1/5 hay 1/3. Chính WB (2004) cũng đã có nhận xét: “Chi tiêu bình quân trên đầu SV công lập (ở Việt Nam) đạt từ 53% đến 57% GDP/đn, con số này thấp hơn nhiều so với bình quân của 117 quốc gia trên thế giới có số liệu, khoảng 93%GDP/đn. (GS Phạm Phụ, & kiến nghị về chính sách/giải pháp cho GDĐH)
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại trong giáo dục, các quốc gia, kể cả quốc gia xuất khẩu lẫn quốc gia nhập khẩu giáo dục đại học phải đối mặt với nhiều bài toán khác nhau. Ở các nước xuất khẩu giáo dục đại học lớn như Anh, Mỹ và Úc, và ở chừng mực nào đó là New Zealand, khu vực giáo dục tư nhân chiếm tỷ lệ nhỏ, trong khi các cơ sở giáo dục công lập rất giỏi trong việc khai thác các cơ hội thương mại, ở cả chính quốc và nước ngoài. Ở những nước này, các cơ sở giáo dục đại học thường được đặt gần với các trung tâm quyền lực của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, và có đủ nguồn lực để cạnh tranh với các trường nước ngoài có hoạt động trong phạm vi biên giới nước đó. Ở các nước nhập khẩu, tình hình lại rất khác. Khu vực giáo dục tư nhân ở những nước này thường là rất lớn, và tập trung vào các chương trình mang tính thị trường trong khi các trường thuộc hệ thống công lập lại dạy các chương trình theo định hướng ưu tiên phát triển của chính phủ. Chính phủ thường có kế hoạch phát triển giáo dục đại học phục vụ cho sự nghiệp phát triển quốc gia, thường kế hoạch này khác với “định hướng” mà “bàn tay của thị trường” sẽ tác động lên các nhà cung cấp, và những sự khác biệt này ngày càng trở nên phổ biến ở các nước mà giáo dục đại học tư thục xuyên quốc gia đang nở rộ. Các nước nhập khẩu dường như bị cuốn theo các nước xuất khẩu trên con đường tự do hóa thương mại dịch vụ giáo dục đại học. Tuy nhiên, xét đến mong muốn hình thành khu vực tư nhân, họ sẽ cố gắng đưa vào các cam kết mậu dịch các cơ chế cho phép họ duy trì khả năng định hướng sự phát triển của khu vực tư nhân và được lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài họ cho phép thành lập chi nhánh.
Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết khá sâu, rộng trong mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục đại học. Việt Nam có một thị trường GDĐH khá hấp dẫn với các nước xuất khẩu giáo dục, với số lượng hơn một triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm. Hệ thống GDĐH trong nước khó đáp ứng được yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng đối với một nhóm đối tượng có khả năng chi trả. Số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn “nhập siêu’ về giáo dục đại học. Sau 3 năm gia nhập WTO, thị trường nhập khẩu giáo dục đại học Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp. Việt Nam hầu như chưa có chiến lược quốc gia về xuất khẩu giáo dục đại học. Nhiều chính sách quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu GDĐH Việt Nam vẫn dựa trên quan điểm xem GDĐH không phải là dịch vụ. Hệ thống các định chế pháp lý chưa đầy đủ và chưa phản ánh hết hiện thực sinh động. Cơ chế quản lý còn quá tập trung, quan liêu, xin cho và thiếu hệ thống giám sát chất lượng một cách hiệu quả.
Để có thể tận dụng được những cơ hội do tự do hóa thương mại dịch vụ giáo dục đại học đem lại và hạn chế những tác động tiêu cực cuả nó, Việt Nam cần học hỏi từ các quốc gia đi trước và phải tạo ra một hệ thống các chính sách đồng bộ trong việc điều chỉnh hoạt động xuất - nhập khẩu giáo dục đại học, bắt đầu từ việc đổi mới hành lang pháp lý và cơ chế chính sách cho xuất - nhập khẩu GDĐH theo cơ chế thị trường có định hướng XHCN và cam kết GATS; xây dựng các chính sách quản lý và phân bổ ngân sách và đầu tư nhằm khuyến khích và phát triển năng lực xuất - nhập khẩu GDĐH Việt Nam; khuyến khích mở rộng hợp tác song phương bên cạnh khuyến khích cá nhân và cộng đồng xã hội đầu tư cho GDĐH có chất lượng cao ở trong nước nhằm thu hút du học sinh tại chỗ; đến việc xây dựng chính sách học bổng hoặc cho vay du học tại chỗ để điều tiết người du học hướng đến thị trường trong nước, nhằm hướng đến thực hiện chiến lược lựa chọn mũi nhọn ưu tiên để nhanh chóng phát triển, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu dịch vụ GDĐH Việt Nam.
Với những bước đi đúng đắn của mình, các cam kết GATS sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng cũng như năng lực tranh của các trường đại học trong nước dẫn đến giảm tình trạng nhập siêu giáo dục đại học, hướng đến việc chuyển đổi cán cân xuất nhập khẩu giáo dục đại học trong 10 – 15 năm tới.
Một số kiến nghị đối với các cấp quản lý nhằm xây dựng và thực thi tốt hơn các chính sách quản lý xuất nhập khẩu giáo dục đại học cho giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020:
i. Kiến nghị với chính phủ:
Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các Nghị định làm nền tảng pháp lý để thay thế hoàn toàn hai Nghị định 18 và 06. Việc chậm chễ ban hành Nghị định thay thế sẽ là một cản trở lớn để Việt Nam tham gia hội nhập trong bối cảnh giáo dục xuyên quốc gia và GATS. Mặt khác, bởi vì hai Nghị định 18 và 06 được ban hành vào đầu những năm 2000, trong bối cảnh giáo dục trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi lớn lao, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cùng với các cam kết GATS thì Việt Nam đang dường như “ưu tiên hơn” cho các đối tác nước ngoài trên thị trường giáo dục của Việt Nam.
Chính phủ cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các trường đại học với điều kiện các trường này phải nhanh chóng xây dựng và triển khai các chương trình có đẳng cấp chất lượng (có thể tự xây dựng hoặc nhập khẩu), và các tiêu chí cụ thể như giảng dạy bằng tiếng ngoài, có một tỉ lệ nhất định sinh viên nước ngoài theo học và giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy.
Chính phủ cho phép các chương trình cho vay để đi học đối với sinh viên các chương trình có chất lượng cao trong nước và liên kết (du học tại chỗ) với mức học phí cao khác biệt. Đây là các chương trình được xem như là đặc biệt để đáp ứng các nhu cầu cao cấp của người học, tránh tình trạng người học Việt Nam phải chi trả tiền học và sinh hoạt phí (thường là cao hơn rất nhiều) ở các nước khác.
ii. Kiến nghị với Bộ Giáo dục & Đào tạo:
Trong khi chờ đợi có Nghị định thay thế hai Nghị định 18 và 06, Bộ Giáo dục và Đào tạo (cùng với các Bộ ngành hữu quan khác) cần ban hành các Thông tư mới để hướng dẫn sát hơn (trong bối cảnh mới) hai Nghị định 18 và 06. Điều này rất quan trọng để Việt Nam nắm bắt được các cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo thông qua hội nhập, mặt khác, tránh những bất lợi, thậm chí tổn thất cho phía đối tác là các cơ quan, tổ chức, trường học của Việt Nam, nhất là trong những năm tới khi mà Việt Nam thực hiện sâu hơn các cam kết GATS.
Bộ cần có các chủ trương và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích các trường đại học Việt Nam chủ động và quyết tâm trong xây dựng các chương trình có chất lượng cao (tự xây dựng hoặc nhập khẩu) để đáp ứng nhu cầu người học trong nước (thu hút du học tại chỗ) và nhu cầu người học nước ngoài (du học sinh nước ngoài đến Việt Nam) để một mặt hạn chế chảy “máu chất xám và tiền” ra nước ngoài, mặt khác qua đó có thể thu hút được một số chất xám xuất sắc ở lại lao động tại Việt Nam như một số nước trong khu vực đã thực hiện thành công.
Bộ cần có những kiến nghị cụ thể và lộ trình thực hiện khả thi để nhanh chóng có chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam để từng bước thay thế một phần nhập khẩu, nhanh chóng phát triển các dịch vụ giáo dục đại học (dựa trên các lợi thế của Việt Nam) để xuất khẩu, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nhập siêu như hiện nay. Các ngành học có lợi thế và có thể phát triển để xuất khẩu ngay của Việt Nam có thể kể đến như: Sư phạm toán và tổng hợp toán; Nông nghiệp và Lâm nghiệp; Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Giáo dục và xóa mù chữ; v.v.