3.2.4.1. Thắt chặt và thực hiện đúng quy trình tín dụng:
Để quy trình này đạt được hiệu quả thì cần phải thực hiện chặt chẽ ở các giai đoạn sau:
Thứ nhất, Giai đoạn kiểm tra hồ sơ thông tin khách hàng. Kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, năng lực quản lý, uy tín tín dụng,… theo đúng yêu cầu cấp tín dụng và đảm bảo tính xác thực của thông tin.
Thứ hai, Giai đoạn thẩm định phương án vay vốn và khả năng trả nợ. Khi thẩm định phương án vay vốn, cần xem xét các yếu tố sau: Tính xác thực phần vốn tự có của khách hàng, yêu cầu khách hàng chứng minh nguồn cụ thể của vốn tự có này; đánh giá năng lực tài chính, khả năng sản suất kinh doanh của khách hàng vay để xem xét hiệu quả vốn tín dụng; đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, cần phải nắm rõ nguồn trả nợ chính và các nguồn thu khác mà khách hàng cam kết trả nợ cho ngân hàng khi nguồn trả nợ chính có sự cố, đánh giá những rủi ro do ngành, rủi ro do kinh doanh,… Ngoài ra, có thể tăng cường thuê đội ngũ thẩm định chuyên nghiệp trong những phương án xin vay lớn, mang tính kỹ thuật sâu để có thể phân tích chính xác tính khả thi trước khi quyết định cho vay.
Thứ ba, Giai đoạn quyết định cho vay. Trước khi đề xuất cho vay cần phải tập hợp một số thông tin về thị trường, chính sách kinh tế,…để có cái nhìn hệ thống về rủi ro có thể xảy ra trong một bối cảnh cụ thể trước khi ra quyết định. Việc ra quyết định cho vay cần phải có sự kiểm tra kỹ lưỡng. Đối với những khoản vay phải thông qua Hội đồng tín dụng thì càng ẩn chứa rủi ro cao không hoạt động theo tính hình thức, cần quy định thời gian nghiên cứu hồ sơ cụ thể và phải có ý kiến bằng văn bản của tất cả thành viên hội đồng trước khi họp để ra quyết định.
Thứ tư, Giai đoạn kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay. Một khoản vay có hiệu quả sẽ phụ thuộc không ít vào việc kiểm tra tín dụng. Ngay cả đối với các khoản vay tốt nhất cũng cần có một số kiểm tra nhất định, định kỳ để đảm bảo nó đang hoạt động theo dự kiến, tình trạng của khoản vay không xấu đi. Vì vậy, giai đoạn này mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu rủi ro trước khi nó xảy ra, gây hậu quả nặng nề với phần vốn vay.
Thứ năm, Ngoài việc trực tiếp kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, nên có một cơ chế kiểm tra chéo trong giai đoạn này để bảo đảm tính khách quan trong kiểm tra, nếu có điều kiện, có thể thành lập một bộ phận kiểm tra sử dụng vốn chuyên biệt cho những món vay lớn, có tầm quan trọng đặc biệt để nhận diện rủi ro ngay từ khi mới phát sinh.