Ngân hàng được quản lý tốt thường thực hiện phân tích các khoản cho vay đã gây ra tổn thất cho ngân hàng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm. Để phân tích chính xác nguyên nhân gây ra tổn thất, phải thu thập đầy đủ thông tin về chính sách cho vay, chứng từ cho vay, tình hình biến động của khách hàng, quá trình kiểm tra giám sát vốn vay,…Cụ thể có những nguyên nhân sau:
- Thông tin tín dụng không đầy đủ và chính xác: Trong quá trình cấp tín dụng, rủi ro phát sinh phần lớn là do thiếu thông tin khi thẩm định và khi ra quyết định cho vay; từ đó dẫn đến những quyết định cho vay sai lầm. Hiện nay, việc khai thác thông tin khách hàng tại KLB thường thông qua các báo cáo của khách hàng. Các báo cáo này thường không qua kiểm toán, không có cơ quan chức năng xác định tính trung thực của báo cáo.
- Lạm dụng tài sản thế chấp: Do thiếu thông tin trung thực về khách hàng nên ngân hàng luôn xem nặng phần tài sản thế chấp như là chỗ dựa cuối cùng để phòng chống rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, dần dần ngân hàng trở nên dựa dẫm quá nhiều vào
tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh nên sẽ dễ dẫn đến tâm lý ỷ lại và khi ấy sẽ dễ mắc sai lầm chủ quan.
- Thiếu kiểm tra giám sát vốn vay: Do chạy theo thành tích “chỉ tiêu dư nợ” nên cán bộ tín dụng ưu tiên giải quyết các hồ sơ mới và do tâm lý ngại gây phiền hà cho khách hàng nên cán bộ tín dụng chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra giám sát sau khi cho vay.
- Sự lỏng lẻo trong công tác kiểm soát nội bộ ngân hàng: Hoạt động kiểm soát nội bộ của KLB trong thời gian qua chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Công tác này chưa thực hiện đúng nhiệm vụ của nó mà mang nặng tính hình thức..
- Năng lực của đội ngũ cán bộ tín dụng còn hạn chế: Do mở rộng mạng lưới hoạt động phục vụ cho tốc độ tăng trưởng nhanh nên đa phần là nguồn cán bộ mới ra trường nên chưa đủ kinh nghiệm để thực hiện việc thẩm định cho vay, chưa nhận thức được đầy đủ về yêu cầu và tính phức tạp của công tác tín dụng trong môi trường mới.