II. Bảo hiểm kinh doanh
5. Các yếu tố cơ bản trong bảo hiểm kinh doanh
* Người bảo hiểm: là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân được nhà nước cho phép tiến hành hợp đồng bảo hiểm, được thu phí để lập ra quỹ bảo hiểm và chịu trách nhiệm bồi thường cho bên được bảo hiểm khi đối tượng được bảo hiểm gặp rủi ro.
* Người tham gia bảo hiểm là tổ chức, cá nhân đứng ra yêu cầu bảo hiểm cho chính mình hoặc cho người thứ ba và giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm. Để có thể giao kết hợp đồng bảo hiểm, người tham gia bảo
hiểm phải đảm bảo quy định về năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự. Bên cạnh điều kiện cơ bản đó, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của các quốc gia đều chú ý đến điều kiện thứ hai rất đặc thù của hợp đồng bảo hiểm:
người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm phải đảm bảo quy định về lợi ích có thể được bảo hiểm. Giữa đối tượng bảo hiểm (ví dụ: một loại tài sản hoặc sinh mạng của một người) và người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có quan hệ nhất định chiếu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Ngoài trách nhiệm đóng phí bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm còn có trách nhiệm khai báo chính xác rủi ro khi ký kết hợp đồng bảo hiểm đồng thời phải nhanh chóng kịp thời thông báo thiệt hại khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
* Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm, tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động, tuổi thọ là đối tượng được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Thông thường, người được bảo hiểm cũng là người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, những trường hợp người tham gia bảo hiểm khác người được bảo hiểm cũng không hiếm. Chẳng hạn, việc bảo hiểm thân thể cho trẻ em buộc phải có người khác đứng ra tham gia bảo hiểm.
* Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được nhận bồi thường hoặc tiền trả bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm. Thông thường, quyền lợi bảo hiểm thuộc về người được bảo hiểm, tuy nhiên trong một số trường hợp người được hưởng quyền lợi bảo hiểm lại là người khác. Phức tạp nhất là khi có sự khác nhau giữa người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm và người được hưởng quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người, đặc biệt là bảo hiểm cho sự cố chết của người được bảo hiểm. Vấn đề ai là người được nhận tiền trả bảo hiểm, trước hết được xác định cụ thể bằng việc chỉ định người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm bởi người tham gia bảo hiểm; sau đó là theo thỏa thuận khác của hợp đồng bảo hiểm (ví dụ: trong phần quy định chung cho các sản phẩm của AIA Việt Nam có quy định: “nếu bất kỳ người thụ hưởng nào chết trước người được bảo hiểm, phần quyền lợi bảo hiểm của người đó sẽ được trả cho chủ hợp đồng hoặc người thừa kế hợp pháp của chủ hợp đồng”) hoặc theo quy định chung của pháp luật liên quan.
Cũng cần nói đến trường hợp các nạn nhân (người thứ ba) trong sự kiện bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Một vài loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự, luật pháp có quy định yêu cầu người bảo hiểm bồi thường trực tiệp cho người thứ ba. Vì vậy, cũng có thể coi những người thứ ba đó tham gia vào quan hệ hợp đồng với tư cách người được hưởng quyền lợi bảo hiểm.
* Đối tượng bảo hiểm nói chung là tài sản, những lợi ích có liên quan tới tài sản hoặc trách nhiệm dân sự hoặc tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động và tuổi thọ con người- những đối tượng có thể gặp rủi ro và vì thế tổn hại đến lợi ích có thể được bảo hiểm.
Đối tượng bảo hiểm được xác định cho từng loại nghiệp vụ bảo hiểm và cụ thể hơn trong từng hợp đồng bảo hiểm bằng điều khoản đối tượng bảo hiểm.
Việc xác định rõ đối tượng bảo hiểm sẽ quyết định đến việc vận dụng các nguyên tắc, biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ thích hợp trong soạn thảo, thỏa thuận và quản lý hợp đồng bảo hiểm.
* Rủi ro bảo hiểm
Là tình trạng có thể đưa đến tổn thất hoặc không tổn thất. Đây chỉ là sự cố dự tính, nếu xảy ra gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến đối tượng bảo hiểm sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm của người bảo hiểm.
* Tổn thất bảo hiểm
Tổn thất là hậu quả do các rủi ro gây ra. Tổn thất là tình trạng, hoàn cảnh thực tế đưa tới sự giảm bớt về giá trị và giá trị sử dụng của vật sở hữu. Khi tổn thất xảy ra chắc chắn đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại. Tuy nhiên, không phải tổn thất nào cũng được người bảo hiểm bồi thường. Chỉ có những tổn thất do những rủi ro nằm trong phạm vi được bảo hiểm mới được xem là tổn thất bảo hiểm.
* Giá trị bảo hiểm được hiểu là giá trị của đối tượng được bảo hiểm. Trong bảo hiểm thương mại có ba nhóm đối tượng được bảo hiểm là tài sản, trách nhiệm dân sự và con người. Trách nhiệm dân sự là một khái niệm trừu tượng, chưa được xác định cụ thể khi ký hợp đồng bảo hiểm, còn đối tượng được bảo hiểm là tính mạng, sức khỏe con người là vô giá, không được đánh giá thành tiền. Do vậy, khái niệm giá trị bảo hiểm không được sử dụng trong bảo hiểm
trách nhiệm dân sự cũng như trong bảo hiểm con người mà chỉ được xem xét trong bảo hiểm tài sản.
Như vậy, giá trị bảo hiểm chính là giá trị của các tài sản được bảo hiểm và nó được lấy làm căn cứ để xác định số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm. Ví dụ, giá trị bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm vật chất xe ô tô là giá trị của xe ô tô tính vào thời điểm nhận bảo hiểm, hoặc giá trị bảo hiểm là của ngôi nhà trong bảo hiểm hỏa hoạn...
* Số tiền bảo hiểm là khoản tiền được xác định trong hợp đồng bảo hiểm thể hiện giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều đó có nghĩa là, trong bất kỳ trường hợp nào, số tiền bồi thường hay số tiền chi trả cao nhất của doanh nghiệp bảo hiểm cũng chỉ bằng số tiền bảo hiểm.
Trong bảo hiểm tài sản, số tiền bảo hiểm được xác định theo 3 trường hợp:
- Số tiền bảo hiểm < Giá trị bảo hiểm: Được gọi là bảo hiểm dưới giá trị. Ví dụ, chủ một xe ô tô chỉ tham gia bảo hiểm vật chất xe cơ giới cho phần thân vỏ xe, lúc này số tiền bảo hiểm được xác định căn cứ vào phần thân vỏ xe nhỏ hơn giá trị của chiếc xe được bảo hiểm.
- Số tiền bảo hiểm = Giá trị bảo hiểm: Được gọi là bảo hiểm ngang giá trị.
- Số tiền bảo hiểm > Giá trị bảo hiểm: Được gọi là bảo hiểm trên giá trị.
Trên thực tế, hầu hết mọi trường hợp người tham gia bảo hiểm thường tham gia dưới giá trị hoặc ngang giá trị. Còn trong trường hợp bảo hiểm trên giá trị thường chỉ xảy ra khi có thỏa thuận trước giữa công ty bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, hay gặp trong bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đối với bảo hiểm con người, số tiền bảo hiểm được xác định dựa trên sự thỏa thuận của hai bên và khả năng tài chính của người tham gia bảo hiểm. Còn trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, số tiền bảo hiểm thường được xác định dựa trên sự thỏa thuận.
* Phí bảo hiểm (còn đươc gọi là giá cả của sản phẩm bảo hiểm) là số tiền mà người tham gia bảo hiểm phải trả cho người bảo hiểm để nhận được sự cam kết đảm bảo của nhà bảo hiểm do các đối tượng được bảo hiểm khi gặp rủi ro có tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm. Phí bảo hiểm gồm có hai yếu tố :
P = f + d Trong đó:
P: Phí bảo hiểm toàn bộ f: Phí thuần
d: Phụ phí
- Phí thuần (f) là khoản phí phải thu cho phép người bảo hiểm đảm bảo chi trả, bồi thường cho các tổn thất được bảo hiểm có thể xảy ra.
- Phụ phí (d) là khoản phí cần thiết để người bảo hiểm đảm bảo cho các khoản chi trong hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm: chi hoa hồng, chi quản lý hành chính, chi đề phòng hạn chế tổn thất, chi thuế nhà nước...
* Thời hạn bảo hiểm là thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, kể từ khi ký kết hợp đồng bảo hiểm và có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm (trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm) cho tới khi kết thúc trách nhiệm bảo hiểm.
Thời hạn bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường là một năm. Đối với một số hợp đồng, có thể thời hạn bảo hiểm là kể từ lúc bắt đầu một chuyến hành trình cho tới khi kết thúc chuyến hành trình đó (bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm du lịch...)
Trong Bảo hiểm nhân thọ, thời hạn hợp đồng thường dài hơn 5-10 năm hoặc suốt cuộc đời tùy theo sự thỏa thuận của hai bên.