệp.

Riêng việc cho thuê, cho mượn tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ được coi là giao dịch quan trọng và được điều chỉnh theo cùng một cách như các giao dịch mang tính chất định đoạt tài sản.

Quyền định đoạt. Theo BLDS Điều 69 khoản 1, việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặc cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Nhận xét đầu tiên rút ra từ quy định đó là: người giám hộ có quyền định đoạt tài sản của ngưởi được giám hộ. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của giao dịch cũng như khả năng gây rủi ro của nó đối với lợi ích của người được giám hộ, luật đặt các giao dịch đó dưới sự giám sát khách quan (của người giám sát việc giám hộ) để bảo đảm lợi ích của người được giám hộ không bị xâm hại.

Tuy nhiên, luật chỉ dự kiến việc áp dụng cơ chế này trong trường hợp đối tượng của giao dịch là các tài sản có giá trị lớn. Điều đó có nghĩa rằng trong trường hợp tài sản có giá trị không lớn, thì cơ chế không được áp dụng: người giám hộ có quyền tự mình xác lập các giao dịch ấy, miễn là việc đó phù hợp với lợi ích của người được giám hộ.

Người giám hộ có quyền sử dụng và định đoạt các tài sản của người được giám hộ, với điều kiện việc sử dụng và định đoạt đó phải phù hợp với lợi ích của người được giám hộ. Người giám hộ không có quyền tặng cho người khác tài sản của người được giám hộ, cũng không có quyền thay mặt người được giám hộ chấp nhận một di sản không có khả năng thanh toán hay từ chối một di sản có khả năng thanh toán. Người giám hộ chỉ có thể bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ (và có lẽ cả việc bảo lãnh bằng tài sản của người được giám hộ) một khi có sự đồng ý của UBND xã, phường, thị trấn nơi người giám hộ cư trú.

1.1.2.2.3.Các trường hợp đặc thù

Giao dịch giữa người giám hộ và người được giám hộ. Các quyền lợi của người được giám hộ được đặt dưới sự quản lý của người giám hộ; bởi vậy, nếu người giám hộ xác lập một giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ, mà mình cũng là bên tham gia giao dịch với tư cách là người giao kết, thì rủi ro hy sinh lợi ích của người được giám hộ cho người giám hộ là rất lớn. Nhận thấy được điều này, người làm luật chủ động quy định rằng người giám hộ không được xác lập các giao dịch với người được giám hộ liên quan đến tài sản của người sau này (Điều 69 khoản 3).

Tuy nhiên, trong điều kiện quy tắc được xây dựng nhằm bảo vệ lợi ích của người được giám hộ, lý lẽ của quy tắc sẽ mất đi trong trường hợp lợi ích của người được giám hộ được bảo vệ thoả đáng. Do đó, luật thừa nhận rằng các giao dịch giữa người giám hộ và người được giám hộ mà được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ thì vẫn có giá trị. Tuy nhiên, việc giao dịch có phù hợp hay không với lợi ích của người được giám hộ cần phải được người giám sát việc giám hộ đánh giá. Sự đồng ý của người này đối với giao dịch là điều kiện cần thiết để giao dịch có giá trị.

Tặng cho. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác (Điều 69 khoản 2). Được đồng hoá với tặng cho, việc miễn cho một người thực hiện nghĩa vụ tài sản. Cũng có thể đồng hoá với tặng cho, việc từ chối nhận di sản mà người được giám hộ là người thừa kế được gọi để hưởng.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 61)