Trong 7 năm qua (2001-2007) kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển ổn định, bình quân mỗi năm GDP tăng 11%. Môi trường đầu tư và kinh doanh của thành phố được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế đã thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Cơ cấu lao động của thành phố có sự chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế của thành phố.
Những chuyển biến tích cực của nền kinh tế và hệ thống pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…) được đổi mới thông thoáng đã tạo thuận lợi cho sự xuất hiện các doanh nghiệp và sự phát triển của các thành phần kinh tế. Đồng thời nó cũng thúc đẩy việc thực hiện chương trình việc làm cho người dân thành phố, giải quyết được phần lớn lao động từ các tỉnh, thành phố đến thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm. Chương trình việc làm cho người lao động gắn liền với thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của thành phố. Kinh tế phát triển tạo điều kiện nâng cao thu nhập của người dân cũng như góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội của thành phố.
Với vị trí thuận lợi cơ bản, đến 31/12/2005 thành phố đã có 30.477 doanh nghiệp trong nước, 1.222 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng với trên 310.000 cơ sở kinh tế cá thể, hộ gia đình đã tạo nên một thị trường lao động phát triển. Với quy mô sản xuất ngày càng tăng, thành phố đang đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, đây cũng là cơ hội cho những người lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện tìm được việc làm mới, nâng cao thu nhập trong giai đoạn hiện nay. Với sự phát triển của mình, thành phố Hồ Chí Minh có những thuận lợi rất cơ bản nhưng cũng có những khó khăn nhất định trong thu hút lao động, tạo việc làm.