Hoa lợi, lợi tức của tài sản chung –

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 136)

2. SỞ HỮU CHUNG

2.6.1.1.2.Hoa lợi, lợi tức của tài sản chung –

Theo BLDS Điều 222 khoản 1, mỗi chủ sở hữu chung theo phần hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ta có thể hiểu điều luật đó theo một trong hai nghĩa. Một là, hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tạo thành một khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần, độc lập với khối sở hữu chung theo phần gồm có các tài sản gốc, và sẽ được chia cho các chủ sở hữu chung theo phần theo đúng các tỷ lệ phần quyền sở hữu của mỗi người trong khối tài sản gốc chung. Hai là, hoa lợi, lợi tức sẽ được chia ngay sau khi thu hoạch cho các chủ sở hữu

chung theo phần theo tỷ lệ phần quyền của mỗi người trong khối tài sản chung. Dù hiểu điều luật vừa dẫn theo nghĩa nào, thì rõ ràng hoa lợi, lợi tức chưa thu hoạch vẫn là một phần không tách rời của tài sản gốc và, do đó, là một bộ phận của khối sở hữu chung theo phần. Nếu toàn bộ khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần được đem chia trong lúc hoa lợi, lợi tức chưa được thu hoạch, thì phần hoa lợi, lợi tức ấy nằm trong khối tài sản chia. Quy tắc này có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn.

Trên nguyên tắc, các chủ sở hữu theo phần cùng nhau quản lý và sử dụng tài sản chung. Tuy nhiên, pháp luật không cấm các chủ sở hữu chung đạt được một thoả thuận về việc phân chia quyền sử dụng đối với tài sản chung. Người sử dụng và khai thác một tài sản chung có thể hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản mà không phải chia sẻ quyền thụ hưởng đó với các chủ sở hữu chung khác, nhưng phải có sự thoả thuận rành mạch giữa các chủ sở hữu chung về việc đó. Mặc dù luật viết chưa có điều luật nào chính thức thừa nhận về khoản thù lao của người chủ sở hữu chung quản lý tài sản chung nhưng chúng ta có thể rút ra được nhận xét này gián tiếp qua việc phân tích quy nạp một số điều luật có liên quan. Như vậy, nếu có thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung do mình quản lý, thì người người chủ sở hữu chung đang quản lý tài sản chung chỉ phải trả cho khối sở hữu chung (hoặc cho những người cùng có quyền sở hữu chung khác) phần hoa lợi, lợi tức sau khi trừ đi khoản thù lao mà mình được hưởng.

Chắc chắn rằng, các chủ sở hữu chung theo phần phải được hưởng hoặc phải cùng nhau gánh chịu hệ quả của sự gia tăng hoặc giảm sút giá trị của tài sản chung do nguyên nhân khách quan. Nếu do nguyên nhân chủ quan, thì có thể xảy ra nhiều trường hợp. Nếu do lỗi của mình mà tài sản chung bị giảm sút giá trị, thì chủ sở hữu chung có lỗi phải chịu trách nhiệm dân sự theo luật chung. Nếu sự gia tăng giá trị của tài sản là do hệ quả của việc chủ

sở hữu chung thực hiện hành vi sáp nhập một vật phụû, thì tài sản mới tiếp tục thuộc về cộng đồng các chủ sở hữu chung theo phần (BLDS Điều 236 khoản 1) nhưng nếu tài sản đem sáp nhập không thể được xác định đó là vật chính hay vật phụ và việc sáp nhập có sự đồng ý của cộng đồng các chủ sở hữu chung, thì tài sản mới vẫn thuộc sở hữu chung theo phần, song tỷ lệ phần quyền của mỗi chủ sở hữu chung sẽ thay đổi.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật dân sự Việt Nam Nguyễn Ngọc Điện (Trang 136)