Trên tinh thần quy định của Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND năm 2002, BLTTDS không còn quy định thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Phó Chánh án TANDTC, Phó Viện trưởng VKSNDTC nữa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC vẫn uỷ quyền cho một cấp phó nhất định thực hiện việc quản lý phần việc giải quyết giám đốc thẩm dân sự; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC chỉ giám sát trực tiếp một số vụ việc có kiến nghị của Đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan ban ngành ở Trung ương. Do đó, việc áp dụng quy định này đang có nhiều vấn đề cần đặt ra để giải quyết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Với việc giao quyền kháng nghị cho duy nhất người đứng đầu ngành như hiện nay đã tạo ra cơ chế “hình phễu”, tức là tất cả đề xuất của cơ quan tham mưu giúp việc về kháng nghị giám đốc thẩm một bản án, quyết
định dân sự đã có hiệu lực pháp luật đều dồn về một nút cuối cùng là Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC, nên khối lượng công việc cần phải giải quyết ở nút thắt này là quá lớn, khó có thể đáp ứng được các yêu cầu về thời hạn và chất lượng. Mặt khác, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ rất khó có thể vô tư, khách quan mà xét xử giám đốc thẩm, mà thường có thiên hướng “tôn trọng” quan điểm kháng nghị, khi người kháng nghị là “sếp” cao nhất của mình. Số liệu thống kê ở Chương 2 đã minh chứng là không có một quyết định kháng nghị nào của Chánh án TANDTC bị Hội đồng giám đốc thẩm xử không chấp nhận. Do đó, hiện nay có hai quan điểm về vấn đề giám đốc thẩm:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng không nên giao quyền kháng nghị giám đốc thẩm cho một người duy nhất, mà người đó lại là người đứng đầu ngành; mà việc giám đốc thẩm sẽ được các Toà chuyên trách TANDTC hoặc Hội đồng Thẩm phán TANDTC trực tiếp giải quyết, trên cơ sở khiếu nại, kiến nghị của đương sự hoặc của cơ quan tiến hành tố tụng liên quan trực tiếp đến việc xét xử và thi hành án, chứ không cần phải có kháng nghị của người có thẩm quyền thì mới xét xử. Như vậy, đồng thời cũng tránh được tình trạng các Toà chuyên trách TANDTC vừa phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, kiến nghị giám đốc thẩm, tham mưu, đề xuất người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm; sau đó lại thực hiện việc xét xử giám đốc thẩm (vừa “đá bóng”, vừa “thổi còi”).
- Quan điểm thứ hai cho rằng thực tế hiện nay các Toà dân sự TANDTC chính là đầu mối duy nhất tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, kiến nghị giám đốc thẩm các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, tham mưu đề xuất Chánh án TANDTC kháng nghị giám đốc thẩm. Điều đó đồng nghĩa chính Toà dân sự TANDTC chứ không phải cá nhân, cơ quan, tổ chức bất kỳ nào khác mới là nơi phát hiện ra việc vi phạm pháp luật trong quá trình
giải quyết một vụ án dân sự, qua việc xem xét các tài liệu, đánh giá các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và nội dung khiếu nại, kiến nghị. Việc Toà dân sự TANDTC đề xuất Chánh án TANDTC kháng nghị, sau đó lại thực hiện chức năng xét xử giám đốc thẩm là rất hình thức và thực tế là Hội đồng giám đốc thẩm của Toà dân sự TANDTC chưa xử không chấp nhận bất cứ một quyết định kháng nghị nào của Chánh án TANDTC. Từ phân tích trên, quan điểm này cho rằng cần sửa đổi thủ tục giám đốc thẩm theo hướng Hội đồng giám đốc thẩm của Toà dân sự TANDTC chỉ xét xử giám đốc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, còn nếu Toà dân sự TANDTC phát hiện ra việc vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự thì báo cáo Chánh án TANDTC ra văn bản huỷ bỏ bản án, quyết định đã có hiệu lực, giao hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Tác giả của luận văn này nhận thấy các quan điểm nêu trên cũng cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, với tầm hiểu biết hạn chế, tác giả chưa thực sự ủng hộ quan điểm nào, mà chỉ nêu ra trong luận văn này để mong nhận được sự phân tích, góp ý của các thầy cô và các nhà khoa học pháp lý.
đ. Về thời hạn kháng nghị
Theo quy định của Điều 288 BLTTDS, người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành việc kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp
luật. So với PLTTGQCVADS năm 1989 thì quy định về thời hạn kháng nghị
giám đốc thẩm trong BLTTDS đã có thay đổi; đặc biệt là bỏ loại thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm được áp dụng cho việc kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào. Tuy nhiên, thực tiễn công tác giám đốc thẩm vụ án dân sự thấy rằng việc quy định thời hạn như hiện nay là chưa đủ dài, vì thực tế có nhiều vụ án khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng
thì đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi Ých hợp pháp của đương sự. Ngoài ra, việc bỏ thời hạn kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào cũng là một điểm không hợp lý. Do đó, tác giả của luận văn này kiến nghị cần quy định thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng dài hơn (có thể là 5 năm) và phải bổ sung trở lại trường hợp nếu kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào thì không bị giới hạn về thời hạn.
Ngoài ra, cần bổ sung vào BLTTDS quy định về thời hạn gửi đơn khiếu nại, kiến nghị giám đốc thẩm, để cơ quan có thẩm quyền có thời gian xem xét giải quyết, tránh tình trạng khi đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại, kiến nghị đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đã gần hết. Theo tác giả luận văn này thì thời hạn gửi đơn khiếu nại, kiến nghị tối thiểu phải trước thời điểm hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 6 tháng.