CÁC KHÁI NIỆM

Một phần của tài liệu DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ dân sốkế hoạch hoá gia đình) (Trang 78)

1. Khái niệm tài nguyên

Tài nguyên bao gồm tất cả các nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, thông tin có trên trái đất và vũ trụ có liên quan, mà con người có thể sử dụng để phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình.

Tài nguyên được phân thành: Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn

Tài nguyên thiên nhiên là các loại tài nguyên do thiên nhiên tạo ra “ban tặng” cho con người, tồn tại ngoài ý muốn của con người. Tài nguyên thiên nhiên gồm 2 loại: Vô hạn và hữu hạn.

Tài nguyên thiên nhiên vô hạn là tài nguyên dựa vào nguồn năng lượng được cung cấp liên tục, vô tận từ vũ trụ vào trái đất, con người không thể chế ngự được. Ví dụ năng lượng ánh sáng mặt trời, gió, không khí, sóng biển…

Tài nguyên thiên nhiên hữu hạn là các loại tài nguyên sẽ bị hết dần trong quá trình sử dụng. Tài nguyên hữu hạn có 2 loại: Tài nguyên tái tạo được và tài nguyên không tái tạo được.

Tài nguyên tái tạo được là các loại tài nguyên có thể tự duy trì, hoặc tự bổ sung một cách liên tục nếu được quản l ý một cách hợp lý, hiệu quả. Thí dụ: Tài nguyên động, thực vật, đất, rừng,... Những tài nguyên dựa vào nguồn năng lượng vô hạn, dựa vào quy luật tự nhiên, nguồn thông tin vật lý và sinh học đã hình thành để tiếp tục tồn tại, sinh sôi, nảy nở và chỉ mất đi khi không còn nguồn năng lượng, thông tin nói trên.

Tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được là các tài nguyên tồn tại một cách hữu hạn, nó sẽ bị mất dần đi do con người sử dụng, hoặc hoàn toàn bị biến đổi không còn giữ nguyên được các tính chất ban đầu sau quá trình sử dụng. Ví dụ: Các loại khoáng sản, than đá, dầu mỏ, ...

Tài nguyên nhân văn: là tài nguyên do chính con người tạo ra: con người, sức lao động, các loại sản phẩm xã hội do con người tạo ra như chế độ chính trị, văn hóa. nghệ thuật, khoa học kỹ thuật…

2. Cạn kiệt tài nguyên

Để sống được, con người phải có ăn, có mặc, có nhà ở, tiêu dùng chất đốt và nhiều tư liệu sinh hoạt khác nữa. Đáp ứng những nhu cầu này, con người khai thác tài nguyên thiên nhiên để tiến hành sản xuất và tiêu dùng. Đương nhiên là số dân càng nhiều thì qui mô sản xuất càng lớn. Vì nhiều loại tài nguyên không phải là vô hạn nên một loại tài nguyên nào đó được coi là cạn kiệt nếu nó rơi vào một trong các tình trạng sau:

- Tài nguyên đó đã bị kết tinh hoàn toàn trong sản phẩm xã hội, nó không còn có thể khai thác được từ môi trường tự nhiên. Nguồn duy nhất có thể khai thác được là sử dụng lại từ phế phẩm, phế liệu hiện có.

- Tài nguyên ấy còn trong tự nhiên, nhưng việc chi phí để khai thác chúng còn lớn hơn chi phí thu gom từ các sản phẩm xã hội.

- Nhiên liệu không tham gia vào sản phẩm, nó bị đốt cháy, biến thành nhiệt năng, tan vào khoảng không vũ trụ không thể thu hồi được, trữ lượng của nó giảm nhanh. - Những tài nguyên mà bình quân trên đầu người bị giảm đi theo thời gian như đất, rừng, thủy sản v.v... được coi là bị cạn kiệt.

3. Khái niệm về môi trường

Môi trường bao gồm các yêú tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo bao quanh con người, có quan hệ mật thiết với nhau và với con người, ảnh hưởng đến đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người và tự nhiên.

Môi trường tự nhiên: là các điều kiện tự nhiên bao quanh sinh vật và con người , có ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển của sinh vật và con người. Các yếu tố cấu thành môi trường tự nhiên: Địa h ình, thổ nhưỡng, động vật, thực vật, thủy văn, khí hậu, không khí.

Môi trường sinh thái: là môi trường tự nhiên khi có tác động của con người

4. Ô nhiễm môi trường

Theo Luật Bảo vệ Môi trường (2005) của Việt Nam: "Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật". Trên thế giới, ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển sinh vật hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường. Các tác nhân ô nhiễm bao gồm các chất thải ở dạng khí (khí thải), lỏng (nước thải), rắn (chất thải rắn) chứa hoá chất hoặc tác nhân vật lý, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ.

Một phần của tài liệu DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN (Tài liệu dùng cho Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ dân sốkế hoạch hoá gia đình) (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w