III. Bảo hiểm phi kinh doanh
1. Bảo hiểm xã hội
1.5. Các hình thức BHXH
1.5.1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
1.5.1.1. Đối tượng tham gia bảo hiểm
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;
đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;
e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
1.5.1.2 Các chế độ bảo hiểm xã hội
Theo điều 2 của Điều lệ BHXH Việt Nam, BHXH nước ta hiện nay gồm 5 chế độ: Chế độ trợ cấp ốm đau; Chế độ trợ cấp thai sản; Chế độ trợ cấp tai nạn lao động; Bệnh nghề nghiệp; Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
a. Chế độ trợ cấp ốm đau
Chế độ này giúp cho người lao động có được khoản trợ cấp thay thế thu nhập bị mất do không làm việc được do bị ốm đau.Việc thiết kế chế độ này như hiện nay đã tránh được những hiện tượng lạm dụng và bình quân hóa trong khi xét trợ cấp. Đảm bảo sự công bằng giữa đóng và hưởng BHXH, đồng thời có tính đến yếu tố san sẽ cộng đồng giữa những người tham gia BHXH. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu xem xét như: không quy định thời gian dự bị trước khi hưởng BHXH, thời hạn hưởng tối đa chưa rõ; thủ tục, danh mục các bệnh dài hạn quy định đã lâu, cần phải bổ sung một số bệnh mới.
b. Chế độ trợ cấp thai sản
Chế độ này giúp cho lao động nữ có được khoảng trợ cấp thay thế cho phần thu nhập bị mất do không làm việc vì sinh con. Hơn nữa việc quy định thời gian nghỉ đã tính đến yếu tố điều kiện và môi trường lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho sản phụ thuộc các nhóm lao động khác nhau. Qua thực tiễn, chế độ này còn có một số điểm cần phải khắc phục như còn đang xen giữa chính sách
BHXH với chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, thời gian dự bị trước khi được hưởng cũng chưa có.
c. Chế độ trợ cấp tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp
Thực tiễn triển khai chế độ này ở nước ta trong nhiều năm vừa qua đã góp phần không nhỏ đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động không may bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, chế độ này còn quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với các trường hợp xảy ra tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Mức trợ cấp của chế độ này dựa trên cơ sở tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là hợp lý. Tuy nhiên cần phải xác định rõ hơn tai nạn lao động xảy ra trên đường đi từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại, có một số bệnh mới phát sinh nhưng chưa được xếp vào bệnh nghề nghiệp...
d. Chế độ hưu trí
Đây là chế độ nhằm cung cấp một khoản trợ cấp thay thế cho phần thu nhập không được nhận nữa từ nghề nghiệp do nghỉ hưu. Nội dung chế độ này đã khắc phục được những hạn chế trước đây như việc quy đổi thời gian công tác, bóc tách được phần lớn các chế độ ưu đãi xã hội ra khỏi chế độ hưu trí...Vì thế đã đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa đóng và hưởng BHXH giữa các nhóm lao động khác nhau. Tuy vậy, chế độ này vẫn còn nhiều điểm nổi cộm cần khắc phục như tuổi đời về hưu giữa các ngành, các nhóm lao động, những người hưởng trợ cấp một lần đưa vào chế độ là chưa hợp lý...
e. Chế độ tử tuất
Một trong những chế độ BHXH mang tính nhân đạo nhất đó là chế độ tử tuất. Chế độ này đã giúp cho thân nhân người chết có được khoản trợ cấp bù đắp một phần thiếu hụt thu nhập của gia đình cho người lao động bị chết. Khi xây dựng chế độ này đã tính đến yếu tố đóng góp của người tham gia bảo hiểm và yếu tố xã hội giữa người sống và người chết. Đặc biệt có tính đến yếu tố kế thừa của thân nhân người chết.
1.5.1.3. Thu và chi bảo hiểm xã hội bắt buộc a. Nguồn thu BHXH bắt buộc
Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài ngân sách nhà nước.
Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau đây:
- Người lao động đóng góp
- Người sử dụng lao động đóng góp - Nhà nước bù thiếu
- Các nguồn thu khác (từ các cá nhân và các tổ chức từ thiện ủng hộ, lãi đầu tư vốn nhàn rỗi)
Phần lớn các nước trên thế giới, quỹ BHXH đều được hình thành từ các nguồn nêu trên, sở dĩ như vậy bởi các lý do:
- Người lao động đóng góp một phần vào quỹ BHXH biểu hiện sự gánh chịu trực tiếp rủi ro của chính mình mặt khác nó có ý nghĩa ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi của họ một cách chặt chẽ.
- Người sử dụng lao động đóng góp một phần quỹ BHXH cho người lao động một mặt sẽ tránh được những thiệt hại to lớn như đình trệ sản xuất, đào tạo lại lao động khi có rủi ro xảy ra đối với người lao động mặt khác nó giảm bớt đi sự căng thẳng trong mối quan hệ vốn chứa đựng đầy những mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ và thợ.
- Nhà nước tham gia đóng góp một phần vào quỹ BHXH trên cương vị của người quản lý xã hội về mọi mặt với mục đích phát triển kinh tế ổn định xã hội.
Do mối quan hệ giữa chủ - thợ có chứa nhiều mâu thuẫn mà hai bên không thể tự giải quyết được. Nhà nước buộc phải tham gia nhằm điều hòa mọi mâu thuẫn của hai bên thông qua hệ thống các chính sách, pháp luật. Không chỉ có như vậy nhà nước còn hỗ trợ thêm vào quỹ BHXH giúp cho hoạt động BHXH được ổn định.
Về mức đóng góp BHXH, một số nước quy định người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí cho chế độ tai nạn lao động, Chính phủ trả chi phí y tế và trợ cấp gia đình, các chế độ còn lại của người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng góp mỗi bên một phần bằng nhau. Một số nước khác lại quy định, chính phủ bù thiếu cho quỹ BHXH hoặc chịu toàn bộ chi phí quản lý
BHXH... Riêng ở Việt Nam thì người sử dụng lao động đóng bằng 17 % tổng quỹ tiền lương của những người tham gia BHXH trong đơn vị. Người lao động đóng 7% tiền lương hàng tháng. (Từ 01/01/2014 trở đi: người lao động đóng 8%; người sử dụng lao động đóng 18%).
b. Chi BHXH bắt buộc
Quỹ BHXH được sử dụng chủ yếu cho 2 mục đích sau : - Chi trả và trợ cấp cho các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Chi phí cho sự nghiệp quản lý BHXH.
Ngoài chi trả trợ cấp cho các chế độ BHXH, quỹ BHXH còn được sử dụng cho chi phí quản lý như tiền lương, khấu hao TSCĐ, văn phòng phẩm và một số khoản chi khác.
Phần quỹ nhàn rỗi được đem đầu tư sinh lợi: Mục đích đầu tư quỹ BHXH là nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn quỹ.
1.5.2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.
1.5.2.1. Đối tượng tham gia
Là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1.5.2.2. Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện - Chế độ hưu trí
- Chế độ tử tuất
1.5.2.3. Thu chi quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện a. Thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Người lao động: Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng tỷ lệ % đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định nhân với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội:
+ Từ tháng 1 năm 2008 đến tháng 12 năm 2009 bằng 16%;
+ Từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 12 năm 2011 bằng 18%;
+ Từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 12 năm 2013 bằng 20%;
+ Từ tháng 1 năm 2014 trở đi bằng 22%.
- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ - Hỗ trợ của Nhà nước
- Các nguồn thu khác
b. Chi bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Trả các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm đang hưởng lương hưu - Chi phí quản lý