Hệ thống văn bản pháp luật không được ban hành kịp thời, gây nhiều trở ngại cho hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Một phần của tài liệu Chính sách quản lý xuất, nhập khẩu giáo dục đại học việt nam trong bối cảnh giáo dục xuyên quốc gia và GATS (Trang 82 - 84)

ngại cho hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Phải đến 3 năm sau khi Luật Giáo dục 1998 ra đời, Nghị định 18 mới được ban hành vào tháng 5/2001. Thậm chí, phải mất khoảng 12 năm sau khi Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên ra đời (29/12/1987), và phải sau bốn năm Luật đầu tư nước ngoài lần thứ hai được ban hành (1996) thì cơ chế hoạt động hợp tác và đầu tư có yếu tố nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo mới được thông qua với sự ra đời của

Nghị định 06, ban hành năm 2000. Bên cạnh đó, các Bộ có liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất chậm trễ trong khâu phối kết hợp với nhau để soạn thảo và ban hành các Thông tư hướng dẫn chuyên ngành đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đơn cử như gần 2 năm sau khi Nghị định 18 có hiệu lực, vào tháng 3/2003, Thông tư 15 mới được ban hành. Tháng 4/2005, tức là sau hơn 5 năm Nghị định 06 có hiệu lực, Thông tư liên tịch 14 mới được ban hành. Trong quá trình Thông tư 14 chưa được ban hành, không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các trường đại học đối với những dự án đào tạo trình độ đại học và trên đại học. Vì vậy, ngày 10/1/2003 Chính phủ đã có Công văn số 180/VPCP-QHQT yêu cầu tạm dừng việc xem xét các dự án mới đào tạo trình độ đại học cho đến khi có thông tư hướng dẫn Nghị định số 06. Điều này đã tác động tiêu cực đến ý định của một số nhà đầu tư mong muốn thành lập trường đại học tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo ngắn hạn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký chương trình giảng dạy, bằng cấp, chứng chỉ,… do chưa được quy định rõ.

Trong năm 2005, đã có hai văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu giáo dục đào tạo, đó là Luật Giáo dục số 38/2005/ QH11 ngày 14

tháng 6 năm 2005, thay thế cho Luật Giáo dục 1998, và Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 đã thay thế cho Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996. Nội dung các văn bản Luật này đã một lần nữa tiếp tục khẳng định chủ chương khuyến khích hợp tác về giáo dục của nước ngoài tại Việt Nam (Khoản 1, Điều 109, Luật Giáo dục). Gần đây, ngày 29/4/2009, Quốc Hội đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài trong đó ghi rõ các quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài, các đơn vị có vốn liên doanh với nước ngoài, đương nhiên trong đó có tính đến các hoạt động đầu tư liên quan đến dịch vụ giáo dục vì vào thời điểm này Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO được 2 năm, và Hiệp định Song phương Việt – Mỹ đã có hiệu lực đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo (kể từ 1/1/1999).

Tuy nhiên, tới nay (giữa năm 2010), các văn bản Pháp lý quan trọng nhất quy định pháp lý điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam vẫn là Nghị định 18, Nghị định 06 và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Rõ ràng các văn bản quy phạm pháp lý này không thể đáp ứng được các thực tiễn sinh động đang diễn ra trong lĩnh vực đầu tư và liên kết nước ngoài về giáo dục và đào tạo. Việc biên soạn các Nghị định mới trên cơ sở bổ sung, điều chỉnh hai Nghị định 18, Nghị định 06 đã được tiến hành hơn hai năm nay nhưng chưa được ban hành để thay thế các Nghị định cũ.

Vì vậy, cho tới nay, Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có yếu tố nước ngoài vẫn trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện khiến các cơ sở đào tạo vẫn phải tiếp tục áp dụng các quy định cũ. Điều này đã cản trở không ít tiến trình hội nhập của giáo dục đào tạo Việt Nam vào thị trường giáo dục quốc tế. Về khía cạnh hội nhập, lĩnh vực giáo dục đào tạo đã tụt hậu một cách đáng kể so với các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác của Việt Nam, gây tổn thất không nhỏ và thua thiệt về mặt kinh tế, và hơn thế nữa, làm chậm quá trình đổi mới nâng cao trình độ tổ chức, quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ảnh hưởng đến tiến trình đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp CNH và HĐH đất nước.

Một phần của tài liệu Chính sách quản lý xuất, nhập khẩu giáo dục đại học việt nam trong bối cảnh giáo dục xuyên quốc gia và GATS (Trang 82 - 84)