Xây dựng một mô hình QTRRTD phù hợp là một đòi hỏi khách quan và cần thiết để thực hiện. Trên cơ sở tham khảo những nguyên tắc Basel về quản lý nợ xấu và tham khảo một số ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam như: BIDV, Vietcombank, ACB, Vietinbank, Sacombank, … rút ra một số nội dung sau:
Một là, Thực hiện phân tách chức năng bán hàng, chức năng thẩm định, quản lý rủi ro tín dụng và chức năng quản lý nợ trong hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Theo đó, toàn bộ việc xây dựng giới hạn tín dụng trên cơ sở xác định rủi ro tổng thể (thông qua thực hiện xếp hạng tín dụng, phân tích ngành, khả năng phát triển của khách hàng trong tương lai…) sẽ do bộ phận quản lý rủi ro tín dụng thực hiện độc lập, đảm bảo tính khách quan cũng như hạn chế sự phân tán thông tin khi cung cấp các sản phẩm tín dụng (cho vay, tài trợ thương mại…).
Trên cơ sở sự phân tách trên, bộ phận quan hệ khách hàng sẽ chịu trách nhiệm tiếp xúc, tiếp nhận các yêu cầu của khách hàng, cung cấp thông tin cho bộ phận quản lý rủi ro tín dụng, đồng thời kiểm tra giám sát quá trình thực hiện các cam kết của khách hàng (sử dụng vốn vay, các cam kết về bảo đảm tiền vay…). Bộ phận quản lý rủi ro tín dụng thực hiện việc “giám sát song song”, bộ phận quan hệ khách hàng thực hiện các quyết định phê duyệt tín dụng để phát hiện các dấu hiệu rủi ro cũng như can thiệp kịp thời như giám sát việc thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay, kiểm tra tài sản bảo đảm, các điều kiện giải ngân… Như vậy, quá trình đánh giá rủi ro tín dụng được thực hiện một cách tổng thể, liên tục trước, trong và sau khi cho vay, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng, khắc phục được tình trạng không kịp thời khi chỉ sử dụng một cơ chế hậu kiểm của kiểm tra nội bộ.
Hai là, Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý của bộ phận quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng và quản lý nợ. Mỗi bộ phận trong chức năng, nhiệm vụ của mình cần xây dựng các mục tiêu trong hoạt động cấp tín dụng (tỷ lệ nợ xấu chấp nhận được, số lượng và nhóm khách hàng cần thiết lập,…).
Ba là, Tiêu chuẩn hóa cán bộ theo dõi rủi ro tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của nguyên tắc Basel. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro tín dụng có kinh nghiệm, có kiến thức và khả năng nhanh nhạy khi xem xét, đánh giá các đề xuất tín dụng.
Bốn là, Cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, đảm bảo sự liên lạc thường xuyên, liên tục và cập nhật kịp thời các thông tin trọng yếu giữa các bộ phận chức năng trong hoạt động cấp tín dụng.
Năm là, Nâng cao tính thực tiễn và khả năng đánh giá chính xác của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, thực hiện xếp hạng tín dụng theo định kỳ và duy trì một cách liên tục để làm cơ sở trong xây dựng chính sách khách hàng về giới hạn tín dụng, áp dụng hình thức bảo đảm tiền vay thích hợp, các định hướng tín dụng với từng khách hàng. Một số chỉ tiêu tài chính đến năm 2015
Bảng 3.1. Chỉ tiêu tài chính chủ yếu 2011 - 2015
Đơn vị tính: Tỷ đồng Năm Chỉ tiêu Thực hiện năm 2011 2012 2013 2014 2015 Tổng tài sản 17.849 18.346 23.000 28.000 34.000 Vốn điều lệ 3.000 3.000 4.000 5.000 6.000 Huy động vốn 14.010 14.573 21.050 32.000 51.500
Dư nợ cho vay 8.404 9.665 16.600 22.600 30.200
Lợi nhuận trước thuế 525 530 690 960 1.216
Phát triển mạng lưới 96 99 125 145 170
Nguồn: Ngân hàng Kiên Long - Chiến lược phát triển 5 năm (2011 - 2015)
Quan sát số liệu thể hiện mức độ tăng trưởng các chỉ tiêu tài chính giai đoạn 2011 - 2015 ta thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đối với chỉ tiêu tổng tài sản là 29,4%, vốn huy động là 31,6%, dư nợ cho vay là 29,5%, lợi nhuận là 18,9%.
Theo số liệu thống kê thì tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đương 3-3,5 lần tốc độ tăng GDP hàng năm. Như vậy khi GDP giai đoạn tới tăng trưởng 6,5-7,0%/năm thì dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng tương ứng từ 17-22%/năm. Nếu ngân hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn 2006 - 2010 (đều trên 100%) hoặc ít nhất cũng bằng với năm 2011 thì hoàn toàn có khả năng đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.