Khi tham gia vào thị trường xuất nhập khẩu GDĐH quốc tế, đối với mọi quốc gia, kể cả quốc gia phát triển và đang, chậm phát triển, đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như sau:
- Cạnh tranh trong lĩnh vực GDĐH trên toàn thế sẽ khốc liệt, đặc biệt về mặt chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, và khả năng kết nối với công nghiệp và dịch vụ xã hội. Các trường đại học nước ngoài, đến từ các quốc gia phát triển, vẫn luôn có lợi thế và chiếm vị trí hàng đầu về chất lượng, sinh viên ra trường có việc làm ngay, lương cao, cơ hội làm việc quốc tế.
- Nếu không tạo ra được những cơ sở đào tạo có khả năng cạnh tranh được với các cơ sở nước ngoài, các trường đại học ở các nước nghèo sẽ đánh mất dần niềm tin của dân chúng vào hệ thống GDĐH trong nước, mất đi sự ủng hộ về chính sách và nguồn vốn cấp cho GDĐH (nhất là nguồn huy động và đóng góp của người học, của xã hội) có thể vì thế mà cạn kiệt dần.
- Xuất hiện hiện tượng di cư chất xám theo các phong trào du học, tìm việc làm ở nước ngoài tự phát và không kiểm soát được (mất tiền, thất thoát chất xám, thiếu hụt nguồn nhân lực) phục vụ phát triển đất nước.
- Các trường đại học tư thục sẽ xuất hiện nhiều hơn, thách thức khả năng quản lý và kiểm soát chất lượng của ngành giáo dục và đào tạo.
- Đào tạo qua biên giới, e-learning sẽ xuất hiện nhiều hơn đòi hỏi phải có cơ chế quản lý thích hợp nhằm hạn chế tình trạng “degree mill” (nhà máy sản xuất bằng) làm rối loạn xã hội với các bằng cấp không đảm bảo chất lượng.
- Liên tục điều chỉnh quy trình, tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi các cơ sở GDĐH phải năng động hơn và quy trình đánh giá, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, tin cậy hơn (kiểm toán độc lập, kiểm định độc lập).
- Luật pháp, chế độ, chính sách phải thay đổi để phù hợp với quy định WTO, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục nước ngoài, cắt bỏ trợ cấp với các cơ sở trong nước, gỡ bỏ rào cản thương mại dịch vụ… là bất lợi trước mắt đối với các trường đại học ở các nước nghèo, nhất là các trường đại học công lập.
- Hệ thống GDĐH ở các nước nghèo, chủ yếu chỉ nhập khẩu GDĐH nên phần lớn chưa có những nghiên cứu sâu để có khả năng và lợi thế tích cực cho quá trình hội nhập. Chưa có kế hoạch hành động cụ thể trong khi GDĐH quốc tế rất sôi động và lão luyện trong thị trường xuất nhập khẩu giáo dục đại học.
1.2.4.2. Rủi ro
- Thứ nhất, rủi ro có thể từ việc tăng số lượng các nhà cung cấp kém chất lượng.
TS Mark A.Ashwill - Viện Giáo dục quốc tế (IIE) tại Việt Nam đã cảnh báo như vậy khi nghiên cứu về thị trường giáo dục ở Việt Nam. Ông cho biết một số trường đại học Mỹ coi Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để mở rộng thị trường giáo dục của mình. Một số lượng ngày càng lớn các trường đại học và cao đẳng Mỹ đang nhằm vào Việt Nam để xây dựng những chương trình du học tại chỗ hoặc từ xa. Hầu hết những trường này có ý định tốt, mục đích chính là họ đáp ứng nhu cầu cấp thiết và cung cấp một nền giáo dục có chất lượng với chi phí thấp nhất có thể được. Tuy nhiên, một số trường khác thì nhận thấy đây là cơ hội vàng cho họ kiếm một món lời khổng lồ từ thị trường đầy triển vọng. Và thực tế một số trường đại học Mỹ không được thẩm
định (chỉ có trên danh nghĩa, không có trụ sở ở Mỹ) đã tiến hành kinh doanh và đang tìm cách vào Việt Nam.
- Thứ hai, rủi ro từ việc các nhà cung cấp nước ngoài chỉ tập trung vào những
ngành mang lại lợi nhuận và yêu cầu đầu tư ít và những ngành đó sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn so với các trường đại học ở trong nước.
- Thứ ba, rủi ro từ sự sụt giảm trong tài trợ công nếu có nhiều nhà cung cấp nước ngoài.
- Thứ tư, rủi ro khi số lượng các nhà cung cấp GDĐH nước ngoài không ổn
định nếu lợi nhuận thấp. Cùng đó việc cho phép các nhà cung cấp giáo dục ở nước ngoài đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm một sự tiếp cận giáo dục công bằng cho các sinh viên.
- Thứ năm, rủi ro khi bằng cấp do nước ngoài cấp không được các nhà tuyển
dụng trong nước chấp nhận, sử dụng quá nhiều tiếng Anh như là ngôn ngữ phổ cập, và mục tiêu chính sách GDĐH quốc gia không đạt được. Vì mục tiêu lợi nhuận, số lượng các bằng cấp, chứng chỉ cung cấp hàng loạt sẽ tăng lên. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục này không phải là nhà cung cấp ở trong nước. Do đó việc phát triển quy trình đăng ký hoạt động và cấp phép của các tổ chức cung cấp giáo dục là rất quan trọng.