Theo Luật Tổ chức TAND năm 2002, thì trong cơ cấu tổ chức của TANDTC không còn tồn tại Uỷ ban Thẩm phán. Trên tinh thần đó, BLTTDS chỉ quy định 3 cấp giám đốc thẩm với thẩm quyền cụ thể như sau:
- Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện bị kháng nghị.
- Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của TANDTC giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị.
- Hội đồng Thẩm phán TANDTC giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà phúc thẩm, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động của TANDTC bị kháng nghị.
Để tránh tranh chấp về thẩm quyền giữa các Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm, BLTTDS bổ sung quy định những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ việc dân sự nếu thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh, đồng thời cũng thuộc thẩm quyền của Toà dân sự (Toà kinh tế, Toà lao động) của TANDTC thì Toà án có thẩm quyền cấp trên sẽ giám đốc thẩm toàn bộ vụ án (khoản 4 Điều 291). Có thể đưa ra mét ví dô điển hình minh hoạ cho quy định này là trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm một phần, phần còn lại theo thời hạn quy định đã có hiệu lực pháp luật. Nếu TAND cấp tỉnh xét xử phúc thẩm mà bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm thì thẩm quyền giám đốc thẩm thuộc về Toà chuyên trách TANDTC. Phần còn lại đã có hiệu lực pháp luật sau đó bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì thẩm quyền giám đốc thẩm thuộc về Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh. Trong trường hợp này, nếu chưa có phiên toà giám đốc thẩm nào được mở để xem xét lại vụ án theo mét trong hai kháng nghị nêu trên thì Toà chuyên trách TANDTC sẽ giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.