b. Nguyên nhân khách quan
3.1.4. Áp dụng pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự tại Toà dân sự TANDTC cần đảm bảo sự độc lập
Toà dân sự TANDTC cần đảm bảo sự độc lập
Sự độc lập trong hoạt động xét xử của Toà án là một nguyên tắc Hiến định. Do đó, việc áp dụng pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm các vụ án dân sự tại Toà dân sự TANDTC cũng cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc đó.
Trước hết, cần đảm bảo cho thẩm tra viên, chuyên viên, thẩm phán được tư duy độc lập với quan điểm của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cơ quan trong quá trình áp dụng pháp luật. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, thẩm tra viên, chuyên viên, thẩm phán có quyền đưa ra những nhận định của mình về tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản, quyết định dân sự đã có hiệu lực nhưng bị khiếu nại, kiến nghị hoặc bị kháng nghị giám đốc thẩm, có quyền bảo lưu quan điểm trong trường hợp lãnh đạo Toà dân sự TANDTC hoặc lãnh đạo TANDTC có ý kiến khác. Thực tế hiện nay vẫn tồn tại cơ chế “duyệt án”, nên trong một số trường hợp, khi áp dụng pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự, thẩm phán chủ toạ hoặc thậm chí cả Hội đồng giám đốc thẩm phải đưa ra phán quyết theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị hoặc lãnh đạo cơ quan, mà không được độc lập quyết định. Vì vậy, cần nghiên cứu để sớm bãi bỏ cơ chế “duyệt án”, để tránh sử can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính từ phía lãnh đạo đến việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đồng thời, cũng cần đảm bảo sự độc lập của các thẩm phán trong quan hệ với vụ chức năng của VKSNDTC. Trong quá trình áp dụng pháp luật về thủ
tục giám đốc thẩm vụ án dân sự của Toà dân sự TANDTC, có thể xuất hiện những tác động từ phía VKSNDTC tới các thẩm phán tham gia Hội đồng giám đốc thẩm, nhất là trong những trường hợp bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị. Đó có thể là sự tác động chính thức bằng văn bản, cũng có thể là quan điểm, ý kiến cá nhân của kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án. Hiện nay, tuy theo quy mô công việc, giữa TANDTC với VKSNDTC hoặc giữa Toà dân sự TANDTC với Vụ 5 VKSNDTC vẫn tồn tại cơ chế “họp bàn án liên ngành” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, nhất là những vụ án phức tạp, các vụ án có giám sát của UỶ ban Tư pháp Quốc hội hoặc các vụ án được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong một chừng mực nhất định, cơ chế đó có tác dụng tích cực, giúp cho Toà án và Viện kiểm sát có thể bàn bạc, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, để đi đến thống nhất trong nhận thức và hoạt động trong quá trình xử lý từng vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, nêu không được thực hiện một cách khoa học thì cơ chế đó có thể phản tác dụng là triệt tiêu sự độc lập về tư duy của những người tiến hành tố tụng, vì họ chỉ cần dựa vào kết luận của cuộc họp liên ngành để giải quyết vụ án mà không sợ bị trách nhiệm; thậm chí có thể là điều kiện để một số người trong ngành Toà án và Viện kiểm sát vì động cơ cá nhân câu kết với nhau cố ý giải quyết vụ án trái pháp luật. Vì vậy, trong các cuộc họp bàn án liên ngành, Toà dân sự TANDTC cũng cần có quan điểm độc lập và xác định quan điểm của Viện kiểm sát chỉ có giá trị tham khảo. Có như vậy, việc áp dụng pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự tại Toà dân sự TANDTC mới có thể khách quan, không bị lệ thuộc vào quan điểm, ý kiến của lãnh đạo VKSNDTC hay của kiểm sát viên vụ chức năng VKSNDTC.