Nguyên nhân từ phía ngƣời lao động

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học : Đình công tại thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ ) (Trang 86 - 89)

- Về giải quyết những vấn đề sau đình công

2.5.2.Nguyên nhân từ phía ngƣời lao động

Tranh chấp lao động tập thể, mà đỉnh cao là đình công của tập thể lao động xảy ra khi có quan hệ đối kháng về lợi ích giữa một bên là người chủ nắm tư liệu sản xuất (NSDLĐ) với một bên là NLĐ làm thuê cho người chủ sở hữu tư liệu sản xuất đó. Trong thực tế, để xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến đình công thường là do NSDLĐ gây nên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có phần trách nhiệm của NLĐ Việt Nam, mặc dù đây không phải là nguyên nhân chủ yếu hay có tính quyết định. Nguyên nhân đình công từ phía NLĐ Việt Nam có thể được lý giải trên các khía cạnh sau:

- Trình độ, kiến thức, kinh nghiệm ứng xử… của NLĐ Việt Nam

còn rất hạn chế.

Tính đến cuối năm 2006 có khoảng 383.392 NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, trong đó chỉ có khoảng 10% trình độ đại học và cao đẳng. Điểm nổi bật của NLĐ Việt Nam là tuổi đời trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử. Phần đông NLĐ xuất thân từ nông dân, học sinh nên thiếu sự hiểu biết về các quy định của pháp luật lao động, chưa nắm vững

các chế độ chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mình để tiến hành ký kết HĐLĐ đúng đắn. Thêm vào đó, nhiều người vừa rời khỏi ghế nhà trường, rời khỏi nghề nông, đang ở môi trường tự do thoải mái, nay chỉ mới qua đào tạo ngắn hạn là bước vào làm việc ngay nên chưa quen với tác phong công nghiệp dẫn đến thiếu ý thức kỷ luật, không chấp hành nội quy lao động. Do đó, khó tránh khỏi những va chạm, xung đột với giới chủ hoặc chuyên gia của họ, làm cho giới chủ có sự phản ứng tiêu cực, dẫn đến mâu thuẫn phát sinh tranh chấp.

Trong một số trường hợp NLĐ Việt Nam, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, chế biến nông sản… đa số không có tay nghề cao vì thế thu nhập của họ khá thấp. Trong khi đó định mức lao động cao làm cho NLĐ không còn thu nhập nào hơn và họ quay ra đòi hỏi những sự đãi ngộ vượt quá quy định của pháp luật, mà thực ra muốn giải quyết đòi hỏi đó thì nhất quyết phải có sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ. Vì những đòi hỏi đó pháp luật không bắt buộc, như đòi tiền ăn trưa, ăn giữa ca, xe đưa đón, thưởng trong các ngày lễ, tết…

- Thiếu hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là pháp luật lao động.

Trình độ văn hóa, nhận thức, sự hiểu biết về xã hội, pháp luật của NLĐ cũng còn nhiều hạn chế. Họ không hiểu rõ việc phải chấp hành đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đã cam kết khi ký HĐLĐ. Nhiều khi họ thiếu bình tĩnh, đấu tranh tự phát không theo tổ chức, họ có những suy nghĩ khá đơn giản về đình công và tranh chấp lao động. Chẳng hạn một nữ công nhân ở công ty đã hai lần xảy ra đình công nói: “Công nhân tụi em khi bất bình với chủ chỉ cần hê lên một tiếng là đình công nổ ra. Bởi vậy chủ rất …ngán”. Trong cuộc đình công tại liên doanh ASC, một nữ công nhân ở đây lập luận: “Có bất bình thì cứ đình công đã, sai đúng để…tính sau”. Hay như vụ đình công vào sáng ngày 01/06/2004, trên 700 công nhân thuộc công ty PRINTA (KCX Linh Trung, thành phố Hồ Chí Minh) đã đồng loạt đình công nhằm yêu cầu ban giám đốc công ty không được thay đổi trưởng xưởng người Việt Nam bằng các chuyên viên người Trung Quốc. Theo giới lãnh đạo công ty thì trưởng xưởng người Việt Nam thiếu năng lực, không đáp ứng được yêu cầu công

việc buộc công ty phải thay bằng các chuyên gia người Trung Quốc. Phía công nhân thì lo sợ rằng khi thay trưởng xưởng bằng một chuyên gia Trung Quốc thì “sẽ gây nhiều bất lợi” cho công nhân. Cuối cùng công nhân chọn giải pháp đình công để phản đối quyết định của công ty.

Trong thời gian qua không thiếu những kiểu đình công “tự do” như trên: Một doanh nghiệp sửa cổng ra vào thông báo công nhân đi cổng sau - đình công. Nghe phong thanh không có tiền thưởng tết (chưa có thông báo chính thức từ phía doanh nghiệp) - đình công. Chế độ nghỉ dưỡng sức qui định trong BHXH là để dành cho người đau yếu, nay nghe thấy phân chia không hợp lý - đình công…

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp vì nhu cầu việc làm mà NLĐ phải khai là không có tay nghề (như thế mới được thu nhận) trong khi thực tế họ có tay nghề cao. Khi được tuyển dụng rồi NLĐ lại đòi hỏi quyền lợi như người có tay nghề cao, dẫn đến tranh chấp lao động giữa NLĐ và NSDLĐ và thế là đình công xảy ra. Cá biệt còn có trường hợp NLĐ lấy cắp tài sản, sản phẩm, giấu sản phẩm buộc NSDLĐ phải có biện pháp đối phó như khám xét trước khi ra về, cúp lương, đuổi việc…

- Sự tự ti, mặc cảm và tính tự ái cao.

Sự tự ti, mặc cảm về thân phận làm thuê, tính tự ái cao và thói quen của người nông dân sản xuất nhỏ, sự thiếu trung thực của một bộ phận NLĐ cũng là tác nhân dẫn đến tranh chấp lao động tập thể mà đỉnh điểm là đình công. Chẳng hạn trong vụ chuyên gia công ty Samyang đánh công nhân Việt Nam ngất xỉu (cuối cùng chuyên gia này bị truy tố) có lý do là công ty quy định nếu sản phẩm nào bị lỗi, hư thì cứ để trên bàn và công ty sẽ không phạt, không trừ lương. Nhưng công nhân Việt Nam không thực hiện như vậy mà lại đem sản phẩm lỗi bỏ vào thùng rác, khi vị chuyên gia này phát hiện đã gọi một số nữ công nhân, tổ trưởng ra bắt xếp hàng ngoài sân nắng để hỏi và diễn ra hành vi đánh công nhân. Do đó, trong việc này nếu NLĐ Việt Nam thực hiện đúng quy định của doanh nghiệp thì có lẽ chưa chắc có vụ hành hung đó và vấn đề đình công có thể không xảy ra.

Từ những vấn đề trên cho thấy NLĐ đã có phần lạm dụng đình công, biến đình công từ chỗ là vũ khí đấu tranh cuối cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi bị NSDLĐ xâm phạm thành vũ khí đầu tiên làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Điều này cũng lý giải vì sao 100% các vụ đình công đã không diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.

- Tâm lý a dua

Một đặc điểm tâm lý không tốt của NLĐ Việt Nam là tâm lý a dua. Đây cũng có thể coi là một nguyên nhân dẫn đến đình công, dù không phải là nguyên nhân chính yếu. Khảo sát các vụ đình công vào thời điểm cuối năm 2006, đầu năm 2007 tại khu chế xuất Linh Trung cho thấy có tình trạng này. Khi đình công xảy ra ở một doanh nghiệp với yêu sách tăng lương theo mức lương khởi điểm mới thì ngay những ngày sau đó ở hàng loạt doanh nghiệp khác cũng xảy ra đình công, tạo nên tình tạng đình công ồ ạt ở hàng chục doanh nghiệp, kéo dài hơn hai tuần lễ. Trong tình trạng NLĐ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thường thuê mướn ở những khu nhà trọ gần nhau, thông tin về đình công đã lan truyền nhanh chóng làm cho NLĐ bắt chước nhau đình công để đòi hỏi quyền lợi.

Tâm lý a dua còn thể hiện ở chỗ những người ở khác bộ phận trong cùng một doanh nghiệp, thấy bạn bè cùng làm việc thực hiện đình công thì họ cũng đình công “cho vui”. Kết quả điều tra xã hội học của chúng tôi cho thấy có một tỉ lệ khá cao(46,2%) NSDLĐ khi được hỏi đã lựa chọn nguyên nhân đình công là do NLĐ tham gia theo phong trào và 15,4% NSDLĐ cho rằng NLĐ đình công là do bị bạn bè “rủ rê”. Tuy nhiên, đối với NLĐ thì khác, chỉ một bộ phận (12,8%) NLĐ thừa nhận nguyên nhân này.

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học : Đình công tại thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ ) (Trang 86 - 89)