Nội dung các khoản thu ngân sách Nhà nước

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 33 - 37)

II. Nội dung của ngân sách Nhà nước

1. Thu ngân sách Nhà nước

1.2. Nội dung các khoản thu ngân sách Nhà nước

(1) Thu từ thuế, lệ phí, phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định.

* Thuế là hình thức động viên bắt buộc một phần thu nhập của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cho Nhà nước nhằm đảm bảo nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Thuế ra đời và phát triển gắn với sự tồn tại và phát triển của Nhà nước.

Những loại thuế đầu tiên trong lịch sử loài người xuất hiện cùng với Nhà nước chiếm hữu nô lệ. Ban đầu thuế được thu bằng hiện vật, sau đó, khi nền kinh tế hàng hóa tiền tệ phát triển hơn, thuế được thu dưới hình thức giá trị. Nhà nước sử dụng thuế thông qua hệ thống thuế, một mặt để huy động nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mặt khác coi thuế là công cụ phân phối quan trọng tác động vào quá trình quản lý và điều tiết hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Đặc điểm quan trọng nhất của thuế là tính bắt buộc, tính không hoàn trả trực tiếp và tính pháp lý cao.

Hiện nay, hệ thống thuế của Việt Nam bao gồm các sắc thuế chủ yếu sau:

Thuế giá trị gia tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu Thuế tài nguyên

Thuế sử dụng đất nông nghiệp Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp Thuế bảo vệ môi trường

Thuế thu nhập doanh nghiệp Thuế thu nhập cá nhân Thuế môn bài.

* Phí và lệ phí:

Phí là khoản thu do Nhà nước quy định nhằm bù đắp một phần chi phí của ngân sách Nhà nước đầu tư, xây dựng, mua sắm, bảo dưỡng và quản lý tài sản, tài nguyên hoặc chủ quyền quốc gia để phục vụ các tổ chức, cá nhân hoạt động sự nghiệp, hoạt động công cộng hoặc lợi ích công cộng theo yêu cầu, không

mang tính kinh doanh. Ví dụ như học phí, viện phí, phí qua cầu, phà, phí bảo vệ môi trường….

Lệ phí là khoản thu do Nhà nước quy định đối với tổ chức, cá nhân để Nhà nước phục vụ công việc quản lý hành chính Nhà nước theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật. Ví dụ như lệ phí hộ tịch, lệ phí trước bạ, lệ phí chứng thư, lệ phí cấp giấy phép hành nghề đăng ký kinh doanh….

Hiện nay, trong phạm vi cả nước, ở tất cả các bộ ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố có khoảng 300 loại phí, khoản phí được phép thu do Chính phủ quy định trong Danh mục chi tiết ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.

(2) Các khoản thu từ các hoạt động kinh tế của Nhà nước. Nhà nước tham gia hoạt động kinh tế và thu được lợi nhuận trên phần vốn đầu tư của mình. Các khoản thu này tồn tại dưới nhiều hình thức, biểu hiện hoạt động kinh tế đa dạng của nhà nước. Bao gồm tiền thu hồi vốn của Nhà nước tại các cơ sở kinh tế; thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (cả gốc và lãi); thu nhập từ vốn góp của Nhà nước vào các cơ sở kinh tế, kể cả thu từ lợi nhuận sau khi thực hiện nghĩa vụ về thuế của các tổ chức kinh tế có sự tham gia góp vốn của Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

(3) Các khoản thu từ việc khai thác tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước dưới các hình thức như tiền sử dụng đất, thu từ hoa lợi công sản và đất công ích; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; phần nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật từ tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu Nhà nước

(4) Các khoản thu viện trợ, đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bao gồm:

Đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước như đóng góp cho quỹ phòng chống thiên tai, ủng hộ đồng bào bão lụt, quỹ an ninh ….

Các khoản viện trợ không hoàn lại bằng tiền hoặc bằng hiện vật của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ, các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.

(5) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật như các khoản di sản Nhà nước được hưởng; thu từ tiền phạt, tịch thu, tịch biên tài sản; thu hồi dự trữ Nhà nước, thu chênh lệch giá, phụ thu ….

Để thuận tiện trong quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước. Người ta tiến hành phân loại thu ngân sách Nhà nước theo các tiêu chí sau:

* Theo nội dung kinh tế. Việc phân loại theo tiêu thức này nhằm thấy rõ sự phát triển của nền kinh tế, tính hiệu quả của nền kinh tế. Theo cách phân loại này, thu ngân sách Nhà nước bao gồm

- Nhóm thu thường xuyên có tính chất bắt buộc (như thuế, phí, lệ phí)

- Nhóm thu không thường xuyên bao gồm: các khoản thu từ hoạt động kinh tế của nhà nước, thu từ hoạt động sự nghiệp, tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước; các khoản thu viện trợ, đóng góp ủng hộ và các thu khác…

* Theo sự phân cấp ngân sách nhà nước bao gồm thu ngân sách trung ương và thu ngân sách các cấp chính quyền địa phương.

- Nguồn thu của ngân sách trung ương gồm:

+ Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%: như Thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa nhập khẩu; Thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành; Các khoản thuế và thu khác từ dầu khí theo quy định của Chính phủ; Tiền thu hồi vốn của ngân sách trung ương tại các tổ chức kinh tế, thu hồi tiền cho vay của ngân sách trung ương (cả gốc và lãi), thu từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương, thu nhập từ vốn góp của Nhà nước; Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam; Các khoản phí, lệ phí nộp vào ngân sách trung ương; Thu kết dư ngân sách trung ương; Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;

+ Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: bao gồm Thuế giá trị gia tăng, không kể thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu; Thuế thu nhập doanh nghiệp, không kể thuế thu

nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành; Thuế thu nhập cá nhân;

Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, không kể thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài từ lĩnh vực dầu, khí; Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa, dịch vụ trong nước; Phí xăng, dầu. Tỷ lệ phân chia do Chính phủ quyết định và tỷ lệ này được áp dụng thống nhất đối với tất cả các khoản thu được phân chia.

- Nguồn thu của ngân sách địa phương gồm:

+ Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%: bao gồm Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế tài nguyên (không kể thuế tài nguyên thu từ dầu, khí); Thuế môn bài; Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Tiền sử dụng đất; Tiền cho thuê đất; Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Lệ phí trước bạ; Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;Thu hồi vốn của ngân sách địa phương tại các tổ chức kinh tế, thu từ quỹ dự trữ tài chính của địa phương, thu nhập từ vốn góp của địa phương; Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương; Các khoản phí, lệ phí, thu từ các hoạt động sự nghiệp và các khoản thu khác nộp vào ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công xã khác; Huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước; Thu kết dư ngân sách địa phương; Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

+ Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

+ Thu bổ sung từ ngân sách trung ương bao gồm:

Thu bổ sung để cân đối ngân sách là mức chênh lệch giữa dự toán chi được giao và dự toán thu từ các nguồn thu được phân cấp (các khoản thu 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm). Số bổ sung cân đối này được xác định từ năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách và được giao ổn định từ 3 đến 5 năm.

Thu bổ sung có mục tiêu là các khoản bổ sung theo từng năm để hỗ trợ xã thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

+ Thu từ huy động đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định. Mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w