Khoản 1 Điều 296 BLTTDS quy định: “ Hội đồng giám đốc thẩm chỉ
xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị”.
Thực tiễn xét xử giám đốc thẩm tại Toà dân sự TANDTC hiện nay đang hiểu và vận dụng khoản 1 Điều 296 BLTTDS như sau:
- Tuy quyết định kháng nghị chỉ đề cập đến những sai lầm về việc giải quyết nội dung quan hệ pháp luật có tranh chấp, được giải quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng khi xét xử, Hội đồng giám đốc thẩm phát hiện ra những sai lầm của bản án, quyết định chưa được kháng nghị đề cập đến, thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xem xét, bằng việc nhận định trong Quyết định giám đốc thẩm.
- Tuy quyết định kháng nghị chỉ đề cập đến những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng khi xét xử, nếu Hội đồng giám đốc thẩm phát hiện việc giải quyết về nội dung quan hệ pháp luật có tranh chấp cũng có sai lầm, thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xem xét và nêu rõ trong nhận định của Quyết định giám đốc thẩm. Vì nếu Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không chỉ ra những sai sót về việc giải quyết nội dung quan hệ pháp luật có tranh chấp, thì sau khi bản án, quyết định bị huỷ, Toà án có thẩm quyền xét xử lại sẽ lầm tưởng là việc giải quyết về nội dung quan hệ pháp luật có tranh chấp như trước đây đã đúng rồi, nên chỉ khắc phục những sai sót về tố tụng.
- Tuy quyết định kháng nghị chỉ đề cập đến những sai lầm về việc giải quyết nội dung quan hệ pháp luật có tranh chấp được giải quyết trong bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng khi xét xử, Hội đồng giám đốc thẩm còn phát hiện ra những sai lầm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xem xét và nêu rõ trong phần nhận định.
Thực tế nêu trên được lý giải bởi vì bản chất hoạt động giám đốc thẩm không đơn thuần chỉ là việc xét lại tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, mà thông qua hoạt động giám đốc thẩm, Toà án cấp trên còn gián tiếp hướng dẫn cho Toà án cấp dưới về việc áp dụng pháp luật; đồng thời còn là rút kinh nghiệm cho Toà án cấp dưới. Trong hoạt động xét xử, quyết định giám đốc thẩm của Toà án cấp trên luôn được Toà án cấp dưới coi là chuẩn mực. Vì vậy, khi xét xử, Hội đồng giám đốc thẩm luôn xét lại một cách toàn diện các vấn đề của vụ án, chứ thường không bị giới hạn bởi nội dung của kháng nghị. Mặt khác, quyết định kháng nghị chỉ phản ánh sự nhìn nhận, đánh giá của cá nhân người có thẩm quyền kháng nghị về những sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; nó chỉ là điều kiện cần để Toà án cấp giám đốc thẩm xét lại tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu, chứng cứ được thu thập thêm. Quyết định giám đốc thẩm là sự đánh giá của một tập thể, chứ không phải chỉ là quan điểm của một cá nhân như quyết định kháng nghị. Do đó, theo tác giả luận văn này thì cần quy định lại về phạm vi giám đốc thẩm theo hướng dành cho Hội đồng xét xử quyền được xét lại toàn bộ tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, mà không bị giới hạn bởi nội dung kháng nghị, như PLTTGQCVADS năm 1989 trước đây đã quy định.