Phân phối lợi nhuận và sử dụng các quỹ trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 103 - 107)

IV. Chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành sản phẩm, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp

4. Lợi nhuận của doanh nghiệp

4.2. Phân phối lợi nhuận và sử dụng các quỹ trong doanh nghiệp

Phân phối lợi nhuận nhằm mục đích chủ yếu tái đầu tư, mở rộng năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích người lao động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Yêu cầu của công tác phân phối lợi nhuận:

- Giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và nhà nước.

- Phải dành một phần lợi nhuận để lại hợp lý cho nhu cầu tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp.

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được phân phối tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp:

- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu: Ở Việt Nam hiện nay, lợi nhuận sau thuế của các công ty Nhà nước nay được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được phân phối theo Thông tư 138/2010/TT-BTC. Cụ thể

theo trình tự sau:

Lợi nhuận thực hiện của công ty sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được phân phối như sau:

1. Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có);

2. Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế;

3. Trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính; khi số dư quỹ bằng 25% vốn điều lệ thì không trích nữa;

4. Trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ đã được Nhà nước quy định đối với công ty đặc thù mà pháp luật quy định phải trích lập;

5. Số lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các nội dung từ 1 đến 4 trên được phân phối theo tỷ lệ giữa vốn thuộc chủ sở hữu đầu tư tại công ty và vốn công ty tự huy động bình quân trong năm.

- Đối với các loại hình công ty khác: Lợi nhuận sau thuế được phân phối theo quy định trong điều lệ của công ty.

Phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp phải đảm bảo được các nguyên tắc sau:

- Đảm bảo cho quá trình tích lũy đầu tư mở rộng các hoạt động kinh doanh trong tương lai.

- Dự phòng để hạn chế những rủi ro gây tổn thất làm thiệt hại về mặt tài chính của doanh nghiệp, tạo ra sự an toàn trong kinh doanh.

- Tạo ra động lực kích thích nguồn lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài. Tạo ra sự thống nhất mục tiêu kinh tế giữa người đầu tư và người lao động.

Có thể khái quát chung về phân phối lợi nhuận ở các doanh nghiệp như sau:

- Trong năm (thường là hàng quý) doanh nghiệp tạm thời phân phối và sử dụng lợi nhuận theo quy định nhưng phải theo nguyên tắc: Số tạm phân phối và sử dụng không được vượt quá số lãi thực tế của từng kỳ hạch toán.

- Sang năm khi xác định lợi nhuận thực tế được phân phối chính thức của cả năm và quyết toán số đã tạm phân phối theo kế hoạch.

- Nhìn chung lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được phân phối như sau:

+ Khấu trừ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, phạt vị phạm chế độ kế toán, các khoản chi phí hợp lệ chưa được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp;

+ Khấu trừ các khoản lỗ chưa được tính vào lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp;

+ Chia lãi cho chủ sở hữu; liên doanh nếu có;

+ Trích lập các quỹ dự trữ cần thiết; chi trả lợi tức cổ phần;

+ Trích lập các quỹ chuyên dùng của doanh nghiệp;

+ Bổ sung vốn để tái đầu tư.

TÓM TẮT CHƯƠNG 3

1. Tài chính doanh nghiệp là hệ thống các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối các nguồn lực tài chính, được thể hiện thông qua quá trình huy động và sử dụng các nguồn tài chính, quỹ tiền tệ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu nhất định.

2. Để kinh doanh hàng hóa dịch vụ, các doanh nghiệp cần phải có vốn kinh doanh. Vốn kinh doanh có vai trò quyết định trong việc thành lập, hoạt động, phát triển của từng loại hình doanh nghiệp cũng như quyết định mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động và giảm giá thành của doanh nghiệp…Vốn kinh doanh của doanh nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, dựa trên các tiêu thức phân loại như phạm vi, thời gian tài trợ hay nguồn hình thành …Vốn kinh doanh của doanh nghiệp được sử dụng để đầu tư vào tài sản cố định, tài sản lưu động và để đầu tư tài chính với mục đích kiếm lời. Trong quá trình sử dụng vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp luôn có các biện pháp quản lý và bảo toàn vốn kinh doanh.

3. Chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền toàn bộ các hao phí về vật chất và lao động mà doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ nhất định. Các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ bao gồm chi phí cho việc sản xuất sản phẩm như chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hao mòn máy móc thiết bị, công cụ, dụng cụ, trả lương,… Ngoài ra doanh nghiệp còn phải chi phí cho việc tiêu thụ sản phẩm và các chi phí bằng tiền khác. Chi phí là cơ sở để tính giá thành sản phẩm, từ đó xác định chính xác giá bán. Chi phí có ý nghĩa trong việc tính toán đúng kết quả kinh doanh. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc quản lý chi phí, tiết kiệm chi phí, bởi vì nếu chi phí không hợp lý, không đúng với thực tế đều gây ra những trở ngại trong quản lý và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

4. Thu nhập của doanh nghiệp là số tiền mà doanh nghiệp thu được từ các hoạt động đầu tư kinh doanh. Lợi nhuận của doanh nghiệp là phần chênh lệch

giữa thu nhập và chi phí tương ứng phát sinh trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thiết lập một cơ chế phân phối lợi nhuận tốt là cần thiết để giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế của các đối tượng trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo ra động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Câu hỏi chương 3

1. Phân tích vai trò của tài chính doanh nghiệp?

2. Vốn kinh doanh là gì? Các phương thức huy động vốn kinh doanh?

3. Phân biệt giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm?

4. Trình bày các biện pháp bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp

5. Nhận xét về chế độ phân phối lợi nhuận của các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

Chương IV

Một phần của tài liệu giáo trình kinh tế học của trường cao đẳng kinh tế kế hoạch đà nẵng (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(231 trang)
w