KLB hiện đang tiên phong thực hiện xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ phù hợp với phạm vi hoạt động, tình hình thực tế, đặc điểm kinh doanh của mình theo tinh thần Quyết định 493 của NHNN. Đây là một bước tiến ban đầu đầy quyết liệt trong tiếp cận an toàn vốn, không chỉ nhằm mục đích phân loại nợ, mà còn nhằm đánh giá rủi ro khoản vay, quản lý chất lượng tín dụng.
Tháng 4/2007, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB) đăng ký với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thực hiện xếp hạng tín dụng (XHTD) nội bộ làm cơ sở phân loại nợ theo điều 7 Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN. Vậy là tính tới thời điểm này, KLB là một trong những ngân hàng đã xây dựng xong hệ thống XHTD nội bộ phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đánh giá chung của NHNN là hệ thống XHTD nội bộ của KLB được xây dựng theo một kết cấu chặt chẽ, khoa học. Hệ thống được tin học hoá thành chương trình phần mềm chấm điểm, xếp hạng khách hàng và được triển khai thống nhất trong toàn hệ thống của KLB, hạn chế tối đa tác động chủ quan của người trực tiếp thực hiện xếp hạng. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn Erns & Young, hệ thống XHTD nội bộ của KLB đảm bảo được các tiêu chuẩn đo lường rủi ro trong hoạt động tín dụng; xác định phân hạng khách hàng một cách chi tiết và cụ thể, phản ánh đúng chất lượng tín dụng của ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
KLB đã phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ để xây dựng hệ thống này. Trước năm 2010, chỉ các DN có dư nợ trên 1,5 tỷ đồng mới nằm trong diện xếp hạng. Đến nay, tất cả DN có dư nợ tại KLB đều được xếp hạng trừ những DN nhỏ, có báo cáo tài chính không được kiểm toán thì xếp hạng cùng với hộ kinh doanh cá thể. Vấn đề khó khăn nhất đặt ra cho ngân hàng là khi thực hiện phân loại nợ, không ít trường hợp điều chỉnh lần 1, DN bị xếp vào nhóm 2 nhưng khi điều chỉnh lần thứ hai có thể sẽ “nhẩy” xuống nhóm 4. Như vậy, sẽ lập tức ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của
ngân hàng. Vì là hệ thống tự động nên cứ “nạp” dữ liệu là máy tự chấm điểm và đưa ra kết quả mà không thể can thiệp được.
Trước khi đưa hệ thống XHTD vào thực hiện, KLB đã tiến hành một cuộc cách mạng thực sự trong công tác tín dụng, ngân hàng đã tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá một cách thẳng thắn, trung thực tình trạng tài chính, khả năng trả nợ và năng lực của mỗi khách hàng (đặc biệt là với những khách hàng lớn) để có chính sách khách hàng phù hợp. Nếu trước đây vì một lý do nào đó, ngân hàng vẫn phải “bơm” vốn cho những DN xếp hạng từ nhóm B trở xuống thì nay mọi chuyện đó khác.
Về nội dung, hệ thống XHTD nội bộ của KLB sử dụng phương pháp chấm điểm các nhóm chỉ tiêu tài chính, phi tài chính với ba hệ thống chấm điểm khác nhau, cho ba nhóm khách hàng chính: Tổ chức kinh tế, các định chế tài chính và các khách hàng là cá nhân.
Năm 2010, KLB đã chọn 15 ngành kinh tế với hơn 2.000 khách hàng có tổng dư nợ bình quân mỗi khách hàng trên 1 tỷ đồng (chiếm 75% tổng dư nợ toàn hệ thống) để chấm điểm. Mỗi khách hàng được chấm điểm dựa trên 34 chỉ tiêu, trong đó có 14 chỉ tiêu tài chính và 20 chỉ tiêu phi tài chính. Những chỉ tiêu này được xây dựng một cách chi tiết, minh bạch, phù hợp với danh mục khách hàng và môi trường quản lý rủi ro của ngân hàng. Thang điểm được chia thành 100-80-60-40-20 và quy về 5 nhóm. Nhóm 1 gồm các hạng: AAA- AA-A; Nhóm 2 gồm: BBB-BB; Nhóm 3 gồm: B-CCC- CC; Nhóm 4: C và Nhóm 5: D.
Hệ thống XHTD nội bộ không chỉ giúp KLB kiểm soát chất lượng tín dụng tốt hơn, đánh giá khách hàng một cách thống nhất trong toàn hệ thống để có chính sách khách hàng phù hợp. Đây cũng là căn cứ để KLB hoàn thiện các quy trình, thủ tục cấp tín dụng, qua đó nâng cao được chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống, góp phần xác định chính xác giá trị phần tài sản của KLB khi thực hiện cổ phần hoá.