- Nhập khẩu GDĐH là việc quốc gia này mua dịch vụ GDĐH từ quốc gia khác. Nói cách khác, đây chính là việc các trường đại học nước ngoài cung ứng dịch vụ cho người cư trú trong nước thông qua đầu tư nước ngoài 100% hoặc liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế về giáo dục đại học. Khi người học từ một quốc gia này đi sang quốc gia khác để theo học đại học thì tức là người đó (quốc gia đó) đã nhập khẩu dịch vụ GDĐH từ quốc gia khác đó vào quốc gia mình.
- Các nhân tố tác động đến nhập khẩu giáo dục đại học:
Sự tăng trưởng nhập khẩu dịch vụ GDĐH phụ thuộc vào thu nhập của người cư trú trong nước, vào tỷ giá hối đoái. Thu nhập của người dân trong nước càng cao, thì nhu cầu tiêu dùng đối với dịch vụ GDĐH nhập khẩu càng cao. Tỷ giá hối đoái tăng, thì giá của GDĐH nhập khẩu tính bằng nội tệ trở nên cao hơn. Do đó, nhu cầu nhập khẩu GDĐH sẽ giảm đi.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, thì nhu cầu có bằng cấp quốc tế để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế, ngày càng tăng cao. Như vậy, thị trường lao động quốc tế đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy người học tìm đến
chương trình đào tạo khác, quốc gia khác để chuẩn bị cho tương lai công ăn việc làm của mình.
Đối với các nước chậm và đang phát triển, sự cần thiết phải nhập khẩu GDĐH là nhằm bổ khuyết các chương trình đào tạo mà trong nước không có hoặc có nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu người học. Mặt khác, do điều kiện không đủ về nguồn lực (giảng viên, cơ sở vật chất, kinh phí cấp từ nhà nước… ) nên thường các quốc gia chậm và đang phát triển áp dụng biện pháp quản lý số lượng sinh viên thông qua cấp chỉ tiêu (quota) tuyển sinh. Như vậy, đồng thời với quá trình đảm bảo chất lượng thông qua giám sát chặt số lượng tuyển sinh thông qua quota, các quốc gia này thường phải đối mặt với tình trạng áp lực tuyển sinh rất lớn, tỷ lệ số được theo học chỉ chiếm một phần trong số các thí sinh dự tuyển. Đây chính là thị trường “béo bở” cho các nhà xuất khẩu GDĐH.