Giáo dục đại học Việt Nam trước khi gia nhập WTO

Một phần của tài liệu Chính sách quản lý xuất, nhập khẩu giáo dục đại học việt nam trong bối cảnh giáo dục xuyên quốc gia và GATS (Trang 69 - 71)

c) Định chế trong nước

3.1.1 Giáo dục đại học Việt Nam trước khi gia nhập WTO

Có thể nói, giáo dục đại học Việt Nam đã được hình thành từ giữa thế kỷ trước và chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Nga và Pháp. Khi khái quát hóa về sự hình thành, nguồn gốc, trường phái và lý giải tại sao giáo dục Việt Nam lại khá “tinh hoa, hàn lâm” và xa rời thực tế, GS. Phạm Phụ đã sử dụng sơ đồ sau để mô tả về nguồn gốc và sự chịu ảnh hưởng chủ yếu của giáo dục đại học Việt Nam.

Hình 3.1: Nguồn gốc và các tác nhân chủ yếu ảnh hưởng đến GDĐH Việt Nam. Hầu hết các nhà khoa học, trí thức đặt nền móng cho sự phát triển giáo dục đào tạo nói chung và từng lĩnh vực khoa học công nghệ nói riêng, đều được học tập theo mô hình giáo dục có chất lượng cao, khắt khe, nhưng cũng nổi tiếng là “hàn lâm, tinh hoa” của thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, là một nước Á đông, Việt Nam là một trong các quốc gia nơi mà tư tưởng Nho giáo vẫn là một “triết lý” ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống xã hội của từng người dân. Do đó, nhu cầu bằng cấp, văn hóa “khoa bảng” vẫn là tín hiệu của xã hội, của thị trường để định hướng người học, và do vậy, góp phần ảnh hưởng và định hướng sự phát triển của giáo dục và đào tạo.

Với chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp nặng để trở thành “lãnh đạo” (leader) thế giới, và để cạnh tranh trực diện với Hoa kỳ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô (cũ) đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Phần lớn các cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học Việt Nam được đào tạo từ nền giáo dục đại học Xô viết (hoặc ở các nước Đông Âu nơi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng này). Với sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chiến lược phát triển đất nước là “Ưu tiên phát triển Công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển Công nghiệp nhẹ và Nông nghiệp”. Do vậy, trong suốt thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, và tiếp đến năm cuối 80 của thế kỷ trước, nền giáo dục đại học Việt Nam đã in đậm dấu ấn của chiến lược phát triển đất nước theo đúng đường lối của Đảng và Nhà nước. Giáo dục đại học đã phát triển làm nền tảng cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo và khoa học công nghệ, phụng sự cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng các nền tảng ban đầu của CNXH.

Trong hơn 20 gần đây, trong tiến trình đổi mới, GDĐH Việt Nam đã có những chuyển biến cơ bản, theo hướng đa dạng, năng động, linh hoạt và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người học. Có ba đặc trưng cơ bản là: (i) giáo dục và đào tạo đã có chuyển biến lớn về chất là đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN. (ii) Hệ thống kinh tế đã chuyển từ hệ thống đóng sang hệ thống mở, và do vậy, tất cả các ngành sản xuất, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục ... cũng từng bước chuyển sang là một nền kinh tế hàng hóa dịch vụ mở. (iii) Giáo dục đại học Việt Nam đã có hai cơ chế (lợi nhuận, không lợi nhuận) để có thể huy động được sự tham gia và đóng góp cộng đồng, cũng như khuyến khích động viên mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, và bước đầu chấp nhận canh tranh trong khu vực giáo dục, nhất là giáo dục đại học.

Tuy nhiên, nếu so với các Bộ ngành khác thì ngành giáo dục và đào tạo vẫn còn có nhiều mặt còn đóng hơn, còn mang nặng dấu ấn của nền kinh tế tập trung quan liêu. Giáo dục đại học còn mang tính xin cho về chỉ tiêu tuyển sinh, và còn rất nhiều bảo thủ trong chuyển đổi nội dung và phương pháp. Cơ chế quản lý vẫn còn nặng thụ động, ít quyền tự chủ. Cơ sở vật chất còn rất lạc hậu, manh mún. Quy mô đào tạo còn nhỏ lẻ và thiếu sự phối hợp nội tại trong từng trường và trong từng địa phương và trên cả hệ thống. Đó chính là những đặc trưng nổi lên của giáo dục đại học của thời kỳ trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Một phần của tài liệu Chính sách quản lý xuất, nhập khẩu giáo dục đại học việt nam trong bối cảnh giáo dục xuyên quốc gia và GATS (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w